19/04/2024 17:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dạ Trạch tiên gia phú
夜澤仙家賦

Tác giả: Chu Mạnh Trinh - 朱孟楨

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 19/09/2014 15:05

 

Nguyên tác

成泰乙巳年,渚仙降筆自題:
河山過眼幾千年,
一曲高歌散九天。
江渚月明雲影淡,
澤林水漲隴沙圓。
漫傳筇笠仙家事,
誰識樓臺帝子緣。
到底一塵還不染,
金鰲駕海寓雲煙。

夜澤仙家賦:
玉闕天高,
金臺地闢。

雲萬丈以騰飛,
水千重而凝碧。

扁舟泛泛,誰從訪蓬萊仙境之虛無,
夜澤汒汒,我獨創帝子因緣之屬籍。

相傳江上遇皇女以成親,
誰識仙班本珠宮之莫逆。

雄王之世十九相承,
帝曰有邦彼姝者子。

乃從星而顯耀,還駕雨來赤藤勝地之間,
因伐木以裁樓,別向風問白社圓基之址。

是處仙家雞犬,何事飛昇,
偶然大澤龍蛇,相爭護庇。

杏栽千樹,藥餌遍乎方民,
桃贈萬家,吟詠傳於閭里。

時則:
月明夜靜,
江闊天空。

或乘舟而垂釣,
或倚杖以迎風。

攜手高臺,弄玉蕭而鳳降,
識針還閣,聯金字而鴛同。

塵埃風景蒼汒,難容久住,
日月壺天隱約,每動高蹤。

乃辭帝闕,上表陳情。
旋向神山,訪予舊侶。

赤松是兩師遊戲,神農之世非遙,
蒼頡生文字契書,盤古之風可緒。

回頭江渚,三十年之托跡轉空,
扣手天門,九萬里之高歌有自。

樓臺亦幻,
枌梓空留。

江波寂寂,
雲影悠悠。

閱古今之陳跡,
感禾黍於郊邱。

萊公之竹成林,德能兆異,
潘令之桃結實,我亦何求。

然而召伯甘棠不伐,總人心之思慕,
所以羊公峴首興言,示來者之綢繆。

曰庭曰閣,
成邑成都。

仙蹤縹緲,
往事荒蕪。

筇笠林間,齊東野之妄言可笑,
幕帷江上,趙北方之佳話還無。

虛以傳虛,
信難可信。

人思舊澤,而不忘,
我獨飛靈,而默運。

石豈能言之物,轉也何曾,
檜傳左紐之文,是誰謬引。

遂使千秋韻事,遺跡難憑,
識看一片閒雲,仙跡不泯。

諸君讀書,宜細心剖析,勿可人云亦云。
今我與諸君有緣,特附乩筆降壇,作此夜澤仙家賦以破千古之惑。
可懸于正中殿外。

Phiên âm

Thành Thái Ất Tị niên, Chử tiên giáng bút tự đề:
Hà sơn quá nhãn kỷ thiên niên,
Nhất khúc cao ca tán cửu thiên.
Giang chử nguyệt minh vân ảnh đạm,
Trạch lâm thuỷ trướng lũng sa viên.
Mạn truyền cung lạp tiên gia sự,
Thuỳ thức lâu đài đế tử duyên.
Đáo để nhất trần hoàn bất nhiễm,
Kim ngao giá hải ngụ vân yên.

Dạ trạch tiên gia phú:
Ngọc khuyết thiên cao,
Kim đài địa tịch.

Vân vạn trượng dĩ đằng phi,
Thuỷ thiên trùng nhi ngưng bích.

Biển chu phiếm phiếm, thuỳ tòng phảng bồng lai tiên cảnh chi hư vô,
Dạ Trạch mang mang, ngã độc sáng đế tử nhân duyên chi thuộc tịch.

Tương truyền giang thượng, ngộ hoàng nữ dĩ thành thân,
Thuỳ thức tiên ban, bản châu cung chi mạc nghịch[1].

