26/04/2024 20:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quan Âu Dương công thần đạo
觀歐陽公神道

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/03/2020 22:54

 

Nguyên tác

五尺窺碑倚路傍,
行人過此說歐陽。
名墳蕪沒知何處,
書院峰高峙此鄉。
中國幾回更甲子,
大家一脈壽文章。
儲胥猶護隴崗表,
遺恨當年奉濮王。

Phiên âm

Ngũ xích khuy bi ỷ lộ bàng,
Hành nhân quá thử thuyết Âu Dương.
Danh phần vu một tri hà xứ,
Thư viện phong cao trĩ thử hương.
Trung Quốc kỷ hồi canh Giáp Tý[1],
Đại gia nhất mạch thọ văn chương.
Trừ tư do hộ Lũng Cương[2] biểu,
Di hận đương niên phụng Bộc Vương[3].

Dịch nghĩa

Trộm thấy bia cao năm thước dựa ở mé đường,
Người đi qua đây thường nhắc đến Âu Dương.
Biết ở chốn nào đây, ngôi mộ cỏ hoang phủ kín,
Sừng sững bên làng này, thư viện trên núi cao.
Đã bao phen Trung Quốc đổi thay Giáp Tý,
Nguồn mạch đại gia, còn mãi nếp văn chương.
Bia ở Lũng Cương, quỷ thần còn giúp rập,
Để lại mối hận năm xưa tôn phụng Bộc Vương.

Bản dịch của Lâm Giang

Trộm thấy bia cao dựa vệ đường,
Hành nhân thường nhắc đến Âu Dương.
Phần mồ cỏ lấp, nào hay chốn,
Thư viện trên cao, sững mé làng.
Trung Quốc bao phen thay Giáp Tý,
Đại gia nguồn mạch, nếp văn chương.
Lũng Cương bia được thần phù hộ,
Hận lắm năm xưa giúp Bộc Vương.
Nguyên chú: Trên tấm bia mộ ở Lũng Cương của Âu Dương có câu “Tế chỉ phong bất như dưỡng chỉ bạc” (Tế cha mẹ hậu không bằng nuôi cha mẹ, dù là đạm bạc). Bia chở từ Từ Châu về, nửa đường chợt không có gió mà thuyền đắm, bia chìm mấy ngày sau lại nổi lên, thấy có khuyên son tám chữ trên, đó là thuỷ thần rất khen câu ấy. Cái hiếu của ông có thể thông cảm thần linh như thế. Nhưng chỉ một việc tôn phụng Bộc Vương mà bị công luận chê bai, là vì ông có thể tự khép mình vào đạo hiếu mà lại không biết lấy hiếu mà phò vua. Điều đó đáng ân hận thay.

Thần đạo là lối đi vào mộ. Hậu Hán thư chú: “Trước mộ mở một lối đi, bên ngoài dựng hai cột đá, đó gọi là thần đạo.” Âu Dương tức Âu Dương Tu đời Tống, quê ở Lư Lăng, đỗ tiến sĩ, giỏi văn chương, là một trong bát đại văn gia đời Đường-Tống.

[1] Mỗi Giáp Tý là sáu mươi năm, tức là một hoa giáp.
[2] Ở phía bắc thành Tân Trịnh, nơi sứ bộ đi qua. Lũng Cương cũng là từ dùng để chỉ nơi đặt phần mộ.
[3] Cha đẻ Tống Anh Tông. Tống Nhân Tông không có con, Anh Tông được lập làm thái tử. Sau khi lên ngôi vua, Anh Tông giao cho đình thần bàn điển lễ tôn Bộc Vương. Bọn Tư Mã Quang, Âu Dương Tu bàn: “Vua đã làm con Nhân Tông, thì phải tôn Nhân Tông làm cha, tôn Bộc Vương làm bác.” Cuối cùng vua và đa số triểu thần quyết nghị tôn Bộc Vương là cha. Ý kiến của Âu Dương Tu bị chê trách.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Quan Âu Dương công thần đạo