19/04/2024 10:51Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lưu giản thi
留柬詩

Tác giả: Phan Xuân Hiền - 潘春賢

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/02/2019 11:10

 

Nguyên tác

宦途跋涉廿年來,
報答皇恩未滴埃。
南北東西從所命,
催科撫字愧無才。
寸心曷寄三春草,
方面虛持兩度梅。
槃郡親朋分袂後,
黃昏喜得補南陔。

Phiên âm

Hoạn đồ bạt thiệp trấp niên lai,
Báo đáp hoàng ân vị trích ai.
Nam bắc đông tây tùng sở mệnh,
Thôi khoa phủ tự quý vô tài.
Thốn tâm hạt ký tam xuân thảo[1],
Phương diện hư trì lưỡng độ mai.
Bàn quận[2] thân bằng phân mệ hậu,
Hoàng hôn hỉ đắc bổ nam cai[3].

Dịch nghĩa

Lặn lội trên đường làm quan đã vài mươi năm nay
Báo đáp ơn vua thì công nhỏ nhít như giọt nước cũng chưa lập được
Ra bắc vào nam xuống đông lên tây đều phải tuân theo mệnh vua sai khiến.
Thẹn mình không tài đôn đốc mọi người làm việc và an ủi vỗ về dân chúng an cư lạc nghiệp.
Sao chẳng nhớ nỗi lòng tấc cỏ muốn trả ơn ánh nắng tháng ba mùa xuân?
Tài chẳng xứng mà giữ chức vụ đứng đầu một địa phương tới hai mùa mai nở
Chia tay bạn thân ở quận Bàn,
Bù lại, được gần thềm nam mà sớm chiều thăm viếng mẹ.

Bản dịch của Đặng Quý Địch

Trường quan lặn lội bấy lâu nay
Ơn chúa chưa từng đáp mảy may
Tài kém thẹn vì nan phủ đốc
Mệnh vâng nên trải khắp đông tây
Ôm hoài bão nhớ ba xuân cỏ
Trót lạm vu[4] qua mấy độ mai
Xa bạn thành Bàn tuy nuối tiếc
Sớm hôm gần mẹ đáng mừng thay!
Phan Xuân Hiền đang làm tri huyện huyện Phù Cát thì được gọi về triều thăng chủ sự bộ Lễ, viết bài thơ này từ biệt.

Bài thơ này được Hà Trì Trần Đình Tân 陳廷賓 (1893-1979) hoạ lại.


[1] Thơ Mạnh Giao đời Đường: “Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy” (Ai rằng lòng tấc cỏ, Trả được nắng tháng ba?).
[2] Thành Đồ Bàn là kinh đô của nước Chămpa từ năm 1000 dưới đời vua Indra Vacman II đến năm 1470 dưới đời vua Trà Toàn. Thành này hiện còn di tích tại hai thôn Nam An và Bắc Thuận thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong văn chương xưa thường gọi là Bàn thành hoặc Bàn quận để chỉ cho tỉnh Bình Định.
[3] Nam cai là bậc thềm phía nam. Bà mẹ ở chái bắc nhà nên con muốn đến thăm mẹ phải leo lên bậc thềm phía nam nhà. Do đó từ “nam cai” cũng dùng trỏ nơi mẹ ở.
[4] Theo Hàn Phi tử: Nam Quách Sử Sĩ không biết thổi cái vu mà cũng dự vào đám 300 nhạc công của Tề Tuyên Vương. Vua này muốn nghe 300 người cùng thổi một lượt nên Sử Sĩ đã qua mặt được vua Tề. Đến đời Mân Vương thì ông vua này chỉ thích nghe từng người một thổi, Sử Sĩ sợ lộ bèn bỏ trốn. Để chỉ trích kẻ bất tài mà có chức vụ, văn học cổ có điển gọi là lạm vu (lạm dự thổi vu).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Xuân Hiền » Lưu giản thi