27/04/2024 00:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trung thu đối nguyệt hữu hoài khẩu chiếm nhất luật
中秋對月有懷口占一律

Tác giả: Tào Tuyết Cần - 曹雪芹

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 02/12/2020 21:35

 

Nguyên tác

未卜三生愿,
頻添一段愁。
悶來時斂額,
行去幾回頭。
自顧風前影,
誰堪月下儔。
蟾光如有意,
先上玉人樓。

Phiên âm

Vị bốc tam sinh[1] nguyện,
Tần thiêm nhất đoạn sầu[2].
Muộn lai thì liễm ngạch,
Hành khứ kỷ hồi đầu[3].
Tự cố phong tiền ảnh,
Thuỳ kham nguyệt hạ trù.
Thiềm quang[4] như hữu ý,
Tiên thượng ngọc nhân lâu.

Dịch nghĩa

Chưa biết chuyện hôn nhân có được như tâm nguyện không,
Nên thường có một mỗi ưu sầu khó hiểu bỗng dưng ập đến.
Lúc phiền muộn bất giác chau mày,
Nhớ lại lúc cất bước đi người ấy đã mấy lần quay đầu lại.
Tự nhìn lại tình cảnh của mình lúc này,
Ai dám chịu cùng mình sánh duyên chồng vợ.
Ánh trăng kia dường như có tình ý gì,
Mà cứ chiếu vào lầu người trong mộng của ta.

Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng

Ba sinh chưa thoả nguyện,
Tấc dạ những thêm sầu.
Buồn quá hay ủ mặt,
Đi qua thường ngoái đầu.
Trước gió riêng nhìn bóng,
Dưới trăng ai bạn bầu?
Chị Nguyệt hay chăng tá?
Mời lên chốn ngọc lâu.
Bài này nằm trong hồi 1 của Hồng lâu mộng.

Cạnh nhà Chân Sĩ Ẩn có ngôi miếu Hồ Lô, Giả Vũ Thôn là nho sinh nghèo ở trọ trong đó. Một hôm, hắn đến nhà Chân Sĩ Ẩn, đang lúc nhà có khách liền đợi ở thư phòng, tình cờ liếc thấy a hoàn Kiều Hạnh đang hái hoa ngoài vườn. Kiều Hạnh
thường ngày vẫn nghe chủ mình nhắc đến Giả Vũ Thôn, nên khi đã toan quay đi lại ngoái đầu nhìn lại, Giả Vũ Thôn tưởng cô ta có tình ý với mình, vui mừng khôn xiết, sau khi trở về, suốt ngày tơ tưởng. Nhân gặp đêm trung thu, ngắm trăng lại nhớ đền người, bèn ngâm bài thơ ngũ ngôn này bày tỏ nỗi lòng mình.

[1] Thuyết nhà Phật, chỉ quá khứ, hiện tại, tương lai. “Tam sinh nguyện” thường chỉ ước nguyện hôn nhân.
[2] Lấy ý trong bài Trường môn oán của Lý Bạch: “Nguyệt quang dục đáo Trường Môn điện, Biệt tác thâm cung nhất đoạn sầu” (Ánh trăng muốn đến điện Trường Môn, Làm riêng một mối ưu sầu ở chốn thâm cung).
[3] Giả Vũ Thôn nhớ lại cảnh a hoàn nhà Chân Sĩ Ẩn khi vào phòng mấy lần quay lại nhìn anh ta.
[4] Ánh trăng. Truyền thuyết cổ đại cho rằng trên mặt trăng có con cóc, do đó mà có tên này.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tào Tuyết Cần » Trung thu đối nguyệt hữu hoài khẩu chiếm nhất luật