Bài này
Thơ văn Nguyễn Khuyến (NXB Văn học, 1971) có đề là
Vũng lội đường ngang. Bản chữ Hán phát hiện sau thấy ghi đầu đề là
Vũ phu đôi. “Vũ phu” có hai nghĩa là dũng sĩ, và cũng là một thứ đá như ngọc, màu hồng hồng, vân trắng (thuộc loài đá cuội). Tác giả đã dựa vào câu thành ngữ “Nói dối như Cuội” và lấy nghĩa thứ hai của chữ “vũ phu” mà đặt là “Vũ phu đôi” có thể dịch là “đống cuội”. Ngày trước trên đường đi thường có người chết đường, hoặc do một lý do mê tín nào đó, người qua đường thường bỏ đất vào thành đống rồi thắp hương lên trên hoặc còn lập miếu thơ nhỏ, gọi chung là mả Cuội, đống ông Cuội, miếu ông Cuội... Do đó, ở đây lấy đầu đề như trên cho sát hơn.
Trong bản chữ Hán còn có chú thích: “Phó tổng làng bên (tức làng Phú Đa) nói nhiều điều không thực nên có thơ này”. Như thế, rõ ràng tác giả chỉ nhân có đống ông Cuội gần chỗ lội mà hư cấu nên chuyện để mà chế giễu.
Nguồn: Trần Văn Nhĩ,
Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, NXB Văn Nghệ, 2005
Bản dịch ở trên chép theo sách
Nguyễn Khuyến - tác phẩm. Sách
Khảo luận về Nguyễn Khuyến in bài thơ với tiêu đề
Chỗ lội làng Ngang và nội dung như sau:
Đầu làng Ngang có một chỗ lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi.
Đàn bà qua đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười:
- Cái gì trăng trắng như câu cúi?
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
- Con trót hớ hênh ông xá tội.
- Thôi, thôi con có tội chi mà,
Lại đây ông cho giống ông Cuội.
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.
Nguồn:
1. Nguyễn Văn Huyền,
Nguyễn Khuyến - tác phẩm, NXB TP Hồ Chí Minh, 2002
2. Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Chu,
Khảo luận về Nguyễn Khuyến, NXB Nam Sơn, 1960