20/04/2024 14:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Y ta 3
猗嗟 3

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 02/10/2005 23:46

 

Nguyên tác

猗嗟孌兮!
清揚婉兮。
舞則選兮,
射則貫兮。
四矢反兮,
以御亂兮。

Phiên âm

Y ta luyến hề!
Thanh dướng uyển hề!
Vũ tắc tuyến hề!
Xạ tắc quyến (quán) hề!
Tứ thỉ phiến (phản) hề!
Dĩ ngự luyến (loạn) hề!

Dịch nghĩa

Lỗ Trang Công ngài đẹp đẽ thay!
Với mắt trong mày đẹp,
Ngài múa thì giỏi khéo khác hẳn mọi người.
Ngài bắn thì trúng,
Bốn mũi tên đều ghim vào chỗ cũ đúng chính giữa bia.
Với tài bắn cung ấy, ngài có thể phòng ngừa loạn lạc.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Ôi người trông thật đẹp thay!
Mặt trong lóng lánh, mày ngài xinh tươi,
Múa thì giỏi hẳn hơn người,
Bắn thì trúng đích chẳng lơi phát nào.
Bốn tên ghim đúng như nhau,
Phòng ngừa biến loạn về sau tài này.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc phú.

luyến: dáng đẹp đẽ.
thanh: mắt trong đẹp đẽ.
dương: lông mày đẹp.
uyển: cũng là dáng đẹp đẽ.
tuyến: khác với mọi người, hoặc là nói đều đúng với điệu nhạc.
quán (đọc quyến cho hợp vận): trúng vào, mũi tên xuyên qua tấm da.
tứ thỉ: theo lễ xạ, mỗi lần bắn bốn mũi tên.
phản (đọc phiến cho hợp vận): lại trúng vào chỗ cũ ở trung tâm cái đích. Nói nghề bắn của Lỗ Trang Công rất tinh: có thể phòng ngừa được loạn lạc, như lấy mũi tên kim bộc cô bắn trúng Nam Cung Trường Vạn, có thể thấy đúng như thế.

Hoặc nói rằng: con có thể chế ngự được mẹ hay không ?

Triệu tử nói rằng: chồng mất thì theo con, lẽ ấy đã thông dụng khắp thiên hạ, huống hồ là bực làm vua. Vua là chúa của người và quỷ thần, là căn bản của phong tục và giáo hoá. Không chính định gia đình, thì làm sao chính định được quốc gia? Nếu Trang Công đau xót nhớ đến cha, thành kính phụng sự cho mẹ, lấy uy quyền và hình pháp chế ngự kẻ dưới, ngựa xe và đầy tớ đi theo chầu chực, ai ai đều phải chờ mệnh lệnh của mình thì phu nhân Văn Khương làm sao đi ra được? Việc phu nhân Văn Khương đi ra được ấy là vì Trang Công thương kính không được đúng mức, uy quyền và mệnh lệnh không được thi hành.

Lữ thị ở Đông Lai nói rằng: ý châm biếm chê cười trong ba chương của bài thơ này đều ngụ ở ngoài lời nói. Nhưng đã than thở đôi ba lần như thế thì việc thiếu sót của Lỗ Trang Công (không ngăn được mẹ) không phải nói ra mà cũng thấy được vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Y ta 3