20/04/2024 07:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kim Gia Định phong cảnh vịnh

Tác giả: Hai Đức

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 20/12/2013 11:26

 

Công dư[1] đương lúc thảnh thơi,
Nhìn trông phong cảnh đặt lời nôm na.
Dở dang việc trước kể ra,
Thấy tay những khách phương xa nghe cùng.
Đổi dời là máy hoá công[2],
Mở đường tang hải[3] kết vòng phiền hoa[4].
Vận trời năm thứ mười ba[5],
Việt Nam cùng Phú Lãng Sa giao hoà[6].
Riêng chia sáu tỉnh sơn hà:
Định Tường, Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long.
An Giang tỉnh sắp vô trong,
Đến Hà Tiên tỉnh giáp vòng Cao Miên.
Bãi binh hai chữ chiếu vàng,
Sông êm Bến Nghé[7] khói tan đầm Rồng[8].
Hết ai xưng bá xưng hùng,
Tháp Mười[9] đồn phá, Gò Công[10] luỹ bằng.
Lệnh trời một tiếng đã rằng,
Hoàng triều đóng ấn, đình thần ký tên.
Người giao người lãnh thuận tình,
Mấy điều nghị ước đôi bên như lời.
Quan quân rày đặng thảnh thơi,
Lấp đàng hờn giận, kết người anh em.
Muôn dân nệm ấm gối êm,
Khỏi điều lưu lạc lại thêm sum vầy.
Xưa Nam nay đã về Tây,
Lang Sa[11] ngươn soái[12] một tay quờn hoành[13].
Gồm coi thuỷ lục chư dinh,
Một mình khiển tướng một mình đề binh.
Ngồi trên cầm mực công bình,
Sửa sang địa thế tập tành dân phong.
Bình Dương[14] với huyện Tân Long[15],
Đặt làm thành phố chỗ trong chỗ ngoài.
Sài Gòn Chợ Lớn chia hai,
Tên thì có khác, đất thì cũng liên.
Dưới sông tàu lửa đậu liền,
Từ đồn Giao Khẩu[16] sấp lên Bà Nghè[17].
Thông lưu các nước bộn bề,
Có tàu Đông Việt có ghe Bắc Kỳ.
Bán buôn vật nọ hàng kia,
Lao xao thương khách xiết gì là đông.
Chiếc qua chiếc lại đầy sông,
Mù mù khói toả, đùng đùng máy kêu.
Những tàu đồng dát sắt neo,
Càng nhìn tận mặt càng xiêu cả hồn.
Sợ chi nghịch thuỷ nghịch phong.
Dầu lòng chạy ngược dầu lòng chạy xuôi.
Dưới sông sự tích thảy rồi,
Thôi thì trót thể thử coi trên bờ,
Gia Tân[18] nền trạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên.
Tứ bề dây thép[19]giăng lên,
Lưu thông các thứ báo tin truyền lời.
Đàng xa ba bốn ngày trời,
Máy dây đi một khắc thời tới nơi,
Chuyện trò mấy tiếng mấy lời,
Hẵn hòi nào có vi sơ chút nào.
Cánh chim bay hãy còn lâu,
Máy nầy sức mạnh quá mau dư mười.
Nhiều nơi cơ xảo khác đời,
Gẫm điều nên lạ, gẫm điều nên hay.
Những là máy để cưa cây,
Máy xay lúa gạo, máy may áo quần.
Máy đàng, máy tuyết lạ chừng,
Dễ coi trước mặt, khó phân ra lời.
Từ đây biết sức biết tài,
Nhiều tay khôn khéo nhiều người giàu sang.
Của kho xuất phát bạc vàng,
Lập ra trại lính dinh quan thiếu gì.
Có toà Nguơn soái lạ kỳ,
Đá xây làm cột sắt vây làm rào.
Năm từng lầu rộng lại cao,
Cờ treo trước cửa quân hầu ngoài sân.
Rỡ ràng có chất có văn,
Biết chừng nào tốt, biết chừng nào khen.
Giá dư trăm vạn trăm ngàn,
Công phu mà sợ bạc tiền mà kinh.
Tam toà lập sở công hình,
Để phân tội trọng tội khinh cho người.
Thượng toà phúc án các nơi,
Những người kêu ức, những người kêu oan.
Có người mi phạm cấm giam,
Ngục môn là chữ, khám đường là tên.
Có nhà nuôi kẻ tật nguyền,
Thuốc thang cho uống, cơm tiền cho ăn.
Có nhà dạy học thơ văn,
Chiếu giường sẵn cắp, áo quần sẵn ban.
Có người phòng ngự loài gian,
Ngày đêm đi khắp các làng tuần canh.
Áo đen tay có viền xanh,
Tiếng kêu Police, Giám Thành là tên.
Có trường bắn súng diễu binh[20],
Tập luyện nhiều cách, công trình nhiều năm.
Có vườn nuôi thú nuôi cầm,
Mấy ngàn thảo mộc, mấy trăm phi trùng[21].
Có trường đấu xảo lạ lùng,
Chư ban đủ món, bá công đủ nghề.
Những đồ các nước thiếu chi,
Vật khen trọng thưởng, vật chê phát hồi.
Dập dìu kẻ tới người lui,
Bên coi thứ nọ, bên coi thứ nầy.
Biết bao nhiêu khéo nhiêu hay!
Cuộc vui kể trót tháng chầy mới thôi.
Trường đua xe ngựa cũng vui,
Hơn thì có thưởng, thua lui ra về.
Xa gần đất chợ làng quê,
Cùng nhau đem ngựa đem xe đến tràng.
Cười cười nói nói vang đàng,
Kể sao cho xiết muôn ngàn người đông.
Chẳng phiền hao của tốn công,
Mở đàng ngang đọc đào sông vắn dài.
Đàng thì đã rộng lại ngay,
Trên đầu che mát có cây hai hàng.
Mỗi sông có bắt cầu ngang,
Đá xây bốn phía sắt ràng hai bên,
Mỗi đàng tối có thắp đèn,
Dưới sông trên bộ sáng liền nối nhau.
Năm canh rực rỡ một màu,
Như trăng chói đất, như sao loà trời.
Biết bao nhiêu thú chơi bời,
Những nơi hí viện, những nơi tửu lầu.
Phong lưu lắm thú phong lưu,
Ngồi coi cỡi ngựa mặc dầu ý ai.
Thiếu chi gái sắc trai tài,
Áo quần rực rỡ hớn hài xuê xoang.
Phố phường toà dọc dãi ngang,
Có hàng đồ Bắc, có hàng đồ Nam.
Bán buôn tiền vạn bạc ngàn,
Nhộn nhàng khiêng gánh lăng xăng ra vào.
Đêm thì tiệc khách lao xao,
Đứa rao ngưu nại[22], đứa ra hạnh trà[23].
Đứa thì cháo vịt cháo gà,
Cùng là công bính[24], cùng là hoa sanh[25].
Những là đậu chúc[26] liên canh[27],
Sa lê[28] quả tử ngồi quanh các đàng.
Đèn chong ghế sắp hai hàng,
Dễ mê con mắt, dễ hoang tâm tình.
Dầu không ví cảnh Bồng dinh[29],
Cũng là thứ nhứt các thành cõi Nam.
Chẳng tiên song cũng khác phàm,
Ai gây mà đặng ai làm mà ra?
Non sông lục tỉnh nước ta,
Xưa là thế ấy, nay ra thế nầy.
Tu bồi đã lắm công dày,
Trên là Nguơn soái, dưới thì các quan.
Cũng vì khéo tính khéo toan,
Hai mươi năm đã rõ ràng cuộc vui.
Gần đây trước mắt thấy rồi,
Gởi lời hỏi với những người phương xa.
Hẵn hòi sự thật kể ra,
Dám đâu thêu dệt, dám là khoe khoang.
Lời quê tiếng tục ngang tàng,
Giải khuây có chút can tràng ngâm nga.
Kim Gia Định phong cảnh vịnh còn có tên là Gia Định phong cảnh quốc âm ca vịnh, là một tác phẩm bằng thơ do Hai Đức ở Chợ Lớn làm ra, gồm 152 câu thơ lục bát, viết bằng chữ Nôm, không rõ năm sáng tác, chỉ phỏng đoán là có sau Hoà ước Nhâm Tuất (1862) trong lịch sử Việt Nam.

