20/04/2024 07:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Danh sơn lương ngọc phú

Tác giả: Trần Quý Cáp - 陳季恰

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/08/2020 03:56

 

Phiên âm

Ô hô!
Quân bất kiến ngô đồng bào chi Á Tế Á châu:
Anh hùng độc lập;
Chí sĩ đồng cừu.
Dĩ thời cuộc biến;
Dĩ nhân loại ưu.
Xiêm tự cường ư Nam Khiếu;
Hàn tự lập ư Đông Châu.
Nam Hải tiên sinh, cổ phong trào ư Trung Quốc;
Cao sơn liệt sĩ, trường thống khấp ư Nhật du.
Nhân giai trí sĩ;
Ngã độc vong tu.
Khởi yến đường chi khả lạc;
Tương lộc mộng hề yên cầu?

Tự ngã Việt chi lập quốc;
Xử Đông Á chi nhất phương.
Hạ từ Trần, Lê;
Thượng tố Hồng Bàng.
Nhân tâm thuần phác;
Sĩ khí quật cường.
Trục Tô Định ư Lĩnh Biểu;
Cầm Mã Nhi ư Phú Lương.
Ky chí nhi Chiêm Thành thất hiểm;
Qua huy nhi Chân Lạp phân cương.
Tráng tai ngô quốc!
Khởi nhượng nhân trường.
Tự nhất thời chi thất sách,
Thực vạn cổ chi di ương!

Tục thượng văn chương;
Sĩ xu khoa mục.
Tiểu cổ bát cổ, chung nhật ngu ngu;
Ngũ ngôn thất ngôn, cùng niên trục trục.
Văn sách ngưỡng trường quan chi tí tức, khả thị khả phi;
Từ phú thập Bắc nhân chi khoá dư, phi tứ phi lục.
Nhiễu nhiễu lợi danh chi bối, Tề thị quốc kim;
Thao thao hào kiệt chi đồ, Sở đình hiến ngọc.
Cái bất duy phì vinh gia sủng lợi lộc giả vi dương đồ chi trục trục;
Nhi thả khu sổ thập vạn hồng tử chi thân khâm;
Quần nhi nạp chi sổ thiên trùng hắc ám chi địa ngục.

Dĩ nhược sở vi;
Cầu nhược sở dục.
Binh hà dĩ cường?
Tài hà dĩ túc?
Trí lự hà dĩ khai?
Nhân tài hà dĩ dục?

Tà hồ! Thống tai!
Lưu thiên dĩ hữu kim nhật chi sỉ nhục;
Thuỷ khải chi cao nhi lưu chi độc giả?
Sự thế chí tư;
Nhân tình uất uất.
Công ích công sưu;
Kim nhật minh nhật.
Ta bì cốt chi không tồn;
Xách cao chi nhi dĩ tất.
Dân ký thuận thanh;
Quan diệc khuất tất.
Chiêu tích chi quan;
Mộ đoạt kỳ dốc.
Ngã tắc phụng chi như thần;
Bỉ tắc thị chi như vật.
Hối thâm tề phệ, ta biến kế chi dĩ trì;
Thế nhược mi nhiên, khởi du an nhi khả tất.

Vị nghi thống tâm tật mục;
Tuẫn nghĩa quyên sinh.
Hạ nhi sĩ tử;
Thượng nhi công khanh.
Đầu bút nhi khởi;
Quải quan nhi hành.
Quan trừ ô mị;
Sĩ khứ phù danh.
Tàn siển khả điện, tượng phá phủ trầm châu chi hữu nhật;
Dư sinh hà lạc, tuy đồ can toái não nhi du vinh.

Nại chi hà!
Ưu du tốt tuế;
Thống dạng bất quan.
Mai đầu ư thốc bút tàn đăng chi hạ;
Thác thân ư tuý sinh mộng tử chi gian.
Yêm yêm như nữ tử phụ nhân, thụ nhân thoá mạ;
Lục lục như lam môn tẩu tốt, hậu ngã dung nhan.

