20/04/2024 11:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bát ai thi kỳ 2 - Cố tư đồ Lý công Quang Bật
八哀詩其二-故司徒李公光弼

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/02/2015 18:51

 

Nguyên tác

司徒天寶末,
北收晉陽甲。
胡騎攻吾城,
愁寂意不愜。
人安若泰山,
薊北斷右脅。
朔方氣乃蘇,
黎首見帝業。
二宮泣西郊,
九廟起頹壓。
未散河陽卒,
思明偽臣妾。
復自碣石來,
火焚乾坤獵。
高視笑祿山,
公又大獻捷。
異王冊崇勳,
小敵信所怯。
擁兵鎮河汴,
千里初妥帖。
青蠅紛營營,
風雨秋一葉。
內省未入朝,
死淚終映睫。
大屋去高棟,
長城掃遺堞。
平生白羽扇,
零落蛟龍匣。
雅望與英姿,
惻愴槐裏接。
三軍晦光彩,
烈士痛稠疊。
直筆在史臣,
將來洗箱篋。
吾思哭孤塚,
南紀阻歸楫。
扶顛永蕭條,
未濟失利涉。
疲苶竟何人,
灑涕巴東峽。

Phiên âm

Tư đồ Thiên Bảo mạt[1],
Bắc thu Tấn Dương giáp[2].
Hồ kỵ[3] công ngô thành,
Sầu tịch ý bất khiếp.
Nhân an nhược Thái Sơn,
Kế Bắc[4] đoạn hữu hiếp.
Sóc phương khí nãi tô,
Lê thủ[5] kiến đế nghiệp.
Nhị cung khấp tây giao[6],
Cửu miếu[7] khởi đồi áp.
Vị tán Hà Dương[8] tốt,
Tư Minh[9] nguỵ thần thiếp.
Phục tự Kiệt Thạch[10] lai,
Hoả phần càn khôn liệp.
Cao thị tiếu Lộc Sơn,
Công hựu đại hiến tiệp.
Dị vương[11] sách sùng huân,
Tiểu địch tín sở khiếp.
Ủng binh trấn Hà Biện,
Thiên lý sơ thoả thiếp[12].
Thanh dăng[13] phân doanh doanh,
Phong vũ thu nhất diệp.
Nội tỉnh vị nhập triều,
Tử lệ chung ánh tiệp.
Đại ốc khứ cao đống,
Trường thành tảo di điệp.
Bình sinh bạch vũ phiến,
Linh lạc giao long hạp[14].
Nhã vọng dữ anh tư,
Trắc sảng hoè lý tiếp.
Tam quân hối quang thải,
Liệt sĩ thống trù điệp.
Trực bút tại sử thần,
Tương lai tẩy tương khiếp[15].
Ngô tư khốc cô trủng,
Nam kỷ trở quy tiếp.
Phù điên vĩnh tiêu điều,
Vị tế thất lợi thiệp.
Bì niết cánh hà nhân,
Sái thế Ba Đông giáp.