Bài vịnh này đã được học giả Trương Vĩnh Ký (viết tắt là Pétrus Ký) phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, rồi cho in trong quyển Saigon d’aujourd’hui (Nét đẹp Sài Gòn) do nhà hàng C.Guilland et Martion, Saigon, ấn hành năm 1882. Sau đây là lời giới thiệu của ông về tác giả và tác phẩm: “Điệu vịnh nầy là của Hai Đức ở Chợ Lớn, hiệu là Tập Phước (mới mất năm nay[30]) làm về địa cảnh đất Chợ Lớn, Bến Nghé đời bây giờ, kể từ Phú Lãng Sa lại cho tới nay, lập ra thế nào, khen khéo để sửa sang cho ra cảnh tốt, cho nên thú vui. Văn đặt thật tình, lời nói dễ hiểu; cũng nên in ra để đời cho người ta coi, cùng để lại người đời sau cho biết đời nay đất nầy là như vậy, hoặc sau sẽ ra tốt hơn nữa chăng? dẫu cuộc đổi dời cồn có hoá nên vực, vực có hoá nên cồn đi nữa, thì cũng hãy còn tích lại mà nhắc.” Ngoài những thông tin trên, đến nay vẫn chưa tra được thân thế và sự nghiệp của tác giả Hai Đức.

