27/04/2024 00:12Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hành dịch đăng gia sơn
行役簦家山

Tác giả: Phạm Sư Mạnh - 范師孟

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi 856828 vào 21/05/2008 02:49

 

Nguyên tác

行役簦家山,
僑首萬里天。
杜鵬南溟外,
賓日東岳前。
安阜天一握,
象頭仞九千。
層層紫宵雲,
會訪安期仙。
洶洶白藤濤,
想象吳王船。
憶昔重興帝,
刻轉坤斡乾。
海浦千艨艟,
陜門萬旌旃。
返掌奠鰲极,
挽河洗腥膻。
至今四海民,
長說擒胡年。

Phiên âm

Hành dịch đăng gia sơn,
Kiều thủ vạn lý[1] thiên.
Đỗ bằng nam minh ngoại,
Tân nhật đông nhạc tiền.
Yên Phụ[2] thiên[3] nhất ác,
Tượng Đầu[4] nhận[5] cửu thiên.
Tằng tằng Tử Tiêu[6] vân,
Hội phỏng An Kỳ[7] tiên.
Hung hung Bạch Đằng[8] đào,
Tưởng tượng Ngô Vương[9] thuyền.
Ức tích Trùng Hưng[10] Đế,
Khắc chuyển khôn oát kiền.
Hải phố thiên mông đồng,
Hiệp môn vạn tinh chiên.
Phản chưởng điện ngao cực,
Vãn Hà tẩy tinh chiên.
Chí kim tứ hải dân,
Trường thuyết cầm Hồ[11] niên.

Dịch nghĩa

Nhân đi việc quan, lên chơi núi quê nhà,
Ngẩng đầu nhìn trời cao muôn dặm.
Thấy chim bằng ngoài biển nam,
Đón mặt trời mọc trước dãy núi phía đông.
Núi Yên Phụ chỉ cách trời một nắm tay,
Núi Tượng Đầu cao chín nghìn mẫu.
Mây lớp lớp trên đỉnh Tử Tiêu,
Nhân dịp hỏi thăm tiên An Kỳ.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương.
Nhớ vua Trùng Hưng xưa,
Khoảng khắc làm chuyển đất xoay trời.
Hàng nghìn chiến thuyền ngoài cửa biển,
Muôn lá cờ lệnh trên cửa ải.
Trở bàn tay đặt cõi bờ vào thế yên ổn,
Kéo nước sông Ngân rửa sạch vết tanh hôi.
Đến nay nhân dân cả nước,
Nhắc mãi năm bắt giặc Hồ.

Bản dịch của Tuấn Nghi

Lên thăm núi Thạch Môn,
Ngẩng trông trời vút cao.
Biển nam chim bằng dậy,
Núi đông mặt trời chào.
Núi Yên Phụ chạm trời,
Tượng Đầu chất ngất cao.
Tử Tiêu mây trùng trùng,
An Kỳ ở chốn nao.
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn,
Ngô Quyền diệt Hoằng Thao.
Nhớ xưa Trùng Hưng đế,
Làm đất chuyển trời chao.
Cửa biển nghìn thuyền đậu,
Non ải vạn cờ đào.
Trở tay định bờ cõi,
Kéo sông rửa tanh hôi.
Nhân dân nay còn kể,
Chuyện thắng Hồ năm nào.
Lạc khoản: “Trần triều nhất bách tứ thập tứ tự cửu nguyệt ngũ nhật. Nhập nội hữu nạp ngôn Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh phụng chiếu giản duyệt ngũ lộ chi binh, đăng Thạch Môn Sơn tác. Dương Nham Phạm Sư Mạnh thư.” 陳朝一佰肆拾肆九月五日。入內右納言硤石范師孟奉詔揀閱五路之兵,登石門山作。陽岩范師孟書。 (Triều nhà Trần năm thứ 144, tháng 9, ngày 5, chức Nhập nội Hữu nạp ngôn là Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh vâng lệnh nhà vua đi tuyển duyệt binh lính năm lộ, lên núi Thạch Môn, làm bài thơ này. Dương Nham Phạm Sư Mạnh viết.)