Dịch nghĩa

Quan tư đồ vào năm cuối của niên hiệu Thiên Bảo,
Đã huy động quân đội vùng mình trấn nhiệm lên chiếm lại miền bắc.
Ngựa Hồ công phá thành trì của ta,
Buồn lặng thinh nhưng ý không thanh thản.
Người cứ vững như núi Thái,
Vùng Kế Bắc bị cắt ngay hông phải.
Không khí vùng bắc bỗng xôi xục lên,
Đầu đen thấy được cơ nghiệp nhà vua.
Hai vua đến khóc ở phía tây,
Chín miếu thờ sao mà đổ nát nhiều như thế.
Quân giặc đóng ở Hà Dương chưa tan rã,
Tư Minh vờ xin hàng.
Lại từ vùng Kiệt Thạch tới,
Lửa bốc tràn lan khắp trời đất.
Ngạo nghễ cười vào mặt An Lộc Sơn,
Ông lại báo tin thắng trận lớn.
Do công lao, được phong vương tuy không trong hoàng tộc,
Bọn giặc nhỏ nghe tin cũng đủ khiếp sợ.
Mang quân trấn đóng tại sông Biện,
Cả một dải dài vạm dặm mới được yên.
Lũ ruồi xanh cứ vo ve,
Trong cảnh thu mưa gió ông là một cái lá độc nhất.
Cứ suy nghĩ về việc chưa trở về kinh,
Nước mắt khi chết đã đọng nơi khoé mắt.
Căn nhà lớn mà tháo bỏ cột cao,
Thành dài lại dọn sạch các chốt canh.
Khi còn sống nắm quyền chỉ huy bằng cách vẫy quạt lông trắng,
Thế mà khi chết lại lênh đênh một cái hòm có khắc rồng giải là cỗ quan tài.
Nghĩ đến với lòng kính phục tư cách của vị anh hùng,
Trong giới các quan to có lòng thương xót.
Hào quang trong đám ba quân nay mờ nhạt,
Kẻ chết vì nước ôm mối đau buồn chất ngất.
Quan viết sử ắt có ngòi bút trung thực,
Hãy đem cái tráp đựng thư phỉ báng đó mà rửa sạch đi cho.
Trong ý tôi khóc cho nấm mồ cô quạnh,
Đang đi nơi vùng nam để đi về nhà mà thuyền bè bị cản trở.
Cứ luấn quấn mãi nên buồn rầu,
Chưa qua mà đã mất thuyền bè.
Ngơ ngác mệt mỏi là ai vậy,
Nước mắt tuôn nơi kẽm Ba Đông.

Bản dịch của Phạm Doanh

Quan tư đồ cuối đời Thiên Bảo,
Quân Tấn Dương trừ bạo bắc phương.
Thành ta ngựa Hồ phá tung,
Rầu rĩ ngoài mặt, trong lòng xốn xang.
Lòng người vững sánh ngang núi Thái,
Kế Bắc, bên hông phải cách ngăn.
Không khí phương bắc vùng lên,
Cơ nghiệp vua chúa dân đen thấy rồi.
Hai vua tới phía tây khóc nức,
Miếu thờ sao quá mức nát tan.
Hà Dương chưa hết loạn quân,
Tư Minh giả bộ gian ngoan xin hàng.
Từ Kiệt Thạch tai ương lại tới,
Khắp càn khôn lửa cháy ngất trời.
Lộc Sơn để lại tiếng cười,
Báo công ông lại có thời hiến dâng.
Nhờ công lao, phong vương họ khác,
Nghe tin, bọn rợ nhóc thất kinh.
Nơi Hà Biện đóng tinh binh,
Một vùng ngàn dặm, tình hình yên vui.
Vo ve cả đàn ruồi xanh nọ,
Một lá trong mưa gió mùa thu.
Nhà vua chưa trở lại triều,
Mà nước mắt chết có điều lao xao.
Mái nhà lớn, cột cao lại bỏ,
Bức thành dài mà phá chòi canh.
Khi sống quạt trắng tung hoành,
Đến khi nằm xuống lênh đênh quan tài.
Vẻ hào hiệp khiến người suy ngẫm,
Bao đau buồn trong đám quan to.
Toàn quân uy tín nay mờ,
Nỗi đau liệt sĩ lù lù đống cao.
Quan viết sử bằng vào ngọn bút,
Hãy đem mà rửa gột tráp hòm.
Tôi nay khóc nấm mộ tàn,
Đường về rẽ lối xuống nam kẹt thuyền.
Cứ luẩn quẩn dạ buồn mãi mãi,
Chưa qua, vượt không lợi, rõ ràng.
Ấy ai là kẻ long đong,
Kẽm Ba Đông, nước mắt ròng ròng sa.
(Năm 766)

Quang Bật được phong vương, tặng thái bảo, danh gọi tư đồ. Lấy công danh của ông làm vẻ vang thời tư đồ. Trong bài Tẩy binh mã 洗兵馬 cũng có nói: “Tư đồ thanh giám huyền minh kính” 司徒清鑒懸明鏡 (Quan tư đồ, gương sáng ngời).

