05/10/2024 07:55Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tiễn nguyên Nam Định đốc học Doãn Khuê hồi lỵ
餞元南定督學尹奎回涖

Tác giả: Vũ Phạm Khải - 武范啟

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 03/04/2020 20:00

 

Nguyên tác

棘矜何日戰孤軍,
一病翻然卧廣文。
書劍有懷應到老,
江湖雖遠亦憂君。
恩榮北闕裯三覲,
聲價南州長十分。
側席吾皇深意外,
平戎有策海無氛。

Phiên âm

Cức căng hà nhật chiến cô quân,
Nhất bệnh phiên nhiên ngoạ Quảng Văn[1].
Thư kiếm hữu hoài ưng đáo lão,
Giang hồ tuy viễn diệc ưu quân.
Ân vinh Bắc khuyết trù tam cận,
Thanh giá Nam châu trưởng thập phân.
Trắc tịch ngô hoàng thâm ý ngoại,
Bình Nhung hữu sách hải vô phân.

Dịch nghĩa

Gươm giáo mới ngày nào chiến đấu bằng một đạo cô quân
Vừa đau bệnh, được quay về với chức giáo quan
Cái chí tay gươm tay sách còn ôm mang cho đến tuổi già
Tuy xa xôi ở chốn sông hồ nhưng vẫn lo nỗi vua
Nơi Bắc khuyết được ơn vè vang ba lần chầu cận
Cõi Nam châu danh tiếng thêm vang vọng bội phần
Ngồi lệch bên chiếu để lòng quý trọng sâu xa của vua ta
Mong có kế sách dẹp giặc để vùng bờ biển được yên ổn

Bản dịch của Nguyễn Văn Huyền

Tung hoành ngày ấy đạo cô quân
Đau ốm, quay về chức giáo quan
Gươm sách nguyền ngâm câu “đáo lão”
Sông hồ xa vẫn dạ “ưu quân”
Ân vinh Bắc khuyết ba lần yết
Danh giá Nam châu gấp bội phần
Quý trọng, vua ta còn ngụ ý
Mưu hay dẹp loạn, biển bờ an
Doãn Khuê (1813-1878) quê làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, tỉnh Nam Định (nay là huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Đỗ tiến sĩ năm 1838, làm quan đến Ngự sử, Đốc học Nam Định và Sơn Tây. Bài này làm vào năm 1866, khi Doãn Khuê vào triều bệ kiến, dâng bảng điều trần về chính sự đương thời.

[1] Tên trường học mở vào đời Đường, chỉ chức quan dạy học. Theo sách Đường thư, vua Đường Huyền Tông có ý muốn lập một trường học mới, đặt tên trước là Quảng Văn quán và thấy Trịnh Kiển là người học rộng mới cử làm Bác sĩ để dạy trường ấy. Nhưng rồi mưa bão đổ hết nhà cửa, việc dựng trường này không thành, trong khi đó Trịnh Kiển vẫn mang chức hờ ngồi đợi. Vì vậy Đỗ Phủ mới có thơ: “Chư công cổn cổn đăng đài sảnh, Quảng Văn tiên sinh quan độc lãnh” (Các ông mũ mão lên đài nọ sảnh kia, Còn Quảng Văn tiên sinh vẫn một mình chịu cảnh quan lạnh). Từ đó người ta thường dùng chữ “quan lạnh” để chỉ chức quan dạy học với hàm ý không có bổng lộc to như “quan nóng” ở trong guồng máy cai trị.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Phạm Khải » Tiễn nguyên Nam Định đốc học Doãn Khuê hồi lỵ