26/04/2024 17:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bát ai thi kỳ 5 - Tặng bí thư giám Giang Hạ Lý công Ung
八哀詩其五-贈秘書監江夏李公邕

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/02/2015 01:24

 

Nguyên tác

長嘯宇宙間,
高才日陵替。
古人不可見,
前輩復誰繼。
憶昔李公存,
詞林有根柢。
聲華當健筆,
灑落富清制。
風流散金石,
追琢山嶽銳。
情窮造化理,
學貫天人際。
幹謁走其門,
碑版照四裔。
各滿深望還,
森然起凡例。
蕭蕭白楊路,
洞徹寶珠惠。
龍宮塔廟湧,
浩劫浮雲衛。
宗儒俎豆事,
故吏去思計。
眄睞已皆虛,
跋涉曾不泥。
向來映當時,
豈獨勸後世。
豐屋珊瑚鉤,
騏驎織成罽。
紫騮隨劍幾,
義取無虛歲。
分宅脫驂間,
感激懷未濟。
眾歸賙給美,
擺落多藏穢。
獨步四十年,
風聽九皋唳。
嗚呼江夏姿,
竟掩宣尼袂。
往者武后朝,
引用多寵嬖。
否臧太常議,
面折二張勢。
衰俗凜生風,
排蕩秋旻霽。
忠貞負冤恨,
宮闕深旒綴。
放逐早聯翩,
低垂困炎癘。
日斜鵩鳥入,
魂斷蒼梧帝。
策枯走不暇,
星駕無安稅。
幾分漢廷竹,
夙擁文侯篲。
終悲洛陽獄,
事近小臣斃。
禍階初負謗,
易力何深嚌。
伊昔臨淄亭,
酒酣托末契。
重敘東都別,
朝陰改軒砌。
論文到崔蘇,
推盡流水逝。
近伏盈川雄,
未甘特進麗。
是非張相國,
相扼一危脆。
爭名古豈然,
鍵捷欻不閉。
例及吾家詩,
曠懷掃氛翳。
慷慨嗣真作,
咨嗟玉山桂。
鐘律儼高懸,
鯤鯨噴迢遞。
坡陀青州血,
蕪沒汶陽瘞。
哀贈竟蕭條,
恩波延揭厲。
子孫存如線,
舊客舟凝滯。
君臣尚論兵,
將帥接燕薊。
朗吟六公篇,
憂來豁蒙蔽。

Phiên âm

Trường khiếu vũ trụ gian,
Cao tài nhật lăng thế.
Cổ nhân bất khả kiến,
Tiền bối phục thuỳ kế.
Ức tích Lý công tồn,
Từ lâm hữu căn để.
Thanh hoa đương kiện bút,
Sái lạc phú thanh chế.
Phong lưu tán kim thạch[1],
Truy trác sơn nhạc nhuệ.
Tình cùng tạo hoá lý,
Học quán thiên nhân tế.
Cán yết tẩu kỳ môn,
Bi bản chiếu tứ duệ.
Các mãn thâm vọng hoàn,
Sâm nhiên khởi phàm lệ.
Tiêu tiêu bạch dương lộ,
Động triệt bảo châu huệ.
Long cung tháp miếu dũng,
Hạo kiếp phù vân vệ.
Tông nho trở đậu sự,
Cố lại khứ tư kế.
Miện lãi dĩ giai hư,
Bạt thiệp tằng bất nệ.
Hướng lai ánh đương thì,
Khởi độc khuyến hậu thế.
