26/04/2024 05:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Luận thi kỳ 27
論詩其二十七

Tác giả: Nguyên Hiếu Vấn - 元好問

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2009 10:31

 

Nguyên tác

百年才覺古風回,
元祐諸人次第來。
諱學金陵猶有說,
竟將何罪廢歐梅?

Phiên âm

Bách niên tài giác cổ phong hồi,
Nguyên Hữu chư nhân thứ đệ lai.
Huý học Kim Lăng[1] do hữu thuyết,
Cánh tương hà tội phế Âu, Mai[2]?

Dịch nghĩa

Sau một trăm năm lại thấy phong cách thơ cũ trở lại,
Những người tài năng năm Nguyên Hữu lần lượt xuất hiện.
Người đời kiêng kị Vương An Thạch còn có lý do,
Nhưng Âu Dương Tu, Mai Nghiêu Thần có tội gì mà lại bỏ hoài?

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Trăm năm lại thấy thơ xưa thịnh,
Nguyên Hữu tài năng đã mấy người.
Kiêng kị Kim Lăng còn có cớ,
Vì sao lại bỏ uổng Âu, Mai?
Bài này luận về sự phát triển của thơ đời Tống. Khoảng 100 năm từ đời Tống Thái Tổ tới Nhân Tông (960-1063), khuynh hướng trên văn đàn chủ yếu tiếp nối phong cách đời Vãn Đường, nội dung đạm bạc, văn phong hoa mỹ. Tây Côn thi phái phỏng theo thơ Lý Thương Ẩn 李商隱 nhưng lại khiếm khuyết, chỉ chú trọng mô phỏng về âm luật, từ ngữ tinh xảo, dùng nhiều điển cố để biểu hiện tài học. Sau đó, Âu Dương Tu 歐陽修, Mai Nghiêu Thần 梅堯臣, Tô Thuấn Khâm 蘇舜欽 tiếp nối lý luận của Hàn Dũ 韓愈 và Liễu Tông Nguyên 柳宗元 đời Trung Đường, đề cao tính hiện thực. Tuy nhiên, từ sau Tô Thức 蘇軾 và Hoàng Đình Kiên 黃庭堅, Giang Tây thi phái lại không trú trọng nội dung tư tưởng mà cầu vào sự quái hiểm, không tiếp tục phong cách của Âu, Mai.

Nguyên Hữu chư nhân chỉ Tô Thức 蘇軾, Hoàng Đình Kiên 黃庭堅, Trần Sư Đạo 陳師道, đều sống vào khoảng năm Nguyên Hữu (1086-1094) đời Tống Triết Tông.

[1] Chỉ Vương An Thạch 王安石, là một nhà chính trị và văn học lớn đời Bắc Tống. Vương An Thạch làm tể tướng, biến pháp thất bại nên trước tác của ông bị triều đình cấm, các môn sinh cũng vì vậy mà huý kỵ không dám nhận là môn sinh của ông.
[2] Âu Dương Tu và Mai Nghiêu Thần.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyên Hiếu Vấn » Luận thi kỳ 27