26/04/2024 16:26Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bệnh bách
病柏

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 01/03/2014 20:45

 

Nguyên tác

有柏生崇岡,
童童狀車蓋。
偃蹙龍虎姿,
主當風雲會。
神明依正直,
故老多再拜。
豈知千年根,
中路顏色壞。
出非不得地,
蟠據亦高大。
歲寒忽無憑,
日夜柯葉改。
丹鳳領九雛,
哀鳴翔其外。
鴟鴞志意滿,
養子穿穴內。
客從何鄉來,
佇立久籲怪。
靜求元精理,
浩盪難倚賴。

Phiên âm

Hữu bách sinh sùng cương,
Đồng đồng trạng xa cái.
Yển túc long hổ tư,
Chủ đương phong vân hội.
Thần minh y chính trực,
Cố lão đa tái bái.
Khởi tri thiên niên căn,
Trung lộ nhan sắc hoài.
Xuất phi bất đắc địa,
Bàn cứ diệc cao đại.
Tuế hàn hốt vô bằng,
Nhật dạ kha diệp cải.
Đan phụng lĩnh cửu sồ,
Ai minh tường kỳ ngoại.
Si hào chí ý mãn,
Dưỡng tử xuyên huyệt nội.
Khách tòng hà hương lai,
Trữ lập cửu dụ quái.
Tĩnh cầu nguyên tinh lý,
Hạo đãng nan ỷ lại.

Dịch nghĩa

Có cây bách mọc trên đỉnh núi cao,
Sừng sững như cột xe vậy.
Vùng vẫy như hổ với rồng,
Hoà mình trong mây gió.
Rõ ràng như có thần linh uy nghi trong nó,
Các người già cả thường tơi lễ bái.
Có ai hay rằng gốc nó đã có từ ngàn năm,
Mà bỗng dưng nó lại tiều tuỵ.
Không phải là nó không mọc chỗ đất tốt,
Nó đã bành trướng rộng lớn cả một vùng.
Trời lạnh nó bỗng không nơi nương tựa,
Ngày đêm cành lá bỗng thay đổi.
Chim phượng đỏ dẫn đàn chín con nhỏ tới,
Kêu thảm thiết rồi liệng quanh.
Lũ cú vọ thấy thế làm đắc ý,
Nuôi con trong hốc nơi thân cây.
Người khách từ phương nào tới,
Tần ngần đứng hồi lâu cho là chuyện lạ.
Bình tĩnh mà tìm hiểu nguyên do,
Lênh đênh trôi nổi khó mà trông nhờ được.

Bản dịch của Nhượng Tống

Đồi cao có cây trắc
Lá rợp tựa tàn che
Mây gió thời may lắm
Hùm, rồng vẻ đẹp ghê
Thẳng ngay thần tựa bóng
Khấn vái, dân đi về
Ai biết bên trong gốc
Nghìn năm lõi mục nhè
Phải đâu không được đất
Rễ mọc khắp tứ bề
Năm rét bỗng trơ trọi
Lá cành ngày ủ ê
Chín con chim phượng liệng
Hót thảm: phải tìm đi
Đục bọng gửi đôi trứng
Vọ ta chừng thoả thuê
Khách từ xa lạ đến
Đứng ngắm lòng tê mê
Lặng nghĩ lẽ màu nhiệm
Đời thôi có chắc gì
(Năm 761)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Bệnh bách