Lý Quang Bật 李光弼 (708-764) người Liễu Thành, Doanh Châu (nay là Triêu Dương, Liêu Ninh). Cha là Lý Giai Lạc 李楷洛, nguyên là tù trưởng bộ lạc Khiết Đan, thời Võ Tắc Thiên giữ chức nội phủ, sau khi chết, con là Lý Quang Bật hưởng tập tước. Vào thời Túc Tông, Quang Bật là một trong những vị tướng nổi danh. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), Quách Tử Nghi 郭子儀 dâng biểu đề cử Lý Quang Bật giữ chức Hà Đông tiết độ sứ, mang quân ra đóng ở Tỉnh Hình, Hà Bắc, ngăn chặn Sử Tư Minh 史思明 ở Thường Sơn (Chính Định, Hà Bắc) trong thời gian 40 ngày. Vào tháng tư Quách Tử Nghi mới tới Thường Sơn, cùng phá tan quân Sử Tư Minh. Càn Nguyên năm đầu (758), Lý Quang Bật thay Quách Tử Nghi giữ chức Sóc phương tiết độ sứ. Thượng Nguyên năm đầu (760), ông được phong thái uý trung thư lệnh. Năm Thượng Nguyên thứ 2 (761), Ngư Triều Ân 魚朝恩 xin nhà vua hạ chiếu sai Lý Quang Bật đi dẹp loạn ở Lạc Dương, ông bị ép phải tiến quân, đánh trận Bắc Mang (phía bắc Lạc Dương, Hà Nam). Khi đó thế lực quân phản loạn còn mạnh. Hơn nữa đại tướng Bộc Cố Hoài Ân 仆固懷恩 vi phạm lệnh của tiết độ, vì thế quân nhà Đường bại trận, phải rút về giữ Văn Hỉ, Sơn Tây. Sau đó ông được tín nhiệm lại, cử giữ chức Hà Nam chư đạo phó nguyên suý, mang quân ra đóng tại Lâm Hoài, tổng chỉ huy các đạo quân thuộc Hà Nam để dẹp loạn, lại cùng với Bộc Cố Hoài Ân chiếm lại Lạc Dương. Hoạn quan Trình Nguyên Chấn 程元振, Ngư Triều Ân bất hoà với Lý Quang Bật, nên ông thường bị sàm tấu. Ông bị bệnh chết tại Từ Châu, tên thuỵ là Vũ Mục 武穆.