Hùng Vương chi thế, thập cửu tương thừa[2],
Đế viết hữu bang, bỉ xu giả tử[3].

Nãi tòng tinh nhi hiển diệu, hoàn giá vũ lai Xích Đằng[4] thắng địa chi gian,
Nhân phạt mộc dĩ tài lâu, biệt hướng phong vấn Bạch Xã[5] viên cơ chi chỉ.

Thị xứ tiên gia kê khuyển, hà sự phi thăng,
Ngẫu nhiên đại trạch long xà[6], tương tranh hộ tí.

Hạnh tài thiên thụ, dược nhị biến hồ phương dân,
Đào tặng vạn gia, ngâm vịnh truyền ư lư lý.

Thời tắc:
Nguyệt minh dạ tĩnh,
Giang khoát thiên không.

Hoặc thừa chu nhi thuỳ điếu,
Hoặc ỷ trượng dĩ nghinh phong.

Huề thủ cao đài, lộng ngọc tiêu nhi phụng giáng,
Thí châm dật các, liên kim tự nhi uyên đồng.

Trần ai phong cảnh thương mang, nan dung cửu trú,
Nhật nguyệt hồ thiên ẩn ước, mỗi động cao tung.

Nãi từ đế khuyết, thướng biểu trần tình.
Toàn hướng thần sơn, phỏng dư cựu lữ[7].

Xích Tùng[8] thị vũ sư du hí, Thần Nông[9] chi thế phi dao,
Thương Hiệt[10] sinh văn tự khế thư, Bàn Cổ[11] chi phong khả tự.

Hồi đầu giang chử[12], tam thập niên[13] chi thác tích chuyển không,
Khấu thủ thiên môn, cửu vạn lý chi cao ca hữu tự.

Lâu đài diệc huyễn,
Phần tử không lưu.

Giang ba tịch tịch,
Vân ảnh du du.

Duyệt cổ kim chi trần tích,
Cảm hoà thử ư giao khâu.

Lai Công chi trúc[14] thành lâm, đức năng triệu dị,
Phan Lệnh chi đào kết thực, ngã diệc hà cầu.

Nhiên nhi Thiệu Bá[15] cam đường bất phạt, tổng nhân tâm chi tư mộ,
Sở dĩ Dương Công nghiễn thủ hưng ngôn, thị lai giả chi trù mâu.

Viết đình, viết các,
Thành ấp, thành đô.

Tiên tung phí diểu,
Vãng sự hoang vu.

Củng lạp lâm gian, Tề đông dã chi vọng ngôn khả tiếu,
Mạc duy giang thượng, Triệu bắc phương chi giai thoại hoàn vô.[16]

Hư dĩ truyền hư,
Tín nan khả tín.

Nhân tư cựu trạch nhi bất vong,
Ngã độc phi linh[17] nhi mặc vận.

Thạch khởi năng ngôn chi vật, chuyển dã hà tằng,
Cối truyền tả nữu chi văn, thị thuỳ mậu dẫn.

Toại sử thiên thu vận sự, di tích nan bằng,
Thức khán nhất phiến nhàn vân, tiên tung bất mẫn.

Chư quân độc thư, nghi tế tâm phẫu tích, vật khả nhân vân diệc vân.
Kim ngã dữ chư quân hữu duyên, đặc phụ kê bút giáng đàn, tác thử “Dạ Trạch tiên gia phú”, dĩ phá thiên cổ chi hoặc.
Khả huyền vu chính trung điện ngoại.

