24/04/2024 11:16Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tố quan 2
素冠 2

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 05/10/2005 21:36

 

Nguyên tác

庶見素衣兮,
我心傷悲兮,
聊與子同歸兮。

Phiên âm

Thứ kiến tố y hề!
Ngã tâm thương bi hề!
Liêu dữ tử đồng quy hề!

Dịch nghĩa

Mong mỏi được thấy cái áo lụa trắng (của người để tang mặc).
Mà lòng ta bi thương.
(vả lại, thấy người ấy mặc áo tang như thế) thì nguyện xin đi với người ấy mà đưa về nhà.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Áo tang trắng mong sao được thấy.
Mà lòng ta cứ mãi ưu sầu.
Nguyện cùng về để đưa nhau.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc phú.

tố quan: mũ bằng lụa trắng cũng như tố y, áo trắng, đều may bằng lụa trắng khi để tang.
dữ tử đồng quy: muốn đi với người mặc đồ atng ấy để dưa về nhà. Đó là lời thương mến.


Xét theo tang lễ, để tang cho cha, cho vua thì mặc áo vải thô và sổ gấu (không may biên) trong ba năm.

Xưa Tề Dư muốn thâu ngắn thời gian để tang (cho ba năm là dài), thì Khổng Phu Tử nói rằng, con cái sinh được ba năm, rồi sau mới rời khỏi cha mẹ bồng ẵm, ôm ấp trong lòng. Tề Dư, người chẳng được cha mẹ người yêu thương bồng ẵm trong ba năm ư? Để tang ba năm, đó là phép thông thường trong thiên hạ. Mao Thi giảng rằng: thầy Tử Hạ để tang ba năm xong rồi, đến gặp Khổng Tử, cầm cây đàn khảy vui vẻ thích thú rồi đứng lên thưa rằng: các đấng tiên vương đã chế ra lễ, nên không dám chẳng theo cho kịp.

Khổng Tử nói rằng: Quân tử đấy.

Mẫn Tử Khiên xong ba năm để tang, đến gặp Khổng Tử, cầm cây đàn khảy tha thiết ưu sầu, rồi đứng lên thưa rằng: Những đấng tiên vương đã chế ra lễ, nên không dám theo quá hơn.

Khổng Tử nói rằng: Quân tử đấy.

Tử Lộ hỏi rằng: dám thưa tại sao thế?

Khổng Tử đáp: Tử Hạ ưu sầu đã dứt, mà còn có thể gắng đưa mình đến mức lễ, cho nên gọi là quân tử vậy. Mẫn Tử Khiên ưu sầu chưa dứt, mà còn có thể ngăn mình ở mức lễ, cho nên gọi là quân tử vậy! Ôi! Để tang ba năm là việc nhẹ nhàng của bực hiền, lại là việc cố gắng của kẻ bất hiếu đó.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Tố quan 2