30/04/2024 15:10Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhàn trung tự thuật
閒中自述

Tác giả: Hoàng Nguyễn Thự - 黃阮曙

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 02/05/2022 15:48

 

Nguyên tác

四十頭鬚漸漸班,
逢時沒奈此屯艱。
三餘此日成吾拙,
十畝之間與子還。
難得固窮君子守,
易於不善小人閒。
平生抱負將何事,
卻顧稱呼只厚顏。

Phiên âm

Tứ thập đầu tu tiệm tiệm ban,
Phùng thời một nại thử truân gian.
Tam dư[1] thử nhật thành ngô chuyết,
Thập mẫu chi gian[2] dữ tử hoàn.
Nan đắc cố cùng[3] quân tử thủ,
Dị ư bất thiện[4] tiểu nhân gian.
Bình sinh bão phụ tương hà sự,
Khước cố xưng hô chỉ hậu nhan[5].

Dịch nghĩa

Bốn mươi tuổi râu tóc dần dần điểm bạc
Gặp buổi gian nan này biết làm sao
Sự học miệt mài ngày nọ đã khiến ta thành vụng dại
Trong khoảng mười mẫu ruộng kia đành cùng con cái trở về
Khó có thể làm người quân tử giữ được khí tiết lúc khốn cùng
Dễ trở thành kẻ tiểu nhân làm điều xấu xa khi nhàn rỗi
Điều suy nghĩ hàng ngày là rồi đây sẽ làm được gì
Nghĩ lại lời người ta xưng hô mình chỉ thấy mặt dày xấu hổ

Bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng

Râu tóc bốn mươi đã bạc dần
Nên gì giữa buổi lắm gian truân
Ba thời mài bút thành thô vụng
Mười mẫu cùng con liệu tảo tần
Quân tử khốn cùng sao trọn tiết
Tiểu nhân nhàn hạ dễ hư thân
Ngày ngày suy ngẫm làm chi nhỉ
Nghe tiếng xưng hô thấy ngại ngần.
[1] Chỉ sự chăm chỉ miệt mài học tập. Đổng Ngộ thời Hậu Hán là người hiếu học, có người đến xin theo học ông, Ngộ không dạy và bảo: Anh cứ đọc sách một trăm lần thì tự hiểu được nghĩa. Người học trò nói: Khốn nỗi không có ngày giờ. Ngộ bảo: Lấy tam dư. Tức là ba loại thì giờ thừa: đêm là thừa của ngày, mùa đông là thừa của năm, lúc mưa dầm là thừa của nắng. Về sau trong văn cổ Hán ngữ dùng chữ “học túc tam dư” (học đủ ba chỗ thừa) để chỉ người miệt mài học tập.
[2] Trong khoảng mười mẫu. Tên bài thơ trong Nguỵ phong, Kinh thi. Chu Hy cho rằng bài thơ này có ý nói khi chính sự hỗn loạn, quốc gia nguy vong, người hiền không thích làm quan trong triều nữa và muốn cùng bè bạn, vợ con về nơi ruộng vườn.
[3] Câu này tác giả lấy từ câu “Quân tử cố cùng” trong sách Luận ngữ nghĩa là người quân tử giữ vững khí tiết trong lúc cùng cực.
[4] Lấy ý từ thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”. Người xưa quan niệm kẻ tiểu nhân nếu sống an nhàn thì hay làm điều bất thiện.
[5] Mặt dày. Tác giả đỗ tiến sĩ, ở đây ý nói tác giả thường được người ta gọi là ông nghè nên thấy xấu hổ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Nguyễn Thự » Nhàn trung tự thuật