Dịch nghĩa

Năm Ất Tị đời vua Thành Thái, Chử tiên giáng bút tự đề:
Sông núi này, mắt ta ngắm nhìn đã mấy nghìn năm,
Một khúc ca cao vút, lan rộng tới chín tầng trời.
Trăng sáng chiếu qua mây, bóng nhạt nhoà bên bến sông,
Sóng nước vỗ đập vào bãi cát vùng đất Dạ Trạch.
Câu chuyện thần tiên về chiếc gậy trúc, nón gồi chẳng qua là ngoa truyền,
Ai hay được chuyện tình duyên của con gái vua chốn đền đài?
Dù cho sống nơi trần gian, nhưng cuối cùng chẳng nhiễm bụi trần,
Mọi chuyện rồi cũng theo rùa vàng ra biển hay gửi trong đám mây trôi.

Phú về nhà tiên đầm Dạ Trạch:
Ngọc khuyết thiên cao,
Kim đài rộng mở.

Mây muôn trượng bay cao,
Nước ngàn trùng xanh biếc.

Thuyền một lá lênh đênh, ai hỏi chốn Bồng Lai cảnh tiên hư ảo?
Dạ Trạch đầm nước mênh mang, ta riêng tạo chốn nhân duyên đế tử.

Tương truyền: May gặp hoàng nữ trên sông, rồi bỗng nên duyên phận;
Biết chăng: Vốn nòi tiên sánh cùng cung ngọc, chẳng có gì sai.

Hùng Vương dựng nghiệp, mười chín đời truyền;
Đế thất lưu truyền, nước có mỹ nữ.

Theo sao mờ hiển hiện, chớp nhoáng như xe bay, mây lướt mưa sa ở đất Xích Đằng thắng địa;
Rồi nhân thế phạt mộc dựng lầu cao, gây riêng một chốn, thử hỏi nào đâu Bạch Xã nền xưa.

Đây xứ: Tiên cung chó gà kêu việc xẩy đột nhiên;
Bỗng nhiên: Đầm lớn rồng rắn quấn quýt sao mà lạ.

Trồng hạnh nghìn cây, thuốc hay giúp khắp thôn dân;
Gây đào vạn cửa, lời ca vang cùng làng xóm.

Những khi:
Trăng sáng, đêm thanh,
Trời cao sông rộng.

Lúc cưỡi thuyền buông câu;
Lúc tựa song đón gió.

Dan tay gác tía, thổi sáo ngọc mà chim phượng đến;
Cài trâm bên cửa biếc, gắn chữ vàng mà uyên ương theo.

Trần ai phong cảnh mênh mang, ở lâu sao đặng;
Nhật nguyệt giữa trời lấp lánh, thấy động dấu tiên.

Bèn từ cung khuyết, dâng biểu trần tình;
Lại đến thần sơn, tìm hỏi bạn cũ.

Cùng Xích Tùng tiên du hí, đời Thần Nông ngày ấy chẳng xa;
Chữ Thương Hiệt thư khế rành rành, phong tục Bàn Cổ đã có đầu mối.

Bốn mặt nước bến sông, ba mươi năm thác tích, thành không;
Hai tay chắp cửu trùng, ngàn muôn dặm ngợi ca từ đó.

Lâu đài nào thấy;
Gậy cũ còn đâu!

Sóng nước mịt mờ;
Mây mù thăm thẳm.

Xem nào cổ kim dấu tích;
Nhớ tới ngoài nội lúa ngô.

Trúc Lai Công nay đã thành rừng, đức thường gây dựng;
Đào Phan Lệnh vốn đà kết trái, ta cũng chẳng cầu.

Thế mà: Như Thiệu Bá không phạt cam đường, cũng là do lòng người tư mộ;
Sở dĩ: Dương Công miệt mài bên nghiên mực, chỉ mong cho hậu thế đẹp tươi.

Nào đền, nào gác;
Nên xóm, nên thành.

Gót tiên lãng đãng;
Sự cũ hoang vu.

Khá cười chuyện cũ hoang đường, gậy trúc nón gồi, đồn khắp hang cùng ngõ hẻm;
Lại hay giai thoại vu vơ, màn gấm bên sông, lan xa ngoài cõi bắc phương.

Đồn lại thêm đồn;
Tin không khó biết.

