26/04/2024 11:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh Hồ Tây

Tác giả: Nguyễn Công Trứ - 阮公著

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Tuấn Khỉ vào 24/08/2011 06:20

 

Mưỡu:
Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lỏng ngâm vân thuỷ[1] lơi chèo yên ba[2].

Nói:
Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền[3].
Bóng kỳ đài[4] giăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ[5] lum xum toà cổ sát[6].
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà[7] bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài[8].
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài[9],
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn.
Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận,
Oán nhập đông phong phương thảo đa.[10]
Đồ[11] thiên nhiên một áng yên ba[12],
Dễ khiển hứng câu thơ chén rượu.
Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu,
Chiền[13] đâu đây một tiếng chuông rơi.
Tây Hồ cảnh biết mấy mươi.
Hồ Tây ở phía tây bắc Hà Nội, chu vi hơn 12km. Ven hồ có đền Trấn Vũ, chùa Trấn Quốc, chùa An Quốc, điện Ngọc Hồ, đều là các thắng cảnh. Ở đây có nhiều di tích:
- Giữa thế kỷ thứ II, chị em Bà Trưng đánh nhau với tướng nhà Đông Hán là Mã Viện ở đây.
- Đến đời Lê, trạng nguyên Phùng Khoắc Khoan cùng hai bạn họ Ngô và họ Lý thả thuyền chơi trên Hồ Tây gặp công chúa Liễu Hạnh. Bốn người cùng làm thơ liên ngâm với nhau, nay còn truyền tụng.

Tây Hồ được các chúa Trịnh điểm xuyết thành ra nơi sơn kỳ thuỷ tú, phong cảnh hữu tình.
- Năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620) đời Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng bắt 3 làng Yên Phụ, Yên Quảng, Trúc Yên đắp một con đê cắt ngang hồ lấy một phần gọi là hồ Trúc Bạch. Trên hồ Trúc Bạch có xây điện Trúc Tâm, chúa thường đưa bọn nữ nhạc ra chơi.
- Đời Huyền Tông (1663-1671), chúa Trịnh Tạc lập hành cung bên bờ Hồ Tây gần chùa Trấn Quốc để cùng thị thần cung nữ vui chơi.
- Đời Hiển Tông (1740-1786), chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm xây bãi tắm ở phía làng Nghi Tàm, mùa hè ra tắm. Về phía làng Yên Thái có đắp một trái núi cao ước 600 thước, rộng hơn 2 mẫu, cho trồng từ đỉnh núi đến chân núi hàng nghìn cây bàng, cánh lá chi chít, mùa hè mà không lúc nào trông thấy mặt trời. Chúa Trịnh Sâm thường cùng Đặng Thị Huệ ra đó nghỉ mát. Giữa Tây Hồ có một ngọn núi đá nhỏ nổi ở trên bãi, chúa Trịnh Sâm cho xây chung quanh bãi nhiều cung điện nguy nga, rồi dựng điếu đài để câu cá.

[1] Mây nước.
[2] Khói sóng.
[3] Rừng và khe, chỉ chỗ ẩn dật.
[4] Đài dựng cột cờ.
[5] Cỏ cây.
[6] Chùa cổ, đây chỉ chùa Trấn Quốc.
[7] Cô vụ: con cò lẻ loi; lạc hà: ráng chiều; lấy ý tứ bài Đằng Vương các tự của Vương Bột đời Đường: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” 落霞與孤騖齊飛,秋水共長天一色 (Ráng chiều với con cò lẻ cùng bay, Nước mùa thu với trời thẳm cùng một màu).
[8] Vũ quán: quán múa hát; điếu đài: đài câu cá (của chúa Trịnh xây trên Hồ Tây).
[9] Rêu xanh.
[10] Chữ Hán: 煙銷南國美人盡,怨入東風芳草多. Nghĩa: Hương tàn người đẹp phương Nam hết, Buồn thấy gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều. Đây là hai câu trong bài thơ Kinh Dượng Đế hành cung của Lưu Thương đời Đường.
[11] Hoạ đồ, tranh vẽ.
[13] Chùa chiền thờ Phật.
[12] Đám khói sóng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Công Trứ » Vịnh Hồ Tây