19/04/2024 07:26Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm hoài
感懷

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/04/2022 14:25

 

Nguyên tác

當初恨不死忠貞,
千里羈臣趕玊京。
箕子西行悲麥秀,
文山北渡嘆佯零。
關河舉目鄕情重,
鍾鼎擡頭世味輕。
遙望宋山何處是,
吾先烈祖舊墳塋。

Phiên âm

Đương sơ hận bất tử trung trinh,
Thiên lý cơ thần sấn ngọc kinh.
Cơ Tử[1] tây hành bi mạch tú,
Văn Sơn[2] bắc độ thán dương linh.
Quan hà cử mục hương tình trọng,
Chung đỉnh đài đầu thế vị khinh.
Dao vọng Tống Sơn hà xứ thị,
Ngô tiên liệt tổ cựu phần dinh.

Dịch nghĩa

Xưa kia đã ân hận chẳng được chết sớm để giữ cho toàn vẹn lòng trung,
Nay đành là kẻ bầy tôi bị trói buộc ở nơi xa xôi ngàn dặm đến chốn ngọc kinh này.
Ông Cơ Tử khi đi về phía tây thấy buồn vì lúa tốt,
Văn Sơn đi sang mạn bắc luống than thở hoài vì nỗi lênh đênh.
Mỗi khi nom thấy non sông trước mắt, lại thêm nặng lòng tưởng nhớ quê hương,
Quay đầu nơi chung đỉnh, lại thấy mùi đời đáng khinh.
Xa trông về núi Tống Sơn, nào biết ở đầu?
Mà đâu là nơi phần mộ tổ tiên, chốn thâm tình của ta?

Bản dịch của Đạm Nguyên

Hận xưa chẳng chết, vẹn trung trinh,
Ngàn dặm ky thần đến ngọc kinh.
Cơ Tử, phương đoài, sầu lúa tốt,
Văn Sơn, bến bắc, ngán lênh đênh.
Quan hà ngước mắt hương tình nặng,
Chung đỉnh quay đầu, thế vị khinh.
Xa ngóng Tống Sơn đâu đó tá,
Tổ tiên phần mộ chốn thâm tình.
Bài thơ chép trong Tang thương ngẫu lục, không ghi tiêu đề và tác giả, chỉ ghi là của một di thần triều Lê Mạt cảm thán về thời cuộc.
[1] Cơ Tử là thái sư nhà Ân. Sau khi nhà Ân mất, lúc đi qua cung điện cũ của nhà Ân, chỉ thấy trơ đám lúa tốt mọc um tùm trên đó, ông đau buồn mà làm bài Mạch tú ca, có câu: “Mạch tú tiệm tiệm hề, hoà sinh du du”, dân chúng nghe, đều cảm động khóc.
[2] Văn Sơn là hiệu Văn Thiên Tường, thừa tướng nhà Nam Tống chống giặc Nguyên Mông, bị giặc bắt. Tướng nhà nguyên đem ông theo, bắt ông viết thư chiêu hàng tướng nhà Tống, ông viết bài thơ Quá Linh Đinh dương tỏ chí bất khuất đưa lại.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Cảm hoài