Phong ốc san hô câu,
Kỳ lân chức thành kế.
Tử lưu tuỳ kiếm cơ,
Nghĩa thủ vô hư tuế[2].
Phân trạch thoát tham[3] gian,
Cảm kích hoài vị tế.
Chúng quy chu cấp mĩ,
Bãi lạc đa tàng uế.
Độc bộ tứ thập niên,
Phong thính cửu cao lệ[4].
Ô hô Giang Hạ[5] tư,
Cánh yểm Tuyên Ni[6] duệ.
Vãng giả Vũ Hậu triều,
Dẫn dụng đa sủng bế.
Phủ tang thái thường nghị[7],
Diện chiết nhị Trương thế[8].
Suy tục lẫm sinh phong,
Bài đãng thu mân tễ.
Trung trinh phụ oan hận,
Cung khuyết thâm lưu chuế.
Phóng trục tảo liên phiên,
Đê thuỳ khốn viêm lệ.
Nhật tà phục điểu nhập,
Hồn đoạn Thương Ngô đế.
Sách khô tẩu bất hạ,
Tinh giá vô an thuế.
Kỷ phân Hán đình trúc,
Túc ủng Văn Hầu tuệ.
Chung bi Lạc Dương ngục,
Sự cận tiểu thần tệ.
Hoạ giai sơ phụ báng,
Dị lực hà thâm tễ.
Y tích Lâm Truy đình,
Tửu hàm thác mạt khế.
Trùng tự Đông Đô biệt,
Triều âm cải hiên thế,
Luận văn đáo Thôi[9], Tô[10],
Thôi tận lưu thuỷ thệ.
Cận phục Doanh Xuyên hùng[11],
Vị cam Đặc Tiến[12] lệ.
Thị phi Trương tướng quốc[13],
Tương ách nhất nguy thuý.
Tranh danh cổ khởi nhiên,
Kiện tiệp hốt bất bế.
Lệ cập ngô gia thi,
Khoáng hoài tảo phân ế.
Khảng khái tự chân tác,
Tư ta Ngọc Sơn quế.
Chung luật[14] nghiễm cao huyền,
Côn kình phún điều đệ.
Pha đà Thanh Châu[15] huyết,
Vu một Vấn Dương[16] ế.
Ai tặng cánh tiêu điều,
Ân ba diên yết lệ.
Tử tôn tồn như tuyến,
Cựu khách[17] chu ngưng trệ.
Quân thần thượng luận binh,
Tướng suý tiếp Yên, Kế.
Lãng ngâm “Lục công[18]” thiên,
Ưu lai khoát mông tế.

