25/04/2024 21:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lưu oanh
流鶯

Tác giả: Lý Thương Ẩn - 李商隱

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Diệp Y Như vào 25/05/2010 02:09

 

Nguyên tác

流鶯漂蕩復參差,
渡陌臨流不自持。
巧囀豈能無本意,
良晨未必有佳期。
風朝露夜陰晴裡,
萬戶千門開閉時。
曾苦傷春不忍聽,
鳳城何處有花枝。

Phiên âm

Lưu oanh phiêu đãng phục sâm si[1],
Độ mạch lâm lưu bất tự trì.
Xảo chuyển khởi năng vô bổn ý,
Lương thần vị tất hữu giai kỳ.
Phong triêu lộ dạ âm tình lý,
Vạn hộ thiên môn khai bế thì.
Tằng khổ thương xuân bất nhẫn thính,
Phụng thành[2] hà xứ hữu hoa chi.

Dịch nghĩa

Chim oanh lưu lạc vật vờ,
Lúc ở đầu ruộng lúc ở bến sông, không tự chủ được mình.
Chim kia hót hay nào phải không có ý,
Sống trong thời bình trị chưa hẳn là có thời gian đẹp đẽ.
Dầu trong gió sớm sương đêm trời mưa trời nắng,
Bất kể muôn ngàn nhà cửa đóng hay mở con oanh vẫn cứ bay.
Ta từng buồn khổ khi mùa xuân hết, không nỡ nghe tiếng chim kêu,
Ở kinh thành nơi nào có cành hoa cho chim oanh đậu không?

Bản dịch của Lê Quang Trường

Vật vờ lưu lạc cái con oanh,
Cuối bãi đầu sông chẳng tự mình.
Lảnh lót nào đâu không có ý,
Ngày xuân chưa hẳn mãi trời xanh.
Sớm chiều sương gió thân dầu dãi,
Muôn vạn cửa nhà, kiếp bấp bênh.
Từng khổ thương xuân chăng nỡ dạ,
Phụng thành đâu chốn cội hoa lành?
Bài này tác giả mượn vật ngụ tình, phản ánh cuộc sống lưu lạc không gặp vận, không chốn nương thân, cuộc sống “mười năm ở chốn kinh thành đói và rét” (thập niên kinh sư hàn thả ngạ - Phàn Nam giáp tập tự) của tác giả.

[1] Phiêu đãng, sâm si: chỉ sự vật vờ, lưu lạc.
[2] Tức kinh thành. Bài thơ Dạ của Đỗ Phủ có câu: “Bộ thiềm ỷ trượng khan ngưu đẩu, Ngân Hán dao ưng tiếp phụng thành” (Đi dạo dưới trăng, chống gậy nhìn sao Ngưu Đẩu, Sông Ngân xa xa như sà xuống thành phượng). Triệu Thứ Công chú rằng: “Con gái Tần Mục Công là Lộng Ngọc thổi tiêu, chim phụng liền sà xuống thành, nên gọi là Đan phụng thành. Về sau người ta gọi kinh thành là phụng thành”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thương Ẩn » Lưu oanh