18/04/2024 14:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoạ hậu bổ Lê Phổ chi Nga Sơn doãn lưu giản thi
和候補黎普之峨山尹留柬詩

Tác giả: Trần Đình Tân - 陳廷賓

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 20/02/2019 21:44

 

Nguyên tác

歲星休道幾番週,
參朮榮今國手收。
桃縣春開花滿地,
瓊筵觴引月當樓。
得山水樂多佳勝,
到帝王州暢宦遊。
自是風雲前路穩,
相期用作濟川舟。

Phiên âm

Tuế tinh hưu đạo kỷ phiên chu,
Sâm truật vinh kim quốc thủ thu.
Đào huyện[1] xuân khai hoa mãn địa,
Quỳnh diên thương dẫn nguyệt đương lâu.
Đắc sơn thuỷ lạc đa giai thắng,
Đáo Đế vương châu[2] sướng hoạn du.
Tự thị phong vân tiền lộ ổn,
Tương kỳ dụng tác tế xuyên chu.

Dịch nghĩa

Đã mấy phen sao Tuế đi giáp vòng tới chỗ nghỉ
Nay người tài đức trong nước có ích cho đời được nhà vua dùng một cách vẻ vang như các vị thuốc thượng phẩm là sâm truật được ông thầy nổi tiếng giỏi nhất nước thu lấy
Xuân về, huyện Đào có hoa đào nở đầy huyện
Tiệc ngọc bày trên lầu có bóng trăng soi tiệc rượu
Được vui với núi sông đa số đều đẹp đẽ và nổi tiếng
Đến cõi đất phát đế vương mà làm quan thì cũng thích
Tự cho rằng bước đường làm quan sắp trải qua sẽ được yên ổn
Thì mong anh sẽ giúp đỡ dân thuộc hạt như chiếc thuyền đưa người qua sông.

Bản dịch của Đặng Quý Địch

Mấy năm chờ bổ, nghỉ cùng ngơi
Tài đức ngày nay dụng giúp đời
Xuân tới huyện Đào hoa đất rợp
Lầu bày tiệc ngọc chén trăng soi
Vui sơn thuỷ thú, hân hoan lắm
Đến đế vương châu thoả thích rồi
Tự nhủ hoạn đồ yên ổn được
Thì xin tế độ kẻ chơi vơi
Nguyên chú: Hậu bổ Lê Phổ được bổ tri huyện huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, làm thơ để lại cho bạn bè trước khi lên đường nhậm chức.

Tập thơ không thấy chép bài xướng. Lê Phổ người thôn Xuân Thành, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị, sinh năm 1896, đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918) đời Khải Định.

[1] Huyện hoa đào. Theo Tấn thư, Phan Nhạc tên tự là An Nhân, làm huyện lệnh Hà Dương. Dân có kẻ mắc nợ nhà nước lâu ngày không trả nổi phải bỏ trốn thì ông gọi tới bảo trồng cho huyện mỗi người một gốc đào để trừ nợ. Kịp tới lúc mãn nhiệm ra đi thì khắp huyện nơi nào cũng có hoa cả. Nhân đó, người đời gọi Hà Dương là Đào huyện hay Hoa huyện.
[2] Châu có đế vương phát tích, đây trỏ tỉnh Thanh Hoá là nơi phát tích của nhà Lê và nhà Nguyễn. Hiện vẫn còn lăng Tuyên tổ Lê Khoáng (cha Thái tổ Lê Lợi) tại huyện Thuỵ Nguyên mà Đại Nam nhất thống chí cho: “Đất này là cỗi gốc phát phúc của nhà Lê”. Từ Thái tổ Lê Lợi trở đi, vua nào băng cũng được đưa về táng tại Thanh Hoá, rải rác tại các huyện Thuỵ Nguyên, Đông Sơn, Lôi Dương. Lăng Triệu tổ Nguyễn Kim (cha Thái tổ Nguyễn Hoàng, ông tổ cách 10 đời của Thế tổ Gia Long Nguyễn Phúc Ánh) tại núi Triệu Tường huyện Tống Sơn mà Nhất thống chí cho là huyệt phát đế vương nên “huyệt mở miệng rồng, lúc đặt quan tài xong thì cửa huyệt khép chặt lại, phút chốc mưa gió nổi lên, mọi người sợ hãi chạy tan, lúc hợp lại thì núi đá liên tiếp, cây cối um tùm, không nhận được mộ ở đâu”. Huyện Nga Sơn nằm cạnh huyện Tống Sơn và gần huyện Thuỵ Nguyên đều thuộc tỉnh Thanh Hoá nên ở đây gọi là đế vương châu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Đình Tân » Hoạ hậu bổ Lê Phổ chi Nga Sơn doãn lưu giản thi