19/03/2024 10:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trở vũ bất đắc quy Nhương Tây cam lâm
阻雨不得歸瀼西甘林

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 24/02/2015 22:17

 

Nguyên tác

三伏適已過,
驕陽化為霖。
欲歸瀼西宅,
阻此江浦深。
壞舟百版坼,
峻岸復萬尋。
篙工初一棄,
恐泥勞寸心。
佇立東城隅,
悵望高飛禽。
草堂亂懸圃,
不隔昆侖岑。
昏渾衣裳外,
曠絕同層陰。
園甘長成時,
三寸如黃金。
諸侯舊上計,
厥貢傾千林。
邦人不足重,
所迫豪吏侵。
客居暫封殖,
日夜偶瑤琴。
虛徐五株態,
側塞煩胸襟。
焉能輟雨足,
杖藜出嶇嶔。
條流數翠實,
偃息歸碧潯。
拂拭烏皮幾,
喜聞樵牧音。
令兒快搔背,
脫我頭上簪。

Phiên âm

Tam phục[1] thích dĩ quá,
Kiêu dương hoá vi lâm.
Dục quy Nhương Tây trạch,
Trở thử giang phổ thâm.
Hoại chu bách bản sách,
Tuấn ngạn phục vạn tầm.
Cảo công sơ nhất khí,
Khủng nê lao thốn tâm.
Trữ lập đông thành ngung,
Trướng vọng cao phi cầm.
Thảo đường loạn Huyền Phố[2],
Bất cách Côn Lôn sầm.
Hôn hồn y thường ngoại,
Khoáng tuyệt đồng tằng âm.
Viên cam trưởng thành thì,
Tam thốn như hoàng kim.
Chư hầu cựu thượng kế,
Quyết cống khuynh thiên lâm.
Bang nhân bất túc trọng,
Sở bách hào lại xâm.
Khách cư tạm phong thực,
Nhật dạ ngẫu dao cầm.
Hư từ ngũ chu[3] thái,
Trắc tắc phiền hung khâm.
Yên năng xuyết vũ túc,
Trượng lê xuất khu khâm.
Điều lưu sổ thuý thật,
Yển tức qui bích tầm.
Phất thức ô bì ky,
Hỉ văn tiều mục âm.
Lệnh nhi khoái tao bối,
Thoát ngã đầu thượng trâm.

Dịch nghĩa

Tháng nóng tới nay đã qua,
Cơn nóng bức nay hoá thành mưa dầm.
Mình muốn quay về nhà ở Nhương Tây,
Nhưng vì cơn mưa này mà bến sông sâu làm mình kẹt lối.
Nếu cố đi e thuyền nát thành trăm mảnh,
Thêm bờ sông lại cao đến cả vạn tầm.
Tay chèo chỉ lỡ một chút thôi,
Là sa vào bùn lầy tốn bao công lao khó nhọc.
Vì thế cứ đứng bên góc phía đông thành,
Ngóng nhìn đàn chim bay tít trên không.
Thấy cái nhà cỏ của mình cứ cho bừa là Huyền Phố,
Không có xa núi Côn Lôn là bao.
Lồng lộng bên ngoài có mây tung bay như vạt áo kia,
Và tít mù tại chính nơi tối đen dầy đặc.
Vườn cam đang vào lúc lớn mạnh,
Loại cam vàng ba tấc này được quý như vàng.
Như kế hoạch cũ của quan đầu huyện,
Là dâng nộp cho nhà vua hết cả ngàn rừng.
Không lưu tâm gì đến dân trong huyện,
Bọn cường hào nha lại tha hồ chèn ép.
Người từ phương xa tới ở đây được giao đất để trồng trọt,
Ngày đêm kết bạn với cây đàn cẩn ngọc.
Tuy dáng dấp những cây quý kia trông rất hồ hởi,
Nhưng trong lòng tôi không yên chút nào.
Làm sao cho mưa vừa đủ,
Để tôi có thể chống gậy ra chốn cheo leo.
Trên cành cam đung đeo những trái xanh,
Ngưng hẳn việc ra bến sâu để thăm vườn cam.
Giờ đây, ở nhà phủi bụi cái ghế da đen,
Vui mừng nghe tiếng hò của ông câu, giọng ca của chú kiếm củi.
Sai con gãi lưng cho thoả thích,
Bảo nó gỡ cái trâm trên đầu mà cào.

Bản dịch của Phạm Doanh

Tháng nóng đến, nay vừa qua khỏi,
Nắng gắt gay giờ đổi mưa dầm.
Nhà Nhương Tây muốn về thăm,
Bến sâu này lại cản ngăn mất rồi.
Ngại vỡ thuyền tới dôi trăm tấm,
Lại bờ cao có đến vạn gang.
Tay chèo một khi lỡ làng,
Sợ bùn gây hoạ lại càng khổ công.
Ngay bên góc thành đông, đứng đó,
Chim bay cao cứ ngó thế thôi.
Nhà cỏ, Huyền Phố thay ngôi,
Sườn Côn Lôn chẳng xa xôi chút nào.
Lồng lộng vượt trên cao mây nổi,
Lại tít mù trong cõi thâm u.
Vườn cam đang lúc phởn phơ,
Cái loại "ba tấc" coi như ngàn vàng.
Qui hoạch cũ của quan đầu huyện,
Cả ngàn rừng nộp hẳn lên trên.
Xá chi cái lũ dân đen,
Mặc cho cán bộ cứ chèn ép dân.
Lo trồng trọt, làm thân tạm trú.
Dao cầm những gắn bó đêm ngày.
Dáng cây cưng cứ phây phây,
Nhưng lòng cảm thấy đắng cay thế nào.
Mong mưa rơi làm sao vừa đủ,
Chống gậy lần khỏi chỗ cheo leo.
Vài trái xanh trên cành đeo,
Bến biếc đành chịu nằm khoèo, không ra.
Phủi sạch bụi ghế da đen thủi,
Vui nghe ca kiếm củi, chăn trâu.
Đưa lưng sai con gãi mau,
Gỡ trâm ngay ở trên đầu cha đây.
(Năm 767)

[1] Phục là thời gian 10 ngày tính từ sau ngày hạ chí. Kể từ ngày hạ chí bao gồm sơ phục, trung phục và mạt phục. “Tam phục chi nhật” 三伏之日 chỉ quãng thời gian nóng nhất trong năm, đối với bắc bán cầu.
[2] Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi Côn Lôn có Kim Đài, Ngọc Lâu là nơi tiên ở, do đó gọi là Huyền Phố. Sau này dùng để chỉ cảnh tiên. Sở từ của Khuất Nguyên có “Côn Lôn Huyền Phố, Kỳ khao an tại” 崑崙悬圃,其凥安在 (Huyền Phố, đỉnh Côn Lôn, Chỗ nào là gốc nó?), Vương Bật chú giải Côn Lôn là tên núi, đỉnh của núi gọi là Huyền Phố, tức là bên trên thông với trời.
[3] Từ chữ “ngũ chu tùng thụ” 五株松树. Tần Thuỷ Hoàng vào năm thứ 28 lên núi Thái Sơn làm lễ tế trời, bỗng có gió lốc thổi tới, may nhờ có cây thông dày, né vào ẩn thân, nên ghi ơn bằng cách phong tước cây thông vào hàng thứ chín ngang với danh hiệu quan ngũ đại phu trong triều. Ý chỉ loại cây quý được vua lưu ý.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Trở vũ bất đắc quy Nhương Tây cam lâm