Dịch nghĩa

Giữa khoảng trời đất này xin hú một tiếng dài,
Tài cao ngày một hiếm bớt.
Người xưa đã chẳng thể thấy lại,
Ai là người có thể kế tục người đi trước.
Nhớ xưa lúc ông Lý còn sống,
Rừng văn có cơ sở.
Tiếng, vẻ xứng với sức bút mạnh,
Nhiều thể văn phóng khoáng trong sáng.
Vẻ nhàn nhã lộ ra nơi vàng đá,
Chau chuốt cái mũi nhọn của núi cao.
Tình cảm đã đạt tới cùng của lẽ trời,
Học thì vượt quá giới người trong đời.
Có việc qua qua cửa nhà ông,
Tấm bia chiếu sáng bốn phía.
Người người đều ngưỡng mộ,
Trong lĩnh vực còn hoang rậm, ông bắt đầu đề ra lệ chung.
Trên con đường trồng bạch dương rù rì,
Ân huệ quý báu như châu ngọc bỗng khô kiệt.
Tháp với miếu trong cung của vua dưới nước xao động,
Đền đài cao vòi vọi tới cõi mây.
Các nhà nho chân chính trông coi việc tế lễ,
Các quan triều xưa kể ra những công trạng.
Ngó nghiêng đều đã rỗng không,
Lặn lội mà chưa từng nhão nát.
Chiếu sáng từ trước đến giờ và từ nay về sau,
Há phải chỉ khuyên đời sau mà thôi đâu.
Đầy phòng treo thư pháp có đóng khung bằng san hô,
Hình kỳ lân được kết dệt thành.
Ngựa tía tuỳ theo bao nhiêu đơn vị (kiếm) như bạc, vàng, lụa trả công,
Theo nghĩa mà đối xử chứ không có tính khống lên.
Chia chỗ ở để tháo con ngựa tham,
Cảm kích mãi chưa giải được niềm nhung nhớ.
Mang lại hàng loạt cái đẹp,
Loại trừ bao nhiêu cái xấu dở ra khỏi kho sưu tập.
Một mình thui thủi trong bốn chục năm,
Qua gió nghe tiếng kêu của (hạc) ở chín gò (khắp nơi).
Than ôi cái uy tín của vùng Giang Hạ,
Mà bị dấu dưới tay áo của Tuyên Ni.
Trước kia thời Vũ Hậu nắm quyền,
Ưa dùng nhiều kẻ nịnh nọt.
Không đồng ý với lời đề nghị của quan thái thường,
Làm bẽ mặt thế lực của hai anh em họ Trương.
Tục lệ suy thoái khiến sinh ra nhiều gió,
Quét sạch để cho trời thu quang đãng.
Vì lòng trung trinh mà mắc phải oán, hận,
Nơi cung khuyết sâu kín kia còn cấu kết chặt chẽ.
Cứ sớm bị thuyên chuyển luôn,
Gục ngã khốn đốn nơi xứ khí độc nóng ẩm.
Trời chiều cú vọ về,
Hồn tan nơi Thương Ngô của đế.
Gậy khô chạy vạy không ngưng,
Sao chuyển rời chẳng được nghỉ.
Mấy lượt chẻ trúc nơi đình nhà Hán,
Nguỵ Văn Hầu vác chổi chờ sẵn đó.
Chung cục chết bi thảm trong ngục Lạc Dương,
Vì phục vụ gần vua nên các quan nhỏ đảo ngược sự thật.
Nguyên do của tai hoạ đó thật là mập mờ, quá ấu trĩ,
Không cần tốn công suy nghĩ cũng hiểu được cái lý tiềm ẩn trong việc đó.
Nhớ lại thời trước khi ở đình Lâm Truy,
Rượu ngà ngà có căn dặn bọn đàn em.
Nhắc lại khi chia tay ở Đông Đô,
Bậc thềm trước điện cứ thay đổi sớm hôm.
Bàn về văn chương thì ông ngang với Thôi Dung và Tô Vị Đạo,
Phân tích chi li như dòng nước trôi xuôi.
Gần sát cái vẻ kiêu hùng của viên lệnh Doanh Xuyên,
Chưa vừa với cái tráng lệ của Đặc Tiến.
Biết được lẽ phải trái như viên tướng quốc họ Trương Duyệt.
Phải củng cố ngay cái chỗ suy yếu.
Tranh nhau cái danh vốn đã có từ xưa,
Khoá chốt đó mà không đóng ngay.
Vì cùng chung một loại nên đến với thơ trong gia đình tôi,
Mở rộng cõi lòng sáng sủa mênh mông để quét cái bầu không khí u ám.
Khảng khái kế tục cái chân thực mà viết ra,
Than tiếc cho cây quế ở Ngọc Sơn.
Luật về âm thanh treo trên cao,
Cá côn kình phun nước cao xa.
Máu nơi Thanh Châu lênh láng,
Vùi lấp nơi Vấn Dương rậm rạp.
Làm bài thơ buồn tặng ông mà lòng còn rầu rĩ,
Làn sóng ân nghĩa chảy cứ dứt nối.
Con cháu sống còn mong manh như sợi chỉ,
Người khách xưa hiện nay đang kẹt trên con thuyền.
Vua và bề tôi còn đang bàn về quân sự,
Các vị tướng phải ra vùng Yên Châu, Kế Châu.
Bài “Lục công” ngâm sang sảng,
Lo tới việc làm rõ cái mù mờ.

