20/04/2024 09:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi 14

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 29/06/2005 11:14

 

Bao nỗi yêu thương, chia ly sao nỡ?
Tấm lòng ghen tức, bưng kín ai hay?
(Câu 1467-1606)


Bày hàng cổ xuý[1] xôn xao
Song song đưa tới trướng đào[2] sánh đôi
Thương vì hạnh, trọng vì tài
1470. Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba
Huệ lan[3] sực nức một nhà
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa
Mảng[4] vui rượu sớm cờ trưa
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh[5]
1475. Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh
E tình, nàng mới bày tình riêng chung:
Phận bồ từ vẹn chữ tòng
Đổi thay nhạn yến[6] đã hòng đầy niên
Tin nhà ngày một vắng tin
1480. Mặn tình cát luỹ, lạt tình tao khang[7]
Nghĩ ra thật cũng nên đường
Tăm hơi, ai kẻ giữ giàng cho ta?
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà
Ở vào khuôn phép, nói ra mối giường
1485. E thay những dạ phi thường[8]
Dễ dò rốn biển, khôn lường đáy sông!
Mà ta suốt một năm ròng
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nào
Bấy chầy chưa tỏ tiêu hao
1490. Hoặc là trong có làm sao chăng là?
Xin chàng liệu kíp lại nhà
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình
Đêm ngày giữ mực giấu quanh
Rày lần, mai lữa, như hình chưa thông!

1495. Nghe lời khuyên nhủ thong dong
Đành lòng sinh mới quyết lòng hồi trang[9]
Rạng ra gửi đến xuân đường
Thúc ông cũng rội giục chàng ninh gia[10]
Tiễn đưa một chén quan hà[11]
1500. Xuân đình[12] thoát đã dạo ra Cao đình[13]
Sông Tần[14] một giải xanh xanh
Lôi thôi bờ liễu mấy cành Dương Quan[15]
Cầm tay dài ngắn thở than
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời
1505. Nàng rằng: Non nước xa khơi
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
Dễ loà yếm thắm trôn kim[16]
Làm chi bưng mắt bắt chim[17] khó lòng!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng[18]
1510. Đến nhà, trước liệu nói sòng[19] cho minh
Dầu khi sóng gió bất tình
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi
Hơn điều giấu ngược, giấu xuôi
Lại mang những việc tầy trời đến sau
1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy!
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.

Người lên ngựa, kẻ chia bào[20]
1520. Rừng phong[21], thu đã nhuốm màu quan san[22]
Dặm hồng[23] bụi cuốn chinh an[24]
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
1525. Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Kể chi những nỗi dọc đường
Buồng trong[25] này nỗi chủ trương ở nhà
Vốn dòng họ Hoạn danh gia
1530. Con quan Lại bộ[26] tên là Hoạn Thư
Duyên Đằng[27] thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc[28] thì tay cũng già
1535. Từ nghe vườn mới thêm hoa[29]
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không
Lửa tâm càng giập càng nồng
Trách người đen bạc[30] ra lòng trăng hoa[31]
Ví bằng thú thật cùng ta
1540. Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên
Dại chi chẳng giữ lấy nền[32]
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545. Tính rằng cách mặt, khuất lời
Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho
Lo gì việc ấy mà lo
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau
1550. Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền[33]
Cho người thăm ván, bán thuyền, biết tay[34]!
Nỗi lòng kín chẳng ai hay
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài

1555. Tuần sau bỗng thấy hai người
Mách tin, ý cũng liệu bài tâng công
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai
1560. Điều này hẳn miệng những người thị phi[35]!
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng
Trong ngoài kín mít như bưng
Nào ai còn dám nói năng một lời!
1565. Buồng đào khuya sớm thảnh thơi
Ra vào một mực nói cười như không

