01/06/2023 10:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Diệp Đồng vào 02/03/2008 03:12

Phiên âm
Văn đạo Đào nguyên[1] cổ tỵ Tần
Sơn trung canh tác cựu tương thân
Bạch vân tuyền lạc thiên phong mộ
Hồng hạnh hoa khai nhất thụ xuân
Sự thiếu không giao đồng bộc lãn
Địa thiên bất nại tử tôn bần
Tiên hương thử khứ vô đa lộ
Nhàn đối yên hà vấn chủ nhânDịch nghĩa
Nghe nói người xưa lánh Tần vào Đào nguyên
Kẻ cày cuốc trong núi nay cũng là người thân cũ
Mây trắng tuôn như suối, ngàn ngọn núi ngả bóng chiều
Hạnh đỏ nở hoa, một cây đượm sắc xuân
Công việc ít khiến cho đầy tớ trở nên lười biếng
Ruộng đất xiên xẹo nhưng chẳng nề con cháu sẽ nghèo
Đường từ đó tới làng tiên không xa
Thong thả trước cảnh khói ráng hỏi ai là chủ nhânBản dịch của Cao Tự Thanh
Nghe nói Đào nguyên trước lánh Tần
Cày bừa trong núi cũng người thân
Mây tuôn suối trắng ngàn non xế
hạnh nở hoa hồng một cội xuân
Việc ít khiến nên tôi tớ biếng
Đất cằn đâu nệ cháu con bần
Làng tiên cách đó không xa mấy
Thong thả yên hà hỏi chủ nhân
Nguồn: Thơ Trần Thiện Chánh, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, NXB Khoa học xã hội, 1995
[1] Đào nguyên tức “Đào hoa nguyên” (suối hoa đào). Bài Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm đời Tấn viết về chuyện một ông chài lạc vào một dòng suối, thấy hoa đào trôi ra rất nhiều, bèn đi ngược lên nguồn vào trong hang núi, tới đầu nguồn thấy có làng xóm, hỏi thăm thì người ở đó nói rằng tổ tiên họ tránh chính sự hà khắc của nhà Tần, chạy vào đó sinh sống, tới đời họ đã mấy trăm năm rồi. Người sau nhân đó dùng chữ Đào nguyên để chỉ cảnh sống thanh bình hạnh phúc của người ẩn.