[1] Có nghĩa là lúc rỗi việc công.
[2] Là thợ gây dựng, ở đây chỉ ông Trời.
[3] Là dâu biển, ý nói đến sự đời biến đổi.
[4] Tức "phồn hoa", có nghĩa là náo nhiệt xa hoa.
[5] Là năm Canh Thân (1860) đời Tự Đức. Lúc này, quân Pháp đang có mặt tại Sài Gòn, và đã phá tan thành Gia Định (1859).
[6] Ở đây ý nói đến việc ký kết Hoà ước Nhâm Tuất (1862) giữa Pháp (Phú Lãng Sa) với triều đình Huế.
[7] Tên chữ là Ngưu Chử, tức bờ sông Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
[8] Là cù lao Rồng (còn gọi là cù lao Tân Long) trên sông Tiền, nay thuộc thành phố Mỹ Tho. Ở đây dùng từ "đầm" (vũng nước to và sâu) là không chính xác.
[9] Chỗ Võ Duy Dương đóng đồn chống Pháp (bị đánh dẹp năm 1866).
[10] Chỗ của Trương Định đóng đồn chống Pháp (bị đánh dẹp năm 1864).
[11] Là phiên âm từ tên nước Pha Lang Sa hay Phờ Lăng Sơ (France) mà ra.
[12] Là nguyên soái, người cầm đầu quân đội, nhưng ở đây còn là người đứng đầu Sài Gòn lúc bấy giờ.
[13] Chưa hiểu rõ nghĩa. Có thể ở đây "quờn" là quyền, "hoành" là lớn rộng, hiểu nôm na là "có quyền hành rộng lớn".
[14] Là Sài Gòn ngày nay.
[15] Là Chợ Lớn ngày nay.
[16] Còn gọi là đồn Thảo Câu, sau đổi là đồn Hữu Bình, tục gọi là đồn Vàm Cỏ, nằm trên bờ hữu ngạn sông Sài Gòn. Theo Nguyễn Đình Đầu, thì đồn này nằm ở cuối kho Thương Cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận ngày nay. Đối diện với đồn này là đồn Giác Ngư (sau đổi là Tả Định, tục gọi là đồn Cá Trê), nằm bên Thủ Thiêm trên bờ tả ngạn sông Sài Gòn (Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 172).
[17] Tức Thị Nghè, tên thật là Nguyễn Thị Khánh, con gái tướng Nguyễn Cửu Vân, ở đây là một địa danh thuộc quận Bình Thạnh ngày nay.
[18] Trạm Gia Tân thuở trước ở tại vàm Bến Nghé, nơi có dựng cột cờ thủ ngữ. Chữ "cột cờ" ở câu sau chỉ cột cờ này.
[19] Ở đây dùng để truyền tin.
[20] Trường tập chỗ Mô Súng cũ, nay là khu vực Công trường Dân Chủ.
[21] Nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
[22] Là sữa bò.
[23] Là nước bột hạnh có bỏ đường.
[24] Là thứ bánh làm bằng cơm cháy.
[25] Là lạc hoa sanh, tức đậu phộng.
[26] Là đậu xanh với đường (chè).
[27] Là cháo hạt sen bỏ đường.
[28] Là trái lê.
[29] Hay Bồng doanh, chỉ cảnh tiên. Theo Sơn hải kinh, thì Bồng Lai, Doanh châu và Phương Trượng là ba hòn núi nằm ở biển Bột Hải. Ở đó có các tiên nhân.
[30] Có nguồn căn cứ vào đây, để viết Hai Đức mất năm 1882. Điều này không chắc lắm, vì Pétrus Ký không ghi lúc viết lời giới thiệu, nên không biết nó có cùng năm xuất bản sách Saigon d’aujourd’hui (1882) hay không.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hai Đức » Kim Gia Định phong cảnh vịnh