Đêm ngày lòng những giận lòng
Sinh đà về đến lầu hồng[36], xuống yên
Lời tan hợp, nỗi hàn huyên
1570. Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng
Tẩy trần[37] vui chén thong dong
Nỗi lòng, ai ở trong lòng mà ra?
Chàng về xem ý tứ nhà
Sự mình cũng rắp lân la giãi bày
1575. Mấy phen cười nói tỉnh say
Tóc tơ bất động mảy may sự tình
Nghĩ: Đà bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo[38] mà mình lại xưng?
Những là e ấp dùng dằng
1580. Rút dây[39] sợ nữa động rừng[40], lại thôi
Có khi vui chuyện mua cười
Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu
Rằng: Trong ngọc đá vàng thau
Mười phần ta đã tin nhau cả mười[41]
1585. Khen cho những miệng rông dài
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia
Thiếp dầu vụng, chẳng hay suy
Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười!

Thấy lời thủng thỉnh như chơi
1590. Thuận lời, chàng cũng nói xuôi đỡ đòn
Những là cười phấn cợt son
Đèn khuya chung bóng, trăng tròn sánh vai
Thú quê thuần hức[42] bén mùi
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô[43]
1595. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một niềm quan tái[44], mấy mùa gió trăng
Tình riêng chưa dám rỉ răng
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
Cách năm, mây bạc[45] xa xa
1600. Lâm Chuy cũng phải tính mà thần hôn
Được lời như cởi tấc son
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người
Long lanh dáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
1605. Roi câu vừa gióng dặm trường
Xe hương[46] nàng cũng thuận đường quy ninh[47].
Trích đoạn của phần này (từ câu “Người lên ngựa, kẻ chia bào” đến câu “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”) được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.

