26/04/2024 15:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tụng Thánh Tông đạo học
頌聖宗道學

Tác giả: Tuệ Trung thượng sĩ - 慧中上士

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 26/09/2008 22:35

 

Nguyên tác

聖學高明達古今,
竊然龍藏貫花心。
釋風既得開拳寶,
祖意將無透水針。
智拔禪關通少室,
情超教海跨威音。
人間只見千山秀,
誰聽猿啼深處深。

Phiên âm

Thánh học cao minh đạt cổ câm (kim),
Thiết nhiên long tạng[1] quán hoa tâm.
Thích phong ký đắc khai quyền bảo[2],
Tổ ý tương vô thấu thuỷ châm[3].
Trí bạt Thiền quan thông Thiếu Thất[4],
Tình siêu giáo hải khoá Uy Âm[5].
Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú,
Thuỳ thính viên đề thâm xứ thâm.

Dịch nghĩa

Cái học của bậc thánh cao minh thông suốt cả xưa nay,
Rõ ràng kinh tạng ở Long cung đã thấu suốt được tâm hoa.
Phong độ của Thiền đã được pháp bảo mở bàn tay,
Ý Tổ hầu như không ý nào không phải là chiếc kim thấu tới đáy nước.
Trí hội nơi cửa Thiền sánh ngang với Thiếu Thất,
Tình vượt ngoài bể giáo át cả Uy Âm.
Người đời chỉ thấy núi non xanh tốt,
Nào ai nghe thấy tiếng vượn kêu sâu thẳm trong nơi sâu thẳm.

Bản dịch của Trúc Thiên

Thánh học cao vời suốt cổ kim,
Kho rồng riêng thấu tận gan tim.
Phật phong: được bán trong tay mở,
Tổ ý: nhìn kim đáy nước chìm.
Trí bạt cửa Thiền thông Thiếu Thất,
Tình sâu biển giáo át Uy Âm.
Người đời chỉ thấy non sông đẹp,
Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.
[1] Bộ kinh Phật mà Bồ tát Long Thọ xin lại từ cung của Long vương (ngoài bốn bộ A Hàm của Phật giáo Nguyên thuỷ) như Hoa nghiêm, Niết bàn...
[2] Nghĩa là mở bàn tay ra có ngọc quý. Với tích Tổ Sư Tử đi hoằng hoá đến nước Kế-tân có người tên là Tư-đa hai mươi tuổi, từ khi sinh ra đến giờ bàn tay trái luôn nắm chặt lại chưa từng mở ra. Tổ nhìn thẳng vào mặt Tư-đa, rồi đưa tay bảo: Trả hạt châu lại cho ta! Tư-đa liền xoè tay dâng hạt châu cho Tổ. Do đời trước Tổ là một Tỳ kheo thường được Long vương thỉnh xuống Long cung tụng kinh. Một hôm sau khi tụng kinh xong, Long vương cúng một hạt châu, sư nhận châu rồi trao cho chú thị giả tên Bà-xá (tức là thân đời trước của Tư-đa) giữ trong tay. Sư tịch, tái sinh ở nơi đây, vì nhân duyên thầy trò chưa hết nên gặp lại nhau tại hội này. Rồi Tư-đa theo Ngài xuất gia. Tổ xét duyên xưa và nay, hợp hai tên đặt là Bà-xá-tư-đa.
[3] Tích dẫn Ngài Ca-na-đề-bà là Tổ thứ mười lăm đệ tử của Tổ Long Thọ. Khi Tổ Long Thọ đến nam Ấn, ngài đến yết kiến. Tổ muốn thử ngài, nên sai đồ đệ múc một thau nước đầy để trước lối vào. Ngài đi qua lấy một cây kim bỏ vào thau nước rồi thẳng đến yết kiến Tổ. Tổ rất hoan hỉ, thầy trò đã hợp duyên. Việc Long Thọ sai để thau nước không phải chỉ ngầm ý cho ngài Ca-na-đề-bà kim vào, mà còn muốn nói lên cái ý khó tìm. Ở đời cái gì khó tìm thì người ta nói mò kim đáy nước.
[4] Nơi Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp lập thiền tông Trung Hoa.
[5] Là vị Phật thời kỳ cực viễn cổ. Thiền tông thường cho đó là danh giới của sự thay đổi thói đời, sống trước vị Phật ấy thì tinh thần người ta thuần lương,ngay thẳng, hiểu lẽ không tà ác, sống sau vị Phật ấy thì thói đời dần dần sa sút.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tuệ Trung thượng sĩ » Tụng Thánh Tông đạo học