25/04/2024 12:33Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài 115

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Đường luật biến thể; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/04/2020 09:41

 

Thế tình xem khéo thờ ơ,
Kẻ mụ[1] núi Dương[2], kẻ thổi trà[3].
Cá dại chẳng hay phòng nước cạn,
Chim khôn chăng khẳng đỗ cành thừa.
Chàm pha ắt cũng chen màu lục,
Nước lọc làm chi có bụi nhơ?
Đã vậy làm người cho biết lẽ,
Có đâu đi dép ở nương dưa[4]?
Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635).

[1] Mệt mỏi hoặc cuống quít rồi mất sáng suốt.
[2] Điển Dương Thu thời Chiến Quốc đi đến núi Dương Kỳ (ở Giang Tây), thấy nhiều đường rẽ quá không biết đi đường nào nên mụ cả người.
[3] Người uống trà phải uống nóng, từ tốn.
[4] Bài Quân tử hạnh của Nguỵ Văn Đế: “Qua điền bất nạp lũ, Lý hạ bất chỉnh quan” (Qua ruộng dưa không nên đi dép [vì sợ nếu rơi dép thì phải cúi xuống nhặt, người ta nghi là ăn trộm dưa], Dứng dưới dàn mận không chỉnh mũ [cũng dễ bị nghi là ăn cắp mận]).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Bài 115