Ta ta!
Ký hữu huyết khí;
Hà vô tâm can.
Tâm phụ thiên địa sỉ giả không lập nhân hoàn.
Nhiệt tâm thế cuộc;
Cảo mục thời gian.
Vụ tân thế nhi hữu cảm;
Kinh biến cuộc chi như hoàng.
Sở thuỷ thương mang, không sái Trường Sa chi lệ;
Thu phong phiêu lạc, cửu huyền Thần Vũ chi quan.
Vọng An tử vu Thần sơn, phiếm chẩm khả độ;
Tống Kinh khanh ư Dịch thuỷ, nhất khứ bất hoàn.
Trường ca đương khốc;
Bút hạ tầm tầm.
Hựu hà tất “Chí thành thông thánh”, “Lương ngọc danh sơn” giá tai?

Bản dịch của Cử Tạ

Than ôi!
Người chẳng thấy! Hiện thời châu Á Tế Á ta:
Anh hùng mưu sự độc lập;
Chí sĩ toan việc báo cừu.
Thương vì cuộc biến;
Lo vì nhân loại.
Kìa phía Nam, nước Xiêm tự cường;
Nọ cõi Đông, nước Hàn tự chủ.
Nam Hải tiên sinh, cổ võ phong trào bên Trung Quốc;
Cao Sơn liệt sĩ, khóc than kêu gọi đất Phù Tang.
Xấu kia, người đều biết cả;
Hổ này, ta lẽ quên sao?...
Vui gì yến tiệc linh đình;
Tốt chi danh vọng luồn cúi!

Nước Việt ta từ thời lập quốc;
Ở một phương trời cõi Á Đông.
Từ Trần, Lê trở lên;
Tự Hồng Bàng trở xuống.
Nhân tâm thuần phác;
Sĩ khí quật cường.
Thành Lĩnh Biểu đuổi quân Tô Định;
Sông Phú Lương bắt tướng Mã Nhi.
Vỏ ngựa ruổi, Chiêm Thành lùi bước;
Ngọn gió đưa, Chân Lạp chia bờ.
Mạnh thay dòng giống nước ta;
Đâu có thua gì kẻ khác.
Tiếc chỉ sai lầm một lúc;
Mà gây hoạ để muôn đời.

Tục còn ưa thích văn chương;
Sĩ vẫn say mê khoa mục.
Ngày đêm điển tích miệt mài;
Năm tháng phú thơ cặm cụi.
Sách văn hay dở, cúi đầu theo miệng trường quan;
Lời lẽ nên chăng, nhắm mắt học thừa Trung Quốc.
Ồn ào tranh miếng lợi danh, toàn đồ kẻ cắp;
Bô bô lên giọng hào kiệt, cả lũ lưng khom.
Rõ ràng bọn túi cơm giá áo, lăn mình vào đợi chủ Tây sai;
Thật đúng phường mặt ngựa đầu trâu, đành dạ để xô hầm con đỏ.

Hành vi thế ấy!
Tâm địa nhường kia.
Binh làm sao mạnh?
Của làm sao giàu?
Tri tuệ sao mở mang?
Nhân tài sao dưỡng dục?

Than ôi! Đau đớn lẽ!
Nghĩ nhục tầy trời nay còn đó;
Nên có lời tỏ rõ cho hay.
Sự thế nhường nay;
Lòng người căm giận.
Ngày này ngày khác;
Thuế nọ thuế kia.
Xương thịt đẽo chẳng còn gì;
Máu mỡ hút còn chi nữa.
Nhân dân ngậm đắng nuốt hờn;
Quan lại co đầu rụt cổ.
Mũ kia buổi sớm ban cho;
Hốt nọ chiều hôm giựt lại.
Người mình xem trọng như thần;
Lũ nó coi khinh hơn vật.
Hối đã muộn rồi, mẹo cắn rún nghĩ làm sao kịp;
Thế đà như vậy, lửa cháy mày biết gỡ được chăng!