Đầm xưa, người nhớ mãi chẳng quên;
Ta vẫn riêng cưỡi mây phù vận.

Đá có nói gì đâu mà vật chuyển dời, sao thế?
Sao truyền cội gốc chuyện xa xưa ngoa vậy, vì ai?

Khiến cho nghìn thu chuyện đẹp, tích cũ khó tìm bằng cứ?
Hãy nhìn một áng mây trôi, dấu tiên như còn tỏ.

Các người đọc sách, phải để tâm xem kỹ, chớ thấy người xưa nói sao mình cũng nói vậy.
Nay ta với các người có duyên, nên đặc cách giáng bút, làm bài “Phú nhà tiên Dạ Trạch” này, để giải toả những điều mê hoặc từ ngàn xưa.
Nên treo ở ngoài chính giữa điện.

Bản dịch của Trương Đăng Xung, Đỗ Quang Liên

Cửa ngọc trời cao,
Lầu vàng đất mở.

Nước biếc ngàn trùng,
Mây bay vạn ngả.

Lênh đênh thuyền nhỏ, ai biết nơi bồng lai tiên cảnh là đâu,
Mờ mịt đầm khuya, ta chắp mối Hoàng nữ lương duyên kỳ ngộ.

Chốn tiên cung, đã có an bài,
Nơi bến nước, nên duyên chồng vợ.

Nối đời mười chín, thời đại Hùng Vương,
Gái cũng như trai, kế thừa nghiệp cả.

Từ tiên sao hiển phép, theo cơn mưa, dừng chân nơi khí vượng Xích Đằng,
Rồi chặt gỗ dựng lầu, cưỡi làn gió, hạ giáng chốn đất lành Bạch Mã.

Nhà tiên nơi ấy, chó gà chạy nhảy tưng bừng,
Đầm lớn ngẫu nhiên, rồng rắn thi nhau hộ vệ.

Trồng nghìn cây hạnh, thuốc hay chữa khắp miền dân,
Cho vạn gốc đào, ngâm vịnh lan truyền khắp xã.

Đúng lúc:
Trăng thanh đêm vắng,
Sông rộng trời trong.

Hoặc bơi thuyền câu cá,
Hoặc chống gậy nghênh phong.

Dắt tay lên lầu cao, thổi tiêu ngọc gọi chim phượng đến,
Thử kim trên gác vắng, thêu chữ vàng rõ dáng uyên bay.

Nơi trần ai cảnh vật mênh mang, khó bề ở mãi,
Vừng nhật nguyệt rọi soi mờ tỏ, nhớ nghĩa cao dầy.

Dã từ cửa khuyết, dâng sớ tâu bày.
Xin trở lại cõi tiên, để hội cùng bạn cũ.

Kìa Thương Hiệt giỏi bề văn tự, Bàn Cổ chưa xa,
Nọ Xích Tùng biết phép làm mưa, Thần Nông còn nhớ.

Nhìn lên tiên giới, tiếng cầm ca chín vạn dặm đang lừng,
Quay xuống bãi sông, dấu lưu lại ba mươi năm không rõ.

Lâu đài mờ ảo,
Làng xóm hư không.

Sóng sông dào dạt,
Mây núi mênh mông.

Cổ kim chuyện cũ,
Ngô lúa đầy đông.

Trúc Lai công lại mọc thành rừng, đức sinh điềm lạ,
Đào Phan lệnh đâm hoa kết quả, ta cũng thoả lòng.

Cây cam đường Thiệu Bá còn kia, tình dân lưu luyến,
Núi Nghiễn thủ Dương công qua đó, lòng khách vấn vương.

Này sân, này gác,
Thành ấp, thành đô.

Gót tiên phiêu lãng,
Chuyện cũ mơ hồ.

Quây màn tắm bãi, Triệu bắc phương bịa đặt mơ hồ,
Úp nón gậy tre, Tề đông dã truyền tin vô bổ.

