26/04/2024 10:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mạn hứng kỳ 1 (Phác tán thuần ly thánh đạo nhân)
漫興其一(朴散淳漓聖道湮)

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 15/04/2007 18:34

 

Nguyên tác

朴散淳漓聖道湮,
吾儒事業杳無聞。
逢時不作商岩雨,
退老思耕谷口雲。
每嘆百年同過客,
何曾一飯忍忘君。
人生識字多憂患,
坡老曾云我亦云。

Phiên âm

Phác tán thuần ly thánh đạo nhân[1],
Ngô nho[2] sự nghiệp yểu[3] vô văn.
Phùng thời bất tác Thương Nham vũ[4],
Thối lão tư canh Cốc Khẩu vân[5].
Mỗi thán bách niên đồng quá khách,
Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân.
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn,
Pha lão tằng vân ngã diệc vân.

Dịch nghĩa

Những gì gọi là thuần phác đều tan rã, đạo thánh bị chìm,
Sự nghiệp của nhà nho ta lu mờ chẳng có tiếng tăm gì.
Gặp thời chẳng tạo được mưa ở Thương Nham,
Lúc già trở về cày mây ở Cốc Khẩu.
Thường than trăm năm của cõi đời y như khách qua đường,
Chưa từng lúc nào ăn một bữa cơm mà không nhớ đến vua.
Con người sinh ra biết chữ nghĩa thường gặp nhiều nạn phải lo lắng,
Ông già Tô Đông Pha từng nói thế, ta nay cũng nói thế.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Đạo Thánh phác thuần đã một mai
Nghiệp nho ta chịu hết danh rồi
Gặp thời mưa móc Thương Nham khó
Về lão cấy cày Cốc Khẩu thôi
Cuộc sống trăm năm buồn bóng khách
Lòng trung từng bữa niệm vua tôi
Thế nhân lắm chữ thêm nhiều hoạ
Pha lão xưa kia cũng bấy lời.
[1] Ức Trai thi tập ghi và phiên là chân, giống như bản Dương Bá Cung (Nguyễn Trãi toàn tập trích dẫn), thiết nghĩ không hợp văn cảnh.
[2] Đạo nho của ta. Sách Pháp ngôn giải thích: người thông suốt tất cả thiên văn, địa lý và nhân sự gọi là Nho (Thông thiên, địa, nhân giả viết nho), ngụ ý phải rút kinh nghiệm qua sách vở để hiểu biết về trời, đất và người (tam tài), dựa trên thực tiễn để xử sự.
[3] Bản Đào Duy Anh (Nguyễn Trãi thi tập) phiên là diểu, bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai thi tập) phiên là điểu. Chữ yểu (sâu xa mờ mịt) có thể đọc là miểu hay liễu. Cũng có thể đây là chữ hạnh (tự dạng gần giống chữ yểu) dùng theo nghĩa hạnh lâm (rừng hạnh), vườn hạnh, ý nói về nho học, theo tích Khổng Tử xưa ngồi dạy dưới giàn hạnh.
[4] Vua Cao Tông nhà Thương (triều đại trị vì Trung Quốc từ 1783 đến 1135 trước Tây lịch) mộng thấy một người hiền, liền cho vẽ lại chân dung để tìm kiếm. Quả nhiên, tìm được Phó Duyệt ở đất Phó Nham và mang về triều giúp nước. Tin ở tài năng của Phó Duyệt, nhà vua nói nếu gặp đại hại ông sẽ là người làm nên mưa móc, nếu gặp lũ lớn ông sẽ làm cây chầm chèo thuyền cứu vãn. Từ đấy cứ ngữ “Thương Nham vũ” (mưa đất Nham nhà Thương).
[5] (nghĩa đen: mây ở cửa động) Trịnh Tử Chân đời Hán ở ẩn tại Cốc Khẩu (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay) có tiếng học đạo giữ mình, từ chối không tham chính.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Mạn hứng kỳ 1 (Phác tán thuần ly thánh đạo nhân)