20/04/2024 12:16Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trùng đề Truyền Đăng sơn
重題傳燈山

Tác giả: Nguyễn Cẩn (II)

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 26/10/2021 23:39

 

Nguyên tác

聖宗皇帝題詩石,
東溟之山高百尺。
天風海島日夜激,
五百年與字猶赤。
和稱御筆咽何人?
鄭王望意同不泯。
我來拔劍怒且嗔,
吁嗟後黎之君臣!

Phiên âm

Thánh Tông hoàng đế đề thi thạch,
Đông minh chi sơn cao bách xích.
Thiên phong, hải đảo nhật dạ kích,
Ngũ bách niên dư, tự do xích.
Hoạ xưng ngự bút ế hà nhân?
Trịnh vương vọng ý đồng bất dân.
Ngã lai bạt kiếm, nộ thả sân,
Hu ta Hậu Lê chi quân thần!

Dịch nghĩa

Hoàng đế Thánh Tông đề thơ lên đá,
Núi ở bể Đông cao hàng trăm thước.
Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ vào,
Thế mà hơn năm trăm năm rồi, chữ còn chưa mất.
Hoạ lại, dám xưng là ngự bút; hừ, ai đấy nhỉ?
Ý xấu của Trịnh Vương là muốn cùng trường tồn.
Ta đến, rút kiếm phẫn nộ và căm tức,
Than thay cho vua tôi nhà hậu Lê!

Bản dịch của Minh Sơn Lê

Đề thơ lên đá vua Thánh Tông,
Cao hàng trăm thước núi biển Đông.
Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ,
Năm trăm năm rồi, chữ còn trông.
Dám xưng ngự bút; hừ, ai hoạ?
Trịnh Vương gửi gấm ý cuồng ngông.
Ta đến, rút gươm hờn lẫn tức,
Tiếc cho vua bộc hậu Lê dòng!
Bài thơ này được làm và khắc trên vách đá núi Bài Thơ ngày mùng 3 tháng Chạp năm 1910, trong thời gian tác giả làm Tuần phủ Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Nội dung bày tỏ sự phẫn nộ với chúa An Đô vương Trịnh Cương khi vị chúa này cho khắc bài thơ hoạ bài thơ của vua Lê Thánh Tông của mình trên vách núi nhưng ở vị trí cao hơn bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Hiện nay, bài thơ này đã bị vùi sâu dưới đất do khu vực có bài thơ này được đổ đất tôn cao nền.

Núi Bài Thơ vốn có tên chữ Hán là Truyền Đăng, tên Nôm là Rọi Đèn. Sau khi vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi này năm 1468, núi được gọi là Đề Thơ hay Bài Thơ.

Một số tài liệu trước đây có nói Nguyễn Cẩn có hai bài, được gọi là Đề Truyền Đăng sơn, và Trùng đề Truyền Đăng sơn, nhưng nay chỉ còn lại bài thứ hai này, chưa tìm được bài trước.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Cẩn (II) » Trùng đề Truyền Đăng sơn