20/04/2024 12:08Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bân phong đồ
邠風圖

Tác giả: Cao Bá Quát - 高伯适

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 23/03/2014 12:04

 

Nguyên tác

萬古田蠶計,
邠風一卷傳。
丹青重點綴,
場圃接雲煙。
春酒羔羊地,
秋風蟋蟀天。
農夫謀瑣屑,
公子致纏延。
桑柘人家外,
瓜壼耳目前。
授衣懷九月,
破斧感三年。
極寫艱難業,
能兼雅頌篇。
太平歌盛世,
意在畫圖先。

Phiên âm

Vạn cổ điền tàm kế,
Bân phong nhất quyển truyền[1].
Đan thanh[2] trùng điểm xuyết,
Trường phố[3] tiếp vân yên.
Xuân tửu cao dương địa[4],
Thu phong tất suất[5] thiên.
Nông phu mưu toả tiết[6],
Công tử[7] trí triền diên.
Tang giá[8] nhân gia ngoại,
Qua hồ[9] nhĩ mục tiền.
Thụ y hoài cửu nguyệt[10],
Phá phủ[11] cảm tam niên.
Cực tả gian nan nghiệp,
Năng kiêm nhã tụng[12] thiên.
Thái bình ca thịnh thế,
Ý tại hoạ đồ tiên.[13]

Bản dịch của Phạm Vũ Toản

Cuộc sống nông tang muôn thuở,
Tục Bân sách cũ còn đây.
Điểm xuyết nét tô xanh đỏ,
Nhà vườn tiếp giáp trời mây.
Gió thu, vang trời dế khóc,
Rượu xuân, de tái thú quê.
Việc vặt nhà nông khó nhọc,
Chơi bời, cậu ấm thoả thuê.
Ra đồng chá, dâu chăm bón,
Dưa, bầu lúc lỉu đầy nương.
Tháng chín nhớ ngày áo đón,
Ba năm rìu chặt thảm thương.
Tả đủ khó khăn sinh hoạt,
Thêm và cả nhã, tụng thiên.
Đời thịnh rộn ràng tiếng hát,
Ngờ từ bức hoạ vang lên.
[1] Tức quyển "Bân phong", là quyển cuối của phần "Quốc phong" trong Kinh Thi. Bài thơ này có sử dụng những câu chữ và đề cập tới nội dung của quyển thơ này.
[2] Thơ trong "Bân phong" phản ánh đa dạng cuộc sống vất vả của người dân và lối sống thoải mái hưởng lợi của bọn chúa đất.
[3] Thơ trong "Bân phong" có câu "Cửu nguyệt trúc trường phố, Thập nguyệt nhập hoà giá" (Tháng chín xây nhà kho trên vườn rau, Tháng mười nạp thóc lúa vào kho).
[4] Lấy ý từ bài "Thất nguyệt": "Bằng tửu tư hưởng, Viết sát cao dương" (Chén rượu song đôi nay cùng nhấp hưởng, Bảo giết con dê lớn).
[5] Lấy từ bài "Thất nguyệt": "Thất nguyệt tất suất nhập ngã sàng hạ" (Tháng mười dế vào nằm dưới giường ta tránh rét).
[6] Những việc vặt nhỏ nhoi. Bài "Thất nguyệt" nói về những thú bận rộn đa dạng: làm ruộng, xây kho, nạp thóc, săn bắt chồn lấy da may áo cho công tử, cắt cỏ tranh lợp nhà cho chủ.
[7] Trong bài "Thất nguyệt" là con trai của Bân hầu, được hưởng nhiều thứ: cô gái hái dâu bị đưa về làm người hầu, nông dân đi săn chồn để lấy da may áo, quần được nông dân nhuộm đỏ.
[8] Giá cùng loại với cây dâu, lá dày hơn, cũng dùng cho tằm ăn. Bài "Thất nguyệt" cũng tả việc hái dâu ngoài nhà:
Tàm nguyệt thiều tang,
Thủ bỉ phủ thương.
Dĩ phạt viễn dương,
Y bỉ nữ tang.
(Tháng trứng tằm nở, chặt dâu hái lá,
Lấy búa cái thương chặt những cành vươn xa.
Cây dâu còn non,
Hái lá chừa cành lại.)

[9] Lấy ý từ hai câu trong bài "Thất nguyệt": "Thất nguyệt thực qua, Bát nguyệt đoạn hồ" (Tháng bảy ăn dưa, Tháng tám cắt quả bầu).
[10] Từ câu "Cửu nguyệt thụ y" trong bài "Thất nguyệt".
[11] Tên một bài thơ trong "Bân phong", được cho là lời của binh sĩ đi theo Chu Công Đán dẹp loạn Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ (hai anh em ruột của vua Thành Vương và là cháu gọi Chu Công là chú ruột) đã câu kết với Vũ Canh con vua Trụ vừa bị nhà Chu đánh bại. Cuộc chinh chiến kéo dài 3 năm. Bài thơ này mở đầu bằng hai câu: "Ký phá ngã phủ, Hựu khuyết ngã thương" (Đã phá cái búa của ta, Lại làm mẻ cái thương của ta). Phủ và thương là hai dụng cụ lao động dùng để chặt, phá huỷ và làm mẻ ý nói làm quấy rối cuộc sống yên bình, chỉ một cuộc chinh chiến.
[12] Kinh Thi bao gồm ba thể: phong, nhã và tụng. Phong là sáng tác của dân cũng, nhã và tụng là sáng tác của tầng lớp quý tộc, trong đó nhã là những bài hát về lễ tiết dùng trong các buổi yến tiệc, tụng ca ngợi công đức các vua chúa và dùng trong các buổi tế lễ ở miếu đường.
Các nhà nghiên cứu Kinh Thi như Trịnh Huyền đời Đông Hán và Vương An Thạch đời Tống cho rằng "Thất nguyệt" có đủ đặc điểm của cả ba thể: phong vì nói tới sinh hoạt tâm tình của dân chúng lao động, nhã vì có những đoạn chú trọng lễ tiết, tụng vì ca ngợi thành tích vua đã làm kèm lời chúc tụng ở cuối bài ("Xưng bỉ tự quang, Vạn thọ vô cương").
[13] Ý nói cảnh tượng thái bình đó chỉ thấy trong tranh, không có ngoài đời thực.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cao Bá Quát » Bân phong đồ