Sai đúng chưa tin,
Thực hư khôn biết.

Thân ta thăng hoá về trời,
Mọi người nhớ đầm da diết.

Hòn đá không thể nói nên lời,
Cỏ cây chuyển thành văn chưa hết.

Tích cũ còn ghi trong sách khó tin,
Gót tiên như áng mây trôi bất diệt.

Các ngươi đọc sách phải phân tích kỹ càng, chớ thấy người xưa nói sao tin vậy.
Ta với các người vốn có duyên, nên đã giáng bút làm bài phú “Nhà tiên Dạ trạch” này để giải toả những điều mê hoặc từ ngàn xưa còn lại.
Bảng này nên treo ở chính giữa điện ngoài.
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử, sinh ra và lớn lên trong một gia đình chài lưới nghèo khổ, sau gặp và lấy công chúa Tiên Dung. Vì là tiên, nên Chử Đồng Tử đã về trời lúc 30 tuổi cùng với vợ. Nơi hoá thân tạo thành vùng đầm lầy, nay mang tên Dạ Trạch.

Bài Dạ Trạch Tiên gia phú vốn khắc tại đền Đa Hoà, thuộc tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Đa Hoà, xã Bình Minh, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Đền Đa Hoà là ngôi đền chính thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Năm Ất Tị (1905) đời vua Thành Thái, một đàn cầu tiên được tổ chức tại đền Đa Hoà. Những người hầu dưới đàn có Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Cảnh, Lê Chuyên. Bài phú này được coi là bài giáng bút của Chử Đạo tổ (tức Chử Đồng Tử). Chu Mạnh Trinh, người xã Phú Thị, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), từng giữ chức Quang lộc Tự khanh, kính chép và khắc bài phú này ở đền Đa Hoà. Bài phú này về hình thức và nội dung đều có vẻ tải hoa như bài Thanh Tâm tài nhân phú do Chu Mạnh Trinh làm trong hội Tao đàn tỉnh Hưng Yên cùng năm 1905, nên nhiều khả năng cũng do chính Chu Mạnh Trinh sáng tác.

Năm Quý Sửu (1913) đời vua Duy Tân, các cụ phụ lão làng Quan Xuyên (xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã khắc lại bài phú này từ đền Đa Hoà đưa về treo tại đình làng này. Tháng giêng năm Đinh Mão (1927), một người trong làng Bình Phú (huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên) là Hàn lâm viện thị độc, sao lại, cung tiến đình làng này.

Lạc khoản bản chép ở làng Quan Xuyên: “Duy Tân Quý Sửu xuân; Cung lục Đa Hoà từ; Kê văn; Phụng thuyên bái tiến” 維新癸丑春;恭錄多禾祠;乩文;奉鐫拜進 (Xuân năm Quý Sửu [1913] đời vua Duy Tân; Kính cẩn chép từ đền Đa Hoà; Văn giáng bút; Kính sao, bái tiến).

Lạc khoản bản chép ở làng Bình Phú: “Chử tiên tự ký; Long phi Đinh Mão mạnh xuân; Ấp tử Hàn lâm viện thị độc phụng sao cung tiến” 渚僊自記;龍飛丁卯孟春;邑子翰林院侍讀奉抄恭進 (Đức thánh Chử tự ghi; Long phi, tháng giêng năm Đinh Mão [1927]; Người của làng làm trong Hàn lâm viện đọc hầu, kính cẩn dâng bản sao chép).

Bản ở đây được căn cứ theo hai bản sao ở các làng Quan Xuyên và Bình Phú. Bản ở làng Quan Xuyên do Nguyễn Minh Tường, Trương Đức Quả sưu tầm, phiên âm, dịch nghĩa và đăng trên Tạp chí Hán Nôm số tháng 6 năm 2005. Bản ở làng Bình Phú được Trương Đăng Xung, Đỗ Quang Liên sưu tầm, phiên âm và dịch, Trần Thế Hào chế bản chữ Hán.

