29/03/2024 21:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bước chân ra

Tác giả: Tương Phố - Đỗ Thị Đàm

Thể thơ: Tản văn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Vanachi vào 29/04/2019 22:15

 

Mấy hàng lệ kí gửi bạn ba sinh chôn Dạ đài

Thay khăn đổi áo bước ra,
Hai hàng nước mắt chan hoà như mưa!
Đau lòng duyên mới, tình xưa,
Yêu nhau chi để bây giờ phụ nhau!
Chăn đơn gối chiếc bấy lâu,
Giấc cô miên ấy đã hầu ấm êm.
Tình xưa, xưa vẫn êm đềm,
Duyên xưa, chưa dứt mối duyên những ngày.


Anh ơi! Duyên xưa chưa dứt mối duyên những ngày, mà hôm nay đây, đổi áo thay khăn, gạt nước mắt bước chân ra, em cam đã phụ anh rồi! Phụ cả đứa con thơ dại của đôi ta!

Con không cha, từ đây vắng mẹ,
Nghĩ ai tinh con trẻ biết bao!
Bước ra những muốn quanh vào,
Trăm phần, nào có phần nào phần khuây.
Thân này, đến dở dang này,
Lòng này, ôi hết chua cay nỗi lòng!


Buồn quá anh ơi! Giữa đường kẻ khuất người còn, em mất anh đã mấy thu qua, nay lại cam lòng rũ tình duyên cũ, ôm cầm thuyền ai, nghĩ đối với nhau còn gì đâu nữa. Đã mất nhau rồi, lại mất nhau, duyên kia dù nối, dạ sầu bao khuây!

Tình cảnh này, tâm sự này, chốn Dạ đài khôn gởi lệ châu, ai còn biết cho nhau nỗi lòng tan nát ấy!

Trước cảnh nhà thanh bạch, thương con đầu xanh goá sớm, cha em phơ phơ mái tóc, ngày đêm lo buồn, những mong thầm cho con có chốn yên thân.

Cha đâu đội đá ở đời,
Thân con âu cũng liệu nơi nương nhờ;
Trẻ trung được lúc bây giờ,
Cảnh chiều mưa gió, con nhờ cậy ai?


Như em, trẻ trung nào đã biết lo gì, không ngờ, trong khoảng tháng ngày vô tư lự ấy, em đã để bận lòng cha già không biết bao nhiêu. Lo con trẻ dại, sợ con hư, thương con hiu quạnh sớm trưa một mình. Chẳng những thương con, lại còn đứa cháu mồ côi nữa.

Ba đời nuôi cháu ngoại rồi[1]!
Chén trà trưa sớm, ông ngồi thở than;
Tóc râu phơ, giọt lệ tràn,
Tình con, cảnh cháu, chẳng an bụng già.


Con goá trẻ, cháu mồ côi, cảnh nhà neo túng biết ai đỡ đần? Cho nên, cha em lựa chọn mối duyên sau này, những ước cho em thành đôi lứa tốt.

Ôi! Cha thương con vẫn là trung hậu, nhưng cha em đâu biết lòng em khổ.

Thương tâm đã lắm, em nay chỉ mong tim gan lành lặn hơn lành áo khăn, mà còn tìm đâu thuốc chữa đoạn trường này đây!

Tim đã nứt, bao giờ lành nữa!
Khóc vô duyên, than thở ích gì?
Người đời đau khổ thiếu chi,
Khô gan, héo ruột, riêng gì một ta.


Biết khóc vô duyên, than thở chẳng ích gì, mà em vẫn tủi thân cứ khóc. Tưởng như muôn vàn cay đắng, hoạ chăng chỉ còn giọt lệ âm thầm lai láng cảm thương em.

Anh ơi! Vì đâu nên nỗi dở dang này? Em nên bước đi? Hay nên ở lại?

Ở đã dở, bước đi càng dở, nỗi lòng kia ai ở trong lòng!

Dầu sao nữa, dừng chân đứng lại, đành lòng em, chẳng đành được cảnh nhà.

Nỡ nào để luỵ cha già,
Nỡ nào để một cảnh nhà dở dang;
Con thuyền bắt lái sang ngang,
Trông vời sông nước mà ngang ngửa lòng!


