27/04/2024 10:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vương Tường bái yết Hán Vương

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 17/06/2007 19:28

 

Từ nan khôn chối lệnh quân vương,
Rõi rõi thêm đau nỗi đoạn trường.
Khúm núm khấu đầu ngoài bệ ngọc,
Thẹn thùng ra mặt trước nhà vàng.
Mặt hoa rười rượi chiều đeo tuyết,
Mày liễu rầu rầu dáng ủ sương.
Hang thẳm phen này xuân nỡ phụ[1],
Lòng quỳ[2] khôn xiết[3] ngóng về dương.
Đây là bài thơ tác giả mượn tiếng Vương Tường hoạ bài Vua dụ Vương Tường gả cho chúa Thiền Vu. Câu thơ đầu nói rằng (Vương Tường) khó từ nan lệnh của nhà vua. Trong xã hội Nho Giáo “Quân khiến thần tử, thần bất tử bất trung”. Vua bảo chết còn phải chết vì sợ mang tiếng bất trung thì sá chi việc qua Hung Nô làm hoàng hậu. Nói xa hơn, dù Huyền Trân Công Chúa có yêu Trần Khắc Chung đến mấy đi nữa, vua Trần đã gả cho vua Chiêm thì Công Chúa Huyền Trân phải vâng mệnh về Chiêm Quốc. Tuy nhiên, ra đi mà mỗi bước đi, mỗi tỏ rõ nỗi đoạn trường khi về làm vợ người khác nơi xứ người. Trước bệ ngọc vua Hán thì (Vương Tường) khấu đầu vâng mệnh; về nơi xứ người (nhà vàng) thì lòng những thẹn thùng. Mặt hoa là mặt người đẹp (“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa” - Tỳ bà hành, Bạch Cư Dị), mặt Vương Tường tuy đẹp nhưng buồn rười rượi như chiều có tuyết rơi. Mày Vương Tường như liễu. Lý Bạch tả sắc đẹp Dương Quý Phi có câu: “Phù dung như diện liễu như mi” (Mặt như hoa phù dung, mày như liễu).

[1] Nơi xa xôi, mùa xuân phụ, xuân không tới.
[2] Lòng như hoa quỳ, tức hoa hướng dương. Hoa hướng dương tượng trưng cho vua hay người chồng. Thơ Việt Nam có câu: “Lòng em như hoa hướng dương, Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.” Hoa hướng dương khi nở, buổi sáng hướng về đông, buổi chiều hướng về tây, luôn luôn hướng theo mặt trời cho tới khi hoa tàn. Trong Chinh phụ ngâm, khi nói tới tấm lòng người vợ với chồng, Đoàn Thị Điểm cũng có mấy câu cùng ý như thế: “Lòng chàng ví cũng bằng như thế, Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa. Hướng dương lòng thiếp như hoa, Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.”
[3] Trong Việt Nam thi văn hợp tuyển (Dương Quảng Hàm) phiên âm là “biết”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Vương Tường bái yết Hán Vương