Bài thơ này viết năm 1368, vốn không có đầu bài, hiện còn bản khắc đá trên vách hang núi Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Có lẽ dựa vào những hàng chữ lạc khoản, khắc dưới bài thơ, nên các bản Toàn Việt thi lục đều tự đặt thêm đầu bài. Thí dụ, Toàn Việt thi lục A.1262 ghi đầu đề bài thơ là: Giản ngũ lộ binh đăng Thạch Môn Sơn lưu đề...; ở đây chúng tôi (ND) lấy câu đầu của bài thơ để đặt đầu bài. Có sách còn gọi bài thơ là Đăng Thạch Môn sơn lưu đề (Lưu viết khi lên núi Thạch Môn).

Trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương (văn thơ, từ lệnh), Lê Quý Đôn có chép như sau: “Hồi quốc sơ, Phan Phù Tiên[12] chép những bài thơ của vua chúa, công khanh và sứ thần về đời nhà Trần, lại chép những bài ngự chế của Cao Đế[13], Văn Đế[14] cùng những bài ngâm vịnh của các nho thần về bản triều, thành quyển Việt âm thi tập; Dương Đức Nhan[15] lại chép nối theo những bài không có trong Việt âm thi tập của Phan Phù Tiên làm Tinh tuyển thi tập; Hoàng Đức Lương[16] lại chép nối theo những bài còn thiếu trong hai tập kể trên làm Trích diễm thi tập. Hợp cả ba tập thơ ấy mà xem, thì văn thơ nước Nam có thể tìm được đầy đủ. Nhưng vẫn còn có chỗ bỏ sót, như bài thơ của Phạm Sư Mạnh đề núi Thạch Môn[17] theo cổ thể, nay vẫn còn khắc vào đá, trong sách An Nam chí của người nhà Minh có chép bài thơ này, nhưng bỏ mất một nửa.” (theo Lê Quý Đôn toàn tập, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977)

[1] Bản trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép là chữ “trung”.
[2] Núi Yên Phụ ở gần núi Kính Chủ, thuộc xã Tuyên Xá, huyện Hiệp Sơn, tỉnh Hải Dương, cao 320 trượng (theo Đại Nam nhất thống chí).
[3] Bản trong Lịch triều hiến chương loại chí chép là chữ “sơn”.
[4] Núi Tượng Sơn. Theo Phương Đình địa chí của Nguyễn Văn Siêu thì Tượng Sơn còn có tên là núi Yên Tử. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì núi Yên Tử ở vào huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
[5] Thời xưa lấy 7 hoặc 8 “xích” làm một “nhận”. “Nghìn nhận” ý nói núi rất cao.
[6] Một ngọn núi trong núi Yên Tử.
[7] Tức An Kỳ Sinh, sống vào đời Tần, tu đạo thành tiên, tương truyền có đến tu ở núi Yên Tử.
[8] Đoạn sông chảy qua xã Đoan Lễ, đổ ra cửa biển Nam Triệu. Tại đây đã diễn ra nhiều trận thuỷ chiến lẫy lừng của Ngô Quyền chống quân Nam Hán (938) và của Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên (1288).
[9] Tức Ngô Quyền, người anh hùng đã chỉ huy quân ta đánh bại quân Nam Hán, giết con vua Nam Hán là Lưu Hoằng Thao, giành lại quyền tự chủ cho đất nước sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.
[10] Niên hiệu từ năm 1285 tới 1293 đời vua Trần Nhân Tông, ở đây chỉ cửa ải trên núi Kính Chủ.
[11] Chỉ giặc ngoại xâm nói chung. Trong bài này chỉ giặc Nguyên. Hai chữ “cầm Hồ” lấy từ câu thơ “Cầm Hồ Hàm Tử quan” của Trần Quang Khải.
[12] Người xã Đông Ngạc (làng Vẽ), huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, đỗ khoa minh kinh măm Thuận Thiên thứ 2 (1429), tác giả bộ Đại Việt sử ký.
[13] Tức Thái tổ Cao hoàng đế, miếu hiệu của Lê Lợi.
[14] Tức Thái tông Văn hoàng đế, miếu hiệu của Lê Nguyên Long, vua thứ hai triều nhà Lê.
[15] Người xã Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 4 (1463) làm quan đến Thị lang.
[16] Người xã Ngọ Cầu, huyện Gia Lâm (Bắc Ninh), đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1478), năm Hồng Đức, đến năm Mậu Thân (1488) phụng mệnh sung sứ bộ.
[17] Núi ở huyện Giáp Sơn (nay là huyện Nam Sách) quê hương Sư Mạnh, nên ông gọi là “gia sơn”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Sư Mạnh » Hành dịch đăng gia sơn