Cho nên phải đau lòng xót ruột;
Phải vẽ vời theo nghĩa quyên sinh.
Dưới hàng sĩ tử;
Trên đám công khanh.
Ném bút đứng dậy!
Liệng mũ vùng lên.
Chứng tham tàn, quan lại bỏ đi thôi!
Bệnh phù danh, sĩ dân đừng mắc nữa.
Hơi tàn gắng dậy, để chờ ngày cứu nước vớt dân;
Sống nhục vui chi, chẳng thà để phơi gan nát óc.

Há đầu để:
Tháng năm vui thú;
Nhục nhã quên đi.
Bút cùn một ngọn, vùi đầu chi mãi dưới đèn tàn;
Cuộc thế trăm năm, để thành kẻ say sống mê chết.

Than ôi!
Huyết khí đã có;
Gan ruột sao không.
Thẹn cùng trời đất;
Hổ với non sông.

Tôi nay:
Nóng lòng vì thế sự;
Mỏi mắt bởi thời gian.
Nghĩ non nước lòng đau tựa cắt;
Nhìn biến cuộc dạ rối như tương.
Khôn ngăn giọt lệ Trường Sa, lênh lang biển Sở;
Treo rồi dải mũ Thần Vũ, hiu hắt gió thu.
Mắt trông An Tử ở Thần sơn, mảnh buồm qua bến;
Lễ tiễn Kinh Kha trên Dịch thuỷ, một đi chẳng về.
Tiếng ca dài đương khi nức nở;
Ngọn bút hoà lệ nhỏ tran tran.
“Chí thành thông thánh” chẳng màng;
“Danh sơn lương ngọc” miễn bàn là hơn...
Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đến Bình Định khi trên đường vào Nam để hoạt động cách mạng. Ở đó đang diễn ra một kỳ thi khảo hạch do quan tỉnh tổ chức với đề thi Chí thành thông thánh, đề phú Danh sơn lương ngọc lấy vận “Cầm hương ngọc tất sinh sơn”. Ba ông làm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc để nộp quyển dự thi với mục đích lợi dụng cuộc khảo hạch để đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh đám sĩ phu mê muội chỉ lo miệt mài trong giấc mộng từ chương, không biết gì đến cái nhục mất nước phải đem thân làm nô lệ cho người. Hai bài đều ký chung tên là Đào Mộng Giác. Bài thi và bài phú gây chấn động trong giới nho sinh và không bao lâu khắp tỉnh Bình Định đều biết chuyện. Quan tỉnh cho do thám tìm tác giả nhưng tuyệt nhiên không ai biết ai, vì khi hai bài văn lọt vào kẻ cầm quyền thì ba ông đã rời khỏi Bình Định.

Bài thơ Chí thành thông thánh được Phan Châu Trinh sao lại đủ trong di cảo Trung Kỳ dân biến tụng oan thuỷ mạt ký thuộc TL.18 nhưng không nhận mình làm tác giả. Trong Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huỳnh Thúc Kháng lại bảo Phan Châu Trinh làm cả bài thơ và bài phú Danh sơn lương ngọc. Theo ý kiến thông thường thì Phan Châu Trinh là tác giả bài thơ nhưng vì bài thơ bị kết tội trong bản án Huỳnh Thúc Kháng nên ông không nhận. Trong di cảo chữ Hán của tác giả, bài thơ có mấy chữ khác với những bản đã lưu hành.

Theo lời kể của Quách Tấn trong Hương vườn cũ thì bài thơ là của Phan Chu Trinh, còn bài phú là do Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm. Sau khi rời Bình Định, ba nhà chí sĩ ghé nghỉ chân tại nhà người quen là ông ấm Nguyễn Tư Trực ở Nha Trang, có kể lại câu chuyện này với ông Trực và cũng dịp đó Huỳnh Thúc Kháng đã dịch Nôm cả hai bài. Ông Trực có chép lại hai bài dịch, nhưng đến năm 1908, Trần Quý Cáp bị án “Mạc tu hữu”, ông Trực bị liên luỵ nên gia đình đốt sách vở trong nhà gồm cả các bài này. Năm 1937, ông Trực với Quách Tấn cũng là chỗ quen biết đã kể lại câu chuyện này và đọc cho Quách Tấn bản dịch bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng mà ông còn ghi nhớ được.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Quý Cáp » Danh sơn lương ngọc phú