09/05/2024 12:38Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi xa hạng

Tác giả: Phạm Hy Lượng - 范熙亮

Thể thơ: Thơ mới năm chữ; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Phạm Hy Hưng vào 22/12/2022 01:15

 

Phiên âm

Chiến Quốc diệc đa sĩ,
Ngô độc ái Tương Như[1],
Dĩ bảo thường thành bích[2],
Nhưng tranh kích phẫu thư[3].
Khởi viết kiểu hanh thắng,
Quyền dũng cái hữu dư.
Nãi kim đàm cổ hạng,
Diễm thuyết thị hồi xa.
Mẫn Trì[4] bất khả khảo,
Hàm Đan[5] lưu vĩnh dự.
Lương dĩ nhân tại thế,
Quyền độ hữu thân sơ.
Địch quốc năng khí đoạt,
Giao hữu nghĩa hà cư?
Đương nhật tâm nhất giáng,
Năng linh khách khí trừ.
Phụ kinh đôn vĩnh hảo,
Triệu quốc an dĩ thư.
Lang Tần tuy tích nộ,
Vô đắc thừa kỳ hư[6].
Nhất sự túc thiên tải,
Hoàn bích hà vi dư?
Ta ta thế ký giáng,
Giao đạo hà luân tư.
Khu xa độ hương hạng,
Thanh phong xuy ngã cư.

Dịch nghĩa

Thời Chiến Quốc nhiều kẻ sĩ,
Nhưng ta chỉ ái mộ có một Lạn Tương Như,
Đã bảo toàn được chuyện cắt thành đổi ngọc,
Lại nhân đó, buộc vua Tần phải gõ phẫu để Ngự sử ghi chép.
Đâu phải chuyện may mắn mà thắng được,
Nếu không có một dũng khi và mưu trí khác thường.
Nay nhắc đến tên một ngõ cổ,
Được gọi bằng mỹ tự “hồi xa”.
Huyện Mẫn Trì nay không còn kê cứu được nữa,
Nhưng đất Hàm Đan còn truyền mãi tiếng khen.
Nhất là khi ông còn tại thế,
Trong ứng xử biết phân biệt thân sơ.
Đối với nước địch có thể làm cho chúng khiếp sợ,
Nhưng nghĩa bạn bè, biết ăn ở như thế nào.
Ngày đó ông đã biết nén lòng,
Nhờ vậy có thể dẹp bỏ được cái nhìn bỉ thử.
Khiến bạn hối hận nhận lỗi, càng thắt chặt thêm tình hữu ái,
Nước Triệu cũng do đó bình yên, thư nhàn.
Nước Tần lang sói tuy giận dữ,
Vẫn không lợi dụng được một kẽ hở nào.
Một việc ấy thôi cũng đủ truyền tụng ngàn năm,
Há cần phải có thêm chuyện mang ngọc về nước.
Ôi chao! Đời càng về sau,
Đạo bạn bè càng xuống cấp.
Ngồi xe qua ngõ lối nức tiếng thơm,
Gió mát thổi bay vạt áo.

Bản dịch của Trần Lê Văn

Chiến Quốc nhiều kẻ sĩ,
Ta chỉ yêu Tương Như.
Đã dứt chuyện đổi ngọc,
Gõ phẫu chuyện mưu cơ.
Đâu phải vì may mắn,
Bởi trí dũng có thừa.
Nay nhắc tên ngõ cổ,
Còn tên đẹp “Hồi xa”.
Mẫn Trì, khó kê cứu,
Hàm Đan, danh không mờ.
Khi ông còn tại thế,
Phân biệt rõ thân sơ.
Nước địch phải khiếp vía,
Bầu bạn hợp tâm tư.
Nén lòng khi đối xử,
Thói khách khí, loại trừ.
Giao hữu càng thân ái,
Nước Triệu được an cư.
Tần, lang sói, tuy giận,
Cũng không thể thừa cơ.
Một việc truyền nghìn thuở,
Thêm chuyện cũng là dư.
Đời về sau xuống cấp,
Đạo bạn bè phất phơ.
Xe ta qua ngõ ấy,
Vạt áo, gió hương đưa.
Ngõ Hồi Xa ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Hồi xa là xe an toàn trở về, chỉ việc Lạn Tương Như bảo toàn viên ngọc quý và giữ được quốc thể, không để cho Tần Vương hạ nhục Triệu Vương.

[1] Lạn Tương Như người nước Triệu sống và thời Chiến Quốc, nổi tiếng dũng cảm, mưu trí, biết đặt việc nước lên trên những xích mích riêng tư.
[2] Thời Triệu Văn Vương, nước Tần nghe tin nước Triệu vừa được viên ngọc quý Hoà thị của Sở, bèn cho người tới ngỏ ý muốn đem 15 ngôi thành của nước Tần đổi lấy viên ngọc Hoà thị của nước Triệu. Biết đây chỉ là chuyện lừa, Lạn Tương Như xin Triệu Vương cho mình mang ngọc tới Tần để buộc đối phương phải giao thành trước khi lấy ngọc. Kết quả, sau một trận đấu lý căng thẳng, ông đã bảo toàn được viên ngọc của nước Triệu và Tần Chiêu Vương cũng thôi không nhắc tới việc đem thành đổi ngọc nữa.
[3] Về sau, Tần Vương đem quân đánh Triệu, lấy Thạch Thành; năm sau lại tiến công Triệu, giết 20.000 người, tiếp đó lại đòi Triệu Vương tới Mẫn Trì để hội kiến. Triệu Vương dẫn Lạn Tương Như cùng đi. Trong buổi gặp mặt, khi rượu đã ngà ngà, Tần Vương bảo Triệu Vương đánh đàn cho nghe, với dụng ý làm nhục vua Triệu, rồi bảo quan sử Tần chép rằng: “Vào ngày ấy, tháng ấy, vua Tần cùng vua Triệu hội ẩm, vua Tần ra lệnh cho vua Triệu đánh đàn”. Để giữ thể diện cho Triệu, Lan Tương Như cũng uy hiếp Tần Vương buộc vua Tần phải gõ phẫu đáp lại. Rồi Tương Như bảo quan ngự sử nước Triệu chép rằng: “Vào ngày ấy, tháng ấy, vua Tần gõ phẫu cho vua Triệu nghe”.
[4] Theo Sử ký tuyển, Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện của Vương Bá Tường (Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1959, tr. 278), “Mẫn Trì nguyên là Kinh đô nước Hàn thời Chiến quốc, sau thuộc về nước Tần. Đến đời Hán, lập huyện Mẫn Trì, vị trí nay nằm cách huyện Mẫn Trì tỉnh Hà Nam 13 dặm về phía tây.”
[5] Kinh đô cũ của nước Triệu, nay là thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.
[6] Theo Sử ký, Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện, sau cuộc hội ẩm ở Mẫn Trì trở về, Tương Như được Triệu Vương cất nhắc làm Thượng khanh, ngôi thứ cao hơn tướng Liêm Pha, khiến viên tướng này ghen tức, quyết tìm dịp làm nhục Tương Như. Biết thế, Tương Như cố tránh mặt Liêm Pha, không muốn đào sâu mối hiềm khích, làm lợi cho nước Tần thù địch đang rình chờ cơ hội thôn tính nước Triệu. Liêm Pha dần dần hiểu thái độ đúng đắn này của Lạn Tương Như, đã vô cùng hối hận, đến tận nhà Tương Như tạ lỗi, nguyền mãi giữ gìn sự đoàn kết giữa hai người để đương đầu với bạo Tần.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Hy Lượng » Hồi xa hạng