Bản dịch của Phạm Doanh

Giữa trời đất kêu dài hoảng hốt,
Bậc tài cao ngày một lưa thưa
Chẳng còn thấy lại người xưa,
Có ai là kẻ kế thừa được ông.
Nhớ thuở khi Lý công còn ở,
Rừng văn kia cơ sở vững vàng.
Tiếng, vẻ sức bút sánh ngang,
Biết bao thể cách sáng trưng khắp trời.
Vẻ phong lưu hiện nơi vàng đá.
Sức vung lên vượt quá núi rồi.
Tình ngang với lẽ của trời
Học thì vượt hẳn người đời thường kia.
Mỗi khi có việc qua cửa đó,
Bia trong nhà chiếu rõ bốn bên.
Thảy đều trân trọng chẳng quên,
Từ nơi hoang vắng, đặt nền móng cao.
Đường bạch dương rì rào tươi thắm,
Bỗng sao mà tắt ngấm huệ ơn.
Long cung tháp miếu nhẩy chồm,
Thềm nhà lên tuốt trên vòm mây trôi.
Các nhà nho trông coi tế lễ,
Quan xưa bia từng kể công danh.
Thoắt coi nay đã vắng tanh,
Dãi dầu mà chẳng biến hình, nhạt phai.
Cho mai sau sáng ngời còn để,
Há riêng vì hậu thế dặn dò.
Trưng đầy nhà, khung san hô,
Lại còn sợi dệt hình thù kì lân.
Con ngựa quí công ăn có giá,
Chẳng tính bừa, theo nghĩa mà làm.
Phân li bỏ ngựa đầu đàn,
Nhớ hoài chẳng dứt, lòng buồn hiu hiu.
Đem cho đời bao nhiêu cái đẹp
Nhiều xấu kia phải dẹp đi thôi.
Cặm cụi bốn chục năm trời,
Gió đưa tiếng hạc nơi nơi nhịp nhàng.
Hỡi ơi cái uy Giang hạ nọ,
Áo Tuyên Ni sao phủ lên trên.
Trước kia Vũ hậu nắm quyền,
Nhiều kẻ nịnh hót, ơn ban, rẫy đầy.
Quan thái thường, bác ngay chẳng nể,
Cả hai Trương cùng bẽ mặt mo
Tục suy khiến sinh lắm trò,
Cần quét để khiến trời thu trong lành.
Quyết giữ trung mà đành oan hận,
Nơi cung sâu phải tản quyền ra.
Sớm bị chuyển đổi đi xa,
Lết lê trong chốn khói mù khổ thay.
Lúc chiều tà cú bay rần rật,
Vua Thương Ngô hồn nát đau thương.
Thân gầy chạy vạy không ngừng,
Số long đong chẳng được dừng nghỉ chân.
Giữa triều biết bao lần viết chữ,
Văn hầu kia chổi giữ ngay bên.
Ngục Lạc Dương dứt đời phiền,
Gần vua, cái lũ hoạn quan lật lường.
Gốc tai hoạ rõ ràng bịa đặt,
Câu trả lời chẳng mất nhiều hơi.
Đình Lâm Truy, vẫn nhớ người,
Rượu say, bạn trẻ mấy lời nhắn nhe.
Lại Đông Đô là khi ly biệt,
Trước thềm vua sáng giết, chiều tha.
Bàn văn ngang với Thôi, Tô,
Rạch ròi tình tiết tựa hồ triều lên.
Vẻ hùng tráng Doanh Xuyên gần đến,
Vừng tráng lệ Đặc Tiến chưa cùng.
Phải, trái tể tướng họ Trương,
Chỗ suy yếu phải trông chừng chặn ngay.
Dành lấy tiếng xưa nay vốn có,
Tuy khoá nhưng mà chớ bít bùng.
Thơ nhà tôi, vốn chung dòng,
Khai quang bóng tối, cõi lòng mở ra.
Lấy sự thực để mà sáng tác,
Quế núi Ngọc than tiếc lắm rồi.
Luật âm treo chỗ cao vời,
Côn kình phun nước cái vòi xa cao.
Gập ghềnh nơi Thanh Châu, máu đổ,
Bị chôn vùi tại chỗ Vấn Dương.
Ơn xưa vẫn nhớ khôn cùng,
Viết bài thơ tặng cõi lòng ngẩn ngơ.
Cháu con, như sợi tơ vất vưởng,
Người khách xưa thuyền vướng bên sông.
Vua tôi còn phải bàn công,
Châu Yên, châu Kế các vùng tướng ra.
Bài Lục công ngâm tà tà,
Lo sao cho rõ cái mù mờ kia.
(Năm 766)

Lý Ung (687-747) tự Thái Hoà 泰和, người Dương Châu. Đường làm quan nhiều trắc trở, phải thuyên chuyển nhiều nơi. Đã có lần bị vu cáo, bị án tử hình may nhờ quan tướng Khổng Chương 孔璋 xin tha. Sau vì theo Dương Tứ lập công nên được làm thái thú Bắc Hải. Năm năm sau đó lại bị Lý Lâm Phủ 李林甫 sai tra tấn trong tù cho đến chết. Ông học theo thư pháp Vương Hy Chi 王羲之 và Vương Hiến Chi 王獻之, hiện nay còn để lại nhiều tấm bia do ông khắc. Cháu nội của ông là Lý Chi Phương 李之芳 có giao thiệp thân thiết với Đỗ Phủ.