Thôi thì, một liều ba bẩy cũng liều. Đành vâng lời cha, em bước chân ra. Bước chân ra, cho yên bụng cha già. Bước chân ra, cho khỏi luỵ gia đình. Nhưng anh ơi! Một vâng lời, chết mấy tầng ruột gan.

Em đã mất anh, còn mong gì gây lại tương lai êm đềm, và còn tìm đâu hạnh phúc chốn nhân gian này? Đi đâu cho thấy vui? Làm gì cho quên nhau được? Chẳng qua chỉ lại tấm lòng hiu quạnh năm càng quạnh hiu.

Ôi! Tình xưa đâu biết dở dang này, ngày xuân tơ liễu buông mành, con oanh còn học nói, mà tuổi xanh xanh đã chau mày vì duyên. Anh ơi!

Mất anh để lòng em vắng vẻ,
Năm lại năm, suông tẻ buồn tênh!
Tìm đâu lạc thú gia đình?
Tim đâu thấy bạn thâm tình buổi xưa?
Mất anh biết bao giờ khuây được,
Mộng lừa lòng, vẫn ước gặp anh;
Kiếp này đã dở dang tình,
Thương nhau nguyện kiếp lai sinh lại tìm.


Một bước chân ra, mấy lần gạt lệ. Làng mây quán nước, anh thấu chăng tình. Từ đây mà đi, cuộc đời em sắp sửa đổi thay, tâm sự lại phần mang bao ngả. Mà rồi, chim xa tổ cũ, lá lìa rừng xưa, giang sơn một gánh nhà ai, kiếp trần mưa gió ai người thương em? Anh ơi! Nghĩ nguồn cơn ấy, em luống lại đau lòng tiếc cảnh chăn đơn gối chiếc, tiếc con thuyền gỗ bách lênh đênh.

Thà rằng, ở lại khóc nhau, còn hơn bước ra đi, để mất nhau thứ nữa.

Đã mất nhau rồi, lại mất nhau,
Ngậm ngùi chi xiết nỗi thương đau?
Áo khăn thay đổi, lòng không đổi,
Ghi sổ ba sinh, hẹn kiếp sau...


Than ôi! Kiếp sau nào biết có hay không, nhưng kiếp sau cầm trước để an ủi lòng.

Chẳng hay, những trang quả thiếu phụ ở đời này, có ai cùng chung số phận, cũng năm nay, cũng tháng này, cũng ngày này, cùng đau đớn cảnh, cùng cảm nỗi buồn tái giá, như lòng này không?

Anh ơi! Ngoảnh mặt về Nam, em xin từ đây bái biệt anh.

Thôi! Em vì cảnh ngộ, vạn bất đắc dĩ phải bước chân ra. Anh có linh thiêng xin biết cho nhau, và phù hộ cho đứa con côi vất vả của chúng ta. Cố giúp cho con nên người, anh nhé!

Thắp nén hương này, khóc biệt anh,
Thề duyên ước cũ tủi ba sinh;
Thuyền ai một bước, hai hàng lệ,
Ngoảnh lại con côi, dạ chẳng đành.

Chẳng đành, đành cũng bước chân ra,
Tâm sự phân mang nỗi cửa nhà;
Con dại, cha già, tình cảnh ấy,
Anh ơi, em nỡ, nỡ đâu mà...

Nỡ đâu để mãi bận lòng thầy,
Mệt dạ, vì em, tháng lại ngày;
Dang dở chữ tình, tròn chữ hiếu,
Tình kia, hiếu nọ, dễ ai hay!

Ai hay duyên đẹp, lứa đôi ta,
Một buổi thu về để xót xa;
Kẻ khuất, người còn, tình lỡ dở,
Áo khăn thay đổi lệ chan hoà.

Chan hoà lệ rỏ, trước ban này,
Hương nến lu mờ, khói toả bay;
Bốn lạy giã từ, muôn kiếp hận,
Bước ra, một bước, một chau mày!...

1925

[1] Ngày hai buổi chè tàu với bộ độc ẩm, mỗi khi nâng chén, nhìn thằng cháu mồ côi chơi thơ thẩn một mình, ông cụ thường hay thở dài, nhắc đi nhắc lại: “Nhà ta đến thằng bé này, là ba đời nuôi cháu ngoại rồi, mà đều trong cảnh nghèo cả!”

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tương Phố » Bước chân ra