27/04/2024 04:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kỳ 2
其二

Tác giả: Vũ Phạm Hàm - 武范邯

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 28/09/2018 14:29

 

Nguyên tác

好為裁書謝白鷗,
竹林啼鳥不知休。
觀風共美新為政,
好月那堪獨上樓。
碧落有情空悵望,
酒杯無日不淹留。
名場聲利喧喧在,
阜俗文章惜暗投。

Phiên âm

Hiếu vị tài thư tạ bạch âu[1],
Trúc lâm đề điểu bất tri hưu.
Quan phong[2] cộng mĩ tân vi chính,
Hảo nguyệt na kham độc thượng lâu.
Bích lạc hữu tình không trướng vọng,
Tửu bôi vô nhật bất yêm lưu.
Danh trường thanh lợi huyên huyên tại,
Phụ tục văn chương[3] tích ám đầu.

Dịch nghĩa

Những mong soạn sách để đáp tạ cánh âu trắng không biết đến ưu phiền(,
Trong rừng trúc, lắng nghe tiếng chim hót chừng không biết mỏi.
Xem xét phong tục của nhân dân, cùng vui mừng nền chính hoá mới vừa tốt đẹp,
Trăng sáng đẹp thế kia, đâu nỡ một mình lên lầu thưởng ngoạn.
Trời xanh hữu tình như một dòng biếc từ trên cao thả xuống, buồn ngắm mãi,
Chén rượu này, không ngày nào không tràn trề.
Đường danh lợi tiếng vang vang huyên náo,
Văn chương có thể dùng để điểm tô phong hoá thuần hậu, tiếc sao lại cũng ngầm ném đi.

Bản dịch của Nguyễn Đức Toàn (II)

Những mong đáp tạ cánh âu,
Rừng tre chim ríu biết đâu mỏi ngừng.
Ngắm xem phong tục thêm mừng,
Trăng thanh cảnh đẹp một mình đâu vui.
Trời xanh dòng biếc ngắm trôi,
Rượu ngon đầy chén để vơi nỗi sầu.
Lợi danh rộn rã đâu đâu,
Văn chương thuần hậu buồn rầu ném đi.
Các câu được trích từ:
- Câu 1. Lục Quy Mông, Ký Hoài Nam Trịnh Tân thư ký (câu 8)
- Câu 2. Tào Tùng, Bồi Hồ Nam Lý trung thừa chương yến ẩn khê (câu 1)
- Câu 3. Thôi Động, Đề Đồng Quan Lý Minh phủ thư xá (câu 5)
- Câu 4. Đàm Dụng Chi, Nguyệt dạ hoài ký hữu nhân (câu 4)
- Câu 5. Lý Viễn, Thất hạc (câu 3)
- Câu 6. Đỗ Mục, Tự Tuyên Thành phó quan thượng kinh (câu 2)
- Câu 7. Chương Ngại, Tống Tạ Tiến sĩ quy Mân (câu 7)
- Câu 8. Tiết Phùng, Kinh thu (câu 4)

[1] Loài chim biểu tượng cho tự do, thanh, nhàn vô sự, không vướng bận trần tục. Thơ Đỗ Phủ: “Bạch âu ba hạo đãng, Vạn lý thuỳ năng thuần” 白鷗波浩蕩,萬里誰能馴 (Chim âu trắng đùa giỡn trên sóng nước, Muôn dặm ai có thể thuần phục được).
[2] Chỉ việc xem xét dân tình. Thời cổ có chức quan chuyên đi thu tìm các câu phong dao trong nước dâng lên để xem xét phong tục, dân tình.
[3] Ý nói văn chương có thể giúp điểm tô thuần hậu phong hoá. Bài Sách vấn của Đỗ Phủ có câu: “Phù cốc giả sở dĩ phụ tục khang thì tụ nhân thủ vị giả dã” 夫榖者所以阜俗康時聚人守位者也 (Gạo để giúp phong tục, cứu đời, tụ họp dân chúng, có thể giữ được ngôi vị vậy).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Phạm Hàm » Kỳ 2