[1] Năm 755.
[2] Binh lính vùng Tấn Dương. Có hai cách giải thích:
1. Cụ thể là Lý Quang Bật lúc đó đang trấn giữ vùng Thái Nguyên, Sơn Tây, nên mang quân Tấn Dương lên mạn bắc cứu nạn. Thái Nguyên, Sơn Tây sau đổi là Tấn Dương, nơi Đường Cao Tổ dấy nghiệp.
2. Mượn từ Xuân Thu, Công Dương truyện: Triệu Ưởng nước Tấn mang lính Tấn Dương về đánh đuổi bọn Tuân Dần và Sĩ Cát Xạ, là bọn ác cạnh vua. Người đời sau dùng chỉ vị cầm đầu địa phương bất mãn với triều đình mang quân đội về đảo chính.
[3] Chỉ kỵ binh của An Lộc Sơn, do có gốc người Hồ.
[4] Tên một châu cũ lập ra vào đời Đường năm Khai Nguyên thứ 18 (729), trị sở là Ngư Dương, nay là huyện Kế, Thiên Tân.
[5] Dân đen. Chữ mượn trong Thiên tự văn 千字文 của Chu Hưng Tự 周興嗣 nước Lương thời Nam triều: “ái dục lê thủ” 愛育黎首 (ưa dưỡng dân đen).
[6] Ngoại ô phía tây của kinh đô, xưa thường dùng làm nơi tế trời nhân dịp thu về. Theo Lễ ký 禮記, thiên Nguyệt lệnh 月令, ngày lập thu, vua đích thân chỉ huy các vị tam công, cửu khanh, chư hầu, đại phu tới đón thu tại ngoại ô phía tây kinh đô.
[7] Chín miếu thờ tổ tông vua. Thời xưa vua chúa lập miếu thờ tổ tiên, đặt chính giữa là bài vị ông tổ sáng lập, bên trái là tam chiêu (thế hệ thứ 2, 4, 6), bên phải là tam mục (thế hệ thứ 3, 5, 7), cộng chung là bảy. Vương Mãng 王莽 tăng tổ miếu lên năm, thân miếu bốn thành chín miếu.
[8] Nay thuộc huyện Mạnh, tỉnh Hà Nam.
[9] Sử Tư Minh 史思明 (703-761), người Đột Quyết, tên trong bộ tộc là Tốt Cán 窣幹, cùng quê với An Lộc Sơn, là tham mưu chính về quân sự cho An Lộc Sơn. Năm Thiên Bảo thứ 11 (752), An Lộc Sơn được cử làm Bình Lư tiết độ đô tri binh mã sứ, cùng với Điền Thừa Tự 田承嗣 ngang hàng đại tướng. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn nổi loạn. An Lộc Sơn trao ba ngàn quân cho Sử Tư Minh ra chiếm vùng Hà Bắc, vây Thường Sơn, bắt được thái thú Nhan Cảo Khanh 顏杲卿. Quân của Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi quân tới Hà Bắc bị Tư Minh đánh bại. Năm Chí Đức thứ 2 (757), Sử Tư Minh tiến công, vây Lý Quang Bật ở Thái Nguyên, Sơn Tây. An Lộc Sơn qua đời, Sử Tư Minh theo lệnh An Khánh Thự 安慶緒, con của An Lộc Sơn, trở lại trấn giữ Phạm Dương, được phong là quận vương. An Khánh Thự mưu trừ Sử Tư Minh, Tư Minh bèn đem mười ba quận và tám vạn binh lính dưới quyền mình về hàng nhà Đường, được nửa năm lại làm phản. Tháng ba năm Càn Nguyên thứ 2 (759), Sử Tư Minh đem quân đánh tan quân nhà Đường do chín tiết độ sứ phối hợp, sau đó giết An Khánh Thự, tháng tư cùng năm tự xưng là Đại Yên hoàng đế 大燕皇帝, rồi Đại Thánh Chu hoàng đế 大聖周皇帝, rồi Ứng Thiên hoàng đế 應天皇帝, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, cử Chu Chí 周贄 làm tướng, đồng thời lấy Phạm Dương làm Yên Kinh, Lạc Dương làm Chu Kinh, Trường An làm Tần Kinh. Tháng ba năm Thượng Nguyên thứ 2 (761), bị con cả là Sử Triêu Nghi 史朝義 giết chết.
[10] Tên núi tại bắc huyện Xương Lê tỉnh Hà Bắc.
[11] Do chữ “dị tính phong vương” 異姓封王, không phải trong dòng họ nhà vua mà được phong tước vương.
[12] Năm Thượng Nguyên thứ 2 (761) cử Lý Quang Bật làm phó nguyên suý nắm giữ năm đạo hành dinh tiết độ tỉnh Hà Nam, ra trấn đóng vùng Lâm Hoài (thuộc Hu Di, tỉnh An Huy) và năm sau ông được phong lả Lâm Hoài quận vương.
[13] Chỉ người nịnh hót đổi bừa giữa thiện và ác. Chữ từ bài Thanh dăng trong Kinh thi.
[14] Hay “giao long ngọc hạp” 蛟龍玉匣, quan tài dùng chôn các bậc đế vương hay các quan to có khắc hình giao long.
[15] Ý mượn trong Chiến Quốc sách 戰國策, Nguỵ Văn Hầu lệnh tướng Nhạc Dương 樂羊 mang quân đi đánh nước Trung Sơn, trong ba năm mới phá được. Nhạc Dương quay về kể công. Văn Hầu đưa ra cho ông ta coi tráp đựng những thư phỉ báng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Bát ai thi kỳ 2 - Cố tư đồ Lý công Quang Bật