[1] Nguyên chú (dịch): Ta cùng Chính phi Tiên Dung đều là tiên giáng thế, không cần Hoàng đế cho phép, vẫn kết hôn.
[2] Nguyên chú (dịch): Ta giáng sinh vào giờ Sửu (1-3 giờ sáng) năm Bính Ngọ, đời Hùng Vương thứ 19.
[3] Nguyên chú (dịch): Đẹp sao người con gái kia. Câu này dẫn trong Kinh thi, bài Đại minh.
[4] Tên xã thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên), có đền thờ Phạm Bạch Hổ và Đinh Điền.
[5] Địa danh thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Theo Tấn thư - Đổng Kinh truyện, Bạch Xã là nơi Đổng Kinh đã từng trú ngụ. Theo Thuỷ kinh chú, Bạch Xã là tên làng cũ ở phía bắc của sông Dương Cừ chảy qua tỉnh Hà Nam.
[6] Nguyên chú (dịch): Ta có phép thần có thể biến thành rồng rắn giáng thế.
[7] Chỉ Lã Động Tân, một trong Bát tiên của Đạo giáo thần tiên Trung Quốc.
[8] Tức Xích Tùng Tử, một trong Bát tiên của Đạo giáo thần tiên Trung Quốc.
[9] Một trong Ngũ Đế thời cổ, đã có công dạy dân biết trồng trọt và chữa bệnh.
[10] Người Trung Quốc thời cổ, có công sáng tạo chữ Hán.
[11] Nhân vật thần thoại Trung Quốc, thuỷ tổ của muôn loài.
[12] Đoạn sông Hồng chảy qua bãi Chử Xá, quê Chử Đồng Tử và nơi gặp Tiên Dung công chúa.
[13] Nguyên chú (dịch): Ta ngồi hoá giờ Dậu (7-8 giờ tối), ngày 20 tháng 9 năm Giáp Tuất đời Hùng Vương thứ 20. Ta sống tại cõi trần 30 năm, lại trở về cõi tiên, vì thế cổ nhân bảo ta có thuốc trường sinh.
[14] Lai Công trúc là loại trúc ở Kinh Châu, mang tên người họ Lai. Truyện Khấu Chuẩn trong Tống sử chép: Khấu Chuẩn bị biếm đến Lôi Châu, chết ở đó. Người nhà đem ông về táng ở Tây Kinh. Đường đi qua huyện Công An, phía nam Kinh Châu, nhân dân thương ông đều đặt bàn thờ, khóc lóc tế ông bên đường. Họ còn bẻ trúc trồng hai bên đường. Sau này trúc khô đi nhưng sinh ra măng. Do đó ở Kinh Châu có loại trúc Lai Công.
[15] Tên thật là Thiệu Công Thích, con thứ của Chu Văn Vương. Ông cùng với Chu Công Đán là hai bề tôi có công lao cai trị đất nước thời Chu Vũ Vương và Chu Thành Vương. Thiệu Công Thích vốn họ Cơ, nhưng vì được chia thái ấp ở đất Thiệu nên xưng là Thiệu Bá. Thiệu Bá xử kiện công minh cho dân, người đời sau thường trồng cây cam đường để ghi nhớ. Kinh thi có câu: “Tế phế cam đường” (Rườm rà cây cam đường).
[16] Nguyên chú (dịch): Sử nước ngoài có nói chuyện gậy trúc, nón gồi, có lý nào như vậy! Thế mà con Hoàng đế giáng vân. Đến việc vây màn bên sông, đều do bọn dốt nát bịa ra, không thể tin cậy được! Muốn hiểu thấu phải tự mình lý giải mà thôi!
[17] Nguyên chú (dịch): Nói là phi linh, tức giáng linh, đây dùng lời của bậc đại nhân.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Chu Mạnh Trinh » Dạ Trạch tiên gia phú