[1] Dùng công cụ bằng kim loại để khắc đá. Nói về nghệ thuật khắc văn bia của Lý Ung.
[2] Lý Ung sở trường về khắc văn bia. Mũ áo các quan trong triều cũng như nơi thờ cúng trong dân gian đều dùng gấm hay vàng để bồi dưỡng lại cho bài văn ông làm.
[3] Con ngựa đi đầu trong đoàn ba con kéo xe tam mã.
[4] Chỉ ý chí tham dự vào việc nước. Kinh thi, bài Hạc minh 鶴鳴: “Hạc minh vu cửu cao, Thanh văn vu thiên” 鶴鳴于九皋,聲聞于天 (Hạc kêu nơi cửu cao, Tiếng nghe vang trời).
[5] Tên cũ của huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Trong lịch sử, Hán Cao Tổ đã lập vùng này bao gồm hai tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam.
[6] Tên tôn xưng dành cho Khổng Tử. Khổng Tử tự Trọng Ni 仲尼, đời Hán Bình Đế truy tặng tên thuỵ cho Khổng Tử là Bao Thành Tuyên Ni Công.
[7] Quan thái thường bác sĩ Lý Xử Trực 李處直 đưa ra ý kiến, Vi Cự Nguyên cười khen hay, nhưng Ung lại bác đi.
[8] Tống Cảnh 宋璟 vạch ra lời khai man của anh em Trương Xương Tông 張昌宗. Vũ Hậu không chịu, Ung ở dưới thềm vua lớn tiếng nói Điều Cảnh trình bày đáng nghe.
[9] Thôi Dung 崔融 (653-706) tự An Thành 安成, người vùng Tề Châu, Toàn Tiết (nay là Chương Khâu). Được trọng dụng thời Vũ Hậu.
[10] Tô Vị Đạo 蘇味道 (648-705), một nhà văn học nổi tiếng đời Đường, người Triệu Châu, Loan Thành (nay là Hà Bắc, được Vũ Hậu trọng dụng. Cùng với Thôi Dung, Lý Kiệu 李嶠, Đỗ Thẩm Ngôn thành nhóm Văn chương tứ hữu 文章四友.
[11] Chỉ Dương Quýnh 楊炯 (650-692), người Hoa Âm, Thiểm Tây. Cùng với Vương Bột 王勃, Lư Chiếu Lân 盧照鄰, Lạc Tân Vương 駱賓王 được xưng là Sơ Đường tứ kiệt. Năm Hiển Khánh thứ 4 (659) được mang danh thần đồng. Năm Thượng Nguyên thứ 3 (676) theo chế vua mà trúng tuyển. Bổ nhiệm hiệu thư lang, sau đổi thiêm sự tư trực. Khi Vũ Hậu tiếm vị (685), theo người em của ông nội là Dương Thần Nhượng 楊神讓 tham dự cuộc khởi nghĩa của Từ Kính Nghiệp 徐敬業, bị đổi đi giữ chức tư pháp tham quân ở Tử Châu. Năm đầu Thiên Thụ (690) giữ chức dạy trong cung Lạc Dương. Năm đầu Như Ý (692) làm lệnh ở Doanh Xuyên rồi qua đời. Vì thế có tên là Dương Doanh Xuyên 楊盈川.
[12] Lý Kiệu tự Cự Sơn 巨山, người Tán Hoàng, Triệu Châu, Hà Bắc. Lúc nhỏ nằm mộng có người cho cặp viết do đó đi vào nghiệp văn chương. Thời Vũ Hậu giữ chức xá nhân ở Phượng Các. Mỗi khi cần viết chữ lớn, đều gọi ông tới. Thăng làm thị lang ở Loan Đài, được phong tước Triệu quốc công. Năm Cảnh Long ban hàm đặc tiến coi Binh bộ thượng thư đồng trung thư môn hạ (tam phẩm). Thời Duệ Tông ra ngoài giữ chức chế sứ Hoài Châu. Mới đầu giao lưu cùng Vương Bột, Dương Quýnh, sau với Thôi Dung, Tô Vị Đạo cùng nổi danh.
[13] Trương Duyệt (667-730) tự Đạo Tế, người Phạm Dương (nay là huyện Trác, Hà Bắc). Rất được trọng dụng thời Vũ Hậu.
[14] Luật do chuông phát ra, chỉ âm luật, luật về âm thanh.
[15] Thủ phủ cũ của tỉnh Sơn Đông.
[16] Thành cũ tại huyện Ninh Dương, Sơn Đông, vùng nước Lỗ thời Xuân Thu. Lý Lâm Phủ ghét Lý Ung, sai người tới quận dùng gậy đánh đến chết.
[17] Đỗ Phủ tự chỉ mình.
[18] Bài thơ Địch tướng lục công 狄相六公 của Lý Ung.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Bát ai thi kỳ 5 - Tặng bí thư giám Giang Hạ Lý công Ung