[1] Cổ là những nhạc khí dùng để đánh như chiêng, trống. Xuý là những nhạc khí để thổi, như kèn sáo.
[2] Màn hoa đào, đây tức là buồng cưới.
[3] Hoa huệ, hoa lan, ngụ ý nói cảnh sum họp.
[4] Tiếng cổ có ý nói mải mê về một việc gì mà quên đi, ở đây là nghĩa này.
[5] Ý nói hết mùa xuân và bắt đầu sang mùa hạ.
[6] Chim én (mùa xuân) chim nhạn (mùa thu), đổi thay nhau, ý nói từ mùa nọ sang mùa kia. Ở đây ý nói thời gian trôi thấm thoắt gần được một năm.
[7] Bã rượu cám. Người vợ cùng ăn bã, ăn cám với mình, tức là người vợ cả lấy từ lúc còn hàn vi. Vua Quang Vũ nhà Hán muốn đem người chị gái mới goá là công chúa Hồ Dương gả cho Tống Hoằng, nhưng Hoằng đã có vợ. Vua hỏi ý Hoằng, Hoằng thưa: “Tao khang chi thê, bất hạ đường”, nghĩa là người vợ lấy trong lúc ăn tấm, ăn cám, không thể để xuống dưới nhà, ý nói không thể khinh rẻ, phụ bạc. Vua biết ý vậy, liền thôi.
[8] Khác với người thường, ý nói người sâu sắc, hiểm độc.
[9] Về quê.
[10] Về thăm nhà.
[11] Quan cửa ải, hà là sông. Chén quan hà: chén rượu tiễn biệt.
[12] Có thể hiểu là nơi xum họp, vui vẻ.
[13] Cổ thi: “Cao đình tương biệt xứ” (Chỗ biệt nhau ở Cao đình).
[14] Sông ở đất Tần Xuyên, mạn tỉnh Cam Túc. Theo Tản Đà thì sông Tần là sông Tần Hoài, thuộc tỉnh Giang Tô, quê Thúc Sinh (Vô Tích).
[15] Tên một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, mạn tây bắc Trung Quốc.
[16] Chưa thực rõ nghĩa. Đại ý câu này nói Kiều cho rằng việc hai người lấy nhau là việc không thể dấu kín được.
[17] Bưng mắt lại thì không thể nào bắt được chim. Ý nói không thể nào che giấu nổi việc có vợ lẽ.
[18] Có nghĩa là vương vít tình duyên.
[19] Tức nói thẳng, nói trắng ra, không quanh co giấu giếm.
[20] Áo. Thường thường trong khi ly biệt người ta hhay nắm lấy áo nhau, tỏ tình quyến luyến. Chia bào tức là buông áo.
[21] Một loại cây ở Trung Quốc, lá chia ra nhiều cành, gần giống lá cây thầu dầu ở bên ta, đến mùa thu thì sắc lá hoá đỏ.
[22] Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
[23] Dặm đường đi giữa bụi hồng. Chinh là đi đường xa, an là yên ngựa. Người ta thường dùng hai chữ chinh an để chỉ việc đi đường xa.
[24] Đọc khác của “chinh yên” 征鞍, tức yên ngựa của người đi xa.
[25] Chỉ vào người vợ. Cây này đại ý nói bây giờ hãy nói đến người vợ Thúc Sinh làm chủ gia đình ở quê nhà.
[26] Bộ lại, tức là quan trọng nhất trong sáu bộ của triều đình phong kiến.
[27] Cổ thi: “Thì lai phong tống Đằng vương các” (Thời vận đến, gió đưa lại gác Đằng Vương). Ý nói gặp cơ hội may mắn.
[28] Có nghĩa là thắt buộc, cho người khác vào khuôn, vào phép của mình.
[29] Ý nói Thúc Sinh có thêm vợ lẽ.
[30] Cùng nghĩa như bạc bẽo, phụ bạc.
[31] Do chữ hoa nguyệt mà ra, ý chỉ sự chơi bời trai gái.
[32] Nền nếp của người trên, tư thế của mình là người bề trên.
[33] Trước mắt.
[34] Tục ngữ: “Chưa thăm ván đã bán thuyền”. Ở đây chỉ Thúc Sinh là người mới nới cũ.
[35] Có nghĩa là việc phải thì nói thành trái, việc trái thì nói thành phải, thêu dệt phải trái làm cho người nghe mắc lầm.
[36] Do chữ hồng lâu, nhà ở bọn quyền quý, cũng dùng để chỉ chỗ ở của hạng phụ nữ giàu sang.
[37] Rửa bụi. Tục xưa, khi có người đi xa về thì đặt tiệc “tẩy trần”, ý nói rửa sạch bụi bặm trong lúc đi đường.
[38] Tra khảo.
[39, 40] Rút dây động rừng: tục ngữ, ý nói rút một sợi dây làm rung chuyển đến cả một khu rừng. Câu này ý nói Thúc sinh sợ nói lộ câu chuyện lấy Kiều ra sẽ gây nên sóng gió trong gia đình.
[41] Đại ý nói ngọc hay đã, vàng hay thau đôi ta đều đã biết phân biệt rạch ròi, không thể nào lầm lẫn được.
[42] Thuần là một thứ rau, hức là một thứ cá. Trương Hàn đời nhà Tấn, đang lúc làm quan ở xa, thấy cơn gió thu, sực nhớ đến canh rau thuần và chả cá hức ở quê nhà, bèn bỏ quan mà về. Vì thế, người ta thường dùng hai chữ thuần hức để chỉ thú vui chơi nơi quê nhà.
[43] Cổ thi: “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu” (Chỉ một lá ngô đồng rụng, Ai cũng biết là thu sang). Câu này đại ý nói Thúc Sinh ở quê nhà vừa bén mùi rau cá thì trời đã bắt đầu sang thu.
[44] Cũng như quan ải, chỉ nơi núi non bờ cõi.
[45] Do chữ bạch vân mà ra. Định Nhân Kiệt đời Đường đi làm quan xa, thường chỉ đám mây trên núi Thái Hàng mà nói: “Nhà cha mẹ ta ở đấy”. Ở đây dùng để nói Thúc Sinh có cha ở xa.
[46] Do chữ hương xa, chỉ xe của phụ nữ.
[47] Là về hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Hồi 14