25/04/2024 20:10Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ký Diêu Tuyết Bồng sứ quân
寄姚雪篷使君

Tác giả: Nhạc Lôi Phát - 樂雷發

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi tôn tiền tử vào 16/10/2018 20:33

 

Nguyên tác

湘鱗六六寄相思,
疏柳新蟬想別時。
今夜各听三楚雁,
秋風又老一年詩。
梅花且補離騷闕,
薏苡應為史筆知。
剪竹疑峰新制笛,
待沖霜月訪桓伊。

Phiên âm

Tương lân[1] lục lục[2] ký tương tư,
Sơ liễu tân thiền tưởng biệt thì.
Kim dạ các thinh Tam Sở[3] địa,
Thu phong hựu lão nhất niên thi[4].
Mai hoa thả bổ ly bao khuyết[5],
Ý dĩ[6] ưng vi sử bút tri.
Tiễn trúc Nghi phong[7] tân chế địch,
Đãi xung sương nguyệt phỏng Hoàn Y[8].

Dịch nghĩa

Dùng cá đưa thư gửi người hằng mong nhớ
Nhớ buổi chia tay ve mới kêu liễu còn thưa
Đêm nay đều nghe tiếng nhạn ở tam Sở
Gió thu lại già đi một năm thơ
Ngâm thơ mai thêm vào chỗ thiếu của ly tao
Việc ý dĩ cần để cho bút sử biết
Đẵn trúc ở núi Cửu Nghi làm sáo mới
Đơi tháng sương đến thăm Hoàn Y

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Vẩy Tương lớp lớp gửi người xa
Ve mới liễu thưa buổi tiễn đưa
Ba Sở đêm cùng nghe nhạn lạnh
Mỗi năm thu lại thấy thơ già
Hoa mai thêm được ly tao thiếu
Ý dĩ cần cho bút sử rà
Đẵn trúc núi Nghi làm sáo mới
Thăm Hoàn Y đợi tháng sương sa
Bài này tuyển từ Tuyết Cơ tùng cảo quyển 2, bản Tứ khố toàn thư. Diêu Tuyết Bồng tức Diêu Dung 姚鏞, hiệu Tuyết Bồng, người Diệm Khê (nay ở phía tây nam huyện Thặng, Chiết Giang), đỗ tiến sĩ năm Gia Định thứ 10, làm phán quan Cát Châu, vì có quân công được đề bạt làm thái thú Cán Châu, sau vì xúc phạm đến soái thần bị biếm đến Hành Dương.

[1] Bấy giờ tác giả ở Ninh Viễn, Diêu Dung ở Hành Dương, đều ở trong đất Hồ Nam, cho nên gọi cá là “tương lân”.
[2] Hình dung cá có nhiều vẩy. Lục Du trong Cửu nguyệt hối nhật tác: “Cẩm thành thuỳ dữ ký âm trần, Vọng đoạn thu giang lục lục lân”. Người xưa dùng cá để truyền thư, đọc thơ nhạc phủ Ẩm mã Trường Thành quật hành.
[3] Đất Sở thời Chiến Quốc chia Đông Sở, Tây Sở, Nam Sở. Sau chỉ chung vùng Tương Ngạc.
[4] Tác giả và Diêu Dung đều hay thơ, Diêu còn lại Tuyết Bồng tập. Ý câu này nói gió thu thổi, lá vàng bay, thời tiết thôi thúc con người, thơ làm ra cũng mang vẻ già.
[5] Ý nói thơ vịnh mai của Diêu Dung có thể thừa kế được Ly tao của Khuất Nguyên xa xưa. Ám chỉ việc Diêu bị biếm.
[6] Hậu Hán thư - Mã Viện truyện: Ban đầu Viện ở Giao Chỉ, thường ăn hạt ý dĩ để thân thể được nhẹ nhàng, giảm dục và chống lại chướng khí. Hạt ý dĩ ở phương nam to, Viện muốn đem về trồng. Khi rút quân, Viện cho chở về một xe, người bấy giờ cho là Viện chở châu ngọc ở phương nam về, bọn quyền quý nhìn vào. Viện bấy giờ được vua yêu, nên không để ý tới. Sau khi Viện chết, có người dâng thư cáo về việc này, cho là xe trước đây chở Viện về toàn là châu ngọc. Theo đây thì biết, Diêu bị biếm đến Hành Dương là có dính líu đến việc tài vật.
[7] Tức núi Cửu Nghi. Quê Ninh Viễn của tác giả ở chân núi Cửu Nghi.
[8] Thế thuyết tân ngữ - Nhiệm Đản: Vương Tử Do từ lâu nghe Hoàn Tử Dã (Hoàn Y) thổi sáo bay nhưng lại không quen biết. Vương ở trong thuyền trông thấy một người ở trên bờ, khách có người nhận ra, nói đó là Hoàn Tử Dã. Vương sai người lên bờ nói với Hoàn Tử Dã: “Nghe tiếng ngài thổi sao hay, hãy thử vì ta mà thổi”. Bấy giờ Hoàn đã hiển quý, vốn nghe tiếng Vương, liền dừng lại và xuống xe, vào thuyền, ngồi xuống giường, thổi liền ba điệu. Thổi xong liền lên xe đi ngay, khách chủ không trao đổi một lời. Câu này đem Hoàn Y chỉ Diêu Dung, nói lên tác giả muốn đem tiêu ở núi Cửu Nghi, đội sương trăng xuống thăm Diêu, mời Diêu thổi tiêu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nhạc Lôi Phát » Ký Diêu Tuyết Bồng sứ quân