25/04/2024 04:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cốc phong 2
穀風 2

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 30/09/2005 20:28

 

Nguyên tác

行道遲遲,
中心有違。
不遠伊邇,
薄送我畿。
誰謂荼苦?
其甘如薺。
宴爾新昏,
如兄如弟。

Phiên âm

Hành đạo trì trì
Trung tâm hữu vi
Bất viễn y nhĩ,
Bạc tống ngã kỳ.
Thuỳ vị đồ khổ ?
Kỳ cam như tể.
Yến nhĩ tân hôn,
Như huynh như đệ.

Dịch nghĩa

Ta đi trên đường chậm chậm,
Mà lòng ta có niềm trái ngược, không nỡ bước mau.
(Ta đi ra, chàng đưa tiễn) không xa mà rất gần.
Chỉ đưa ta đến trong cửa mà thôi.
Ai nói rằng rau đồ đắng ?
(Suy ra) rau đồ còn ngọt như rau tể vậy (vì nỗi đắng cay của ta bị đuổi bỏ còn nhiều hơn cái đắng của rau đồ).
Chàng vui thú với vợ mới.
Thân thiết như anh em mà không thương xót đến ta.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Trên mặt đường từ từ em bước,
Lòng ngẩn ngơ trái ngược không đành
Chẳng đi xa mấy bước đã đành.
Chỉ đi đến của tiễn hành em ra.
Rau đồ kia ai cho là đắng ?
Như tể này thì hẳn ngọt ngon
Chàng vui duyên mới vuông tròn
Như anh em vậy đâu còn nhớ ta.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc phú mà tỷ.

trì trì: dáng đi chậm chậm chậm, thư thả.
vi: trái ngược.
kỳ: trong cửa.
đồ: rau đắng, thuộc loại cây lục (liễu), dùng để nấu đồ ăn cho thơm, xem rõ ở thiên Lương Tự.
tể: rau ngọt.
yến: vui.
tân hôn: người vợ mới cưới.

Nói rằng: ta bị chồng bỏ, đi ở trên đường, chậm chậm không tiến lên được, vì chân thì muốn bước tới mà lòng thì có điều chẳng nỡ, cho nên chân và lòng như trái ngược nhau.
Còn chồng đuổi bỏ ta, đưa tiễn ta đi chẳng xa mà lại rất gần, chỉ đưa đến trong cửa rồi dừng lại thôi (chỉ đưa ra khỏi cửa, chớ chẳng đi được dặm đường nào).
Lại nói việc rau đồ tuy là rất đắng, lại trở nên ngọt như rau tể, vì so sánh với việc ta bị bỏ, thì nỗi đắng cay của ta còn nhiều hơn cái đắng của rau đồ.
Còn chồng thì lại vừa vui thú với vợ mới, mật thiết với nhau như anh như em mà chẳng thương xót đến ta. Bởi vì đạo đàn bà chỉ theo có một chồng mà thôi. Nay tuy bị bỏ mà vẫn có lòng trông mong ở chồng, thật là đôn hậu lắm.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Cốc phong 2