30/03/2024 02:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài
登金陵鳳凰臺

Tác giả: Lý Bạch - 李白

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 01/06/2004 21:23

 

Nguyên tác

鳳凰臺上鳳凰遊,
鳳去臺空江自流。
吳宮花草埋幽徑,
晉代衣冠成古丘。
三山半落青天外,
二水中分白鷺洲。
總為浮雲能蔽日,
長安不見使人愁。

Phiên âm

Phụng Hoàng đài[1] thượng phụng hoàng du,
Phụng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung[2] hoa thảo mai u kính,
Tấn đại y quan thành cổ khâu.
Tam Sơn[3] bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thuỷ[4] trung phân Bạch Lộ[5] châu.
Tổng vị phù vân năng tế nhật,
Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Trên đài Phụng Hoàng đã từng có phụng hoàng qua lại
Từ khi phượng bay mất chỉ còn trơ đài, và nước sông tự chảy
Bên mé Ngô cung, hoa thảo mọc che lối đi âm u
Quan lại quý hiển thời Đông Tấn giờ chỉ là gò hoang
Ba ngọn núi nhô lên nối liền với trời xanh xa tít
Đảo Bạch Lộ chia đôi hai nhánh sông Tần Hoài
Chỉ bởi tại mây trôi làm che mất đi mặt trời
Không nhìn thấy Trường An làm người ta cảm thấy u sầu

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,
Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi!
Cung Ngô hoa cỏ che đường lối,
Đời Tấn cân đai hoá núi đồi.
Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa,
Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi.
Chỉ vì mây nổi che vầng nhật,
Chẳng thấy Trường An não dạ người.
(Năm 761)

[1] Tên đài, nay ở trong thành Nam Kinh, phía nam huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. Sách Giang Nam thống chí chép, đời Tống Văn Đế (niên hiệu Nguyên Gia thứ 16, nhà Nam triều) có con chim ngũ sắc đến đậu ở trên núi Kim Lăng mấy ngày không bay, hễ chim ngũ sắc xoè cánh cất tiếng kêu thì trăm loài chim khác lại theo điệu mà múa, vì thế người ta gọi là chim phụng hoàng, vua Văn Đế cho là điềm lành mới đặt tên núi ấy là núi Phụng Hoàng và dựng đài Phụng Hoàng ở trên núi để kỷ niệm. Lý Bạch một lần lên Hoàng Hạc lâu, muốn đề thơ, thấy Thôi Hiệu vịnh trước bài Hoàng Hạc lâu, khen là tuyệt, liệng bút không đề nữa. Sau tới đài Phượng Hoàng, ông viết bài này có ý muốn ganh với Thôi Hiệu. Ta phải nhận rằng bài đó kém bài của Thôi Hiệu, song như vậy không phải là Lý Bạch kém tài Thôi Hiệu.
[2] Tôn Quyền thời Kiến Đô xây cung điện ở đây.
[3] Tên dãy núi ở phía nam thành Nam Kinh.
[4] Hai sông Tần và sông Hoài, phát nguyên trong dãy núi Tây Sơn, đầm Cú Dung, đến Kiến Khang chia làm hai chi nhánh, một vào thành, một quanh thành.
[5] Tên một cái bãi trên sông Trường Giang, nay ở trong thành Nam Kinh.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Bạch » Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài