12/05/2024 00:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ba mươi súc miệng ăn chay

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trung đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 16/09/2020 20:44

 

Ba mươi súc miệng ăn chay,
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài.
Làm sân khấn vái Phật trời,
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng.
Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng,
Để cho trai gái dốc lòng đi tu.
Chùa này chẳng có Bụt ru,
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen[1].
Thấy cô yếm đỏ răng đen,
Nam mô Di Phật lại quên mất chùa!
Ai mua tiu cảnh[2] thì mua,
Thanh la[3], não bạt[4], thày chùa bán cho.
Hộ Pháp[5] thì một quan ba,
Long Thần[6] chín rưỡi, Thích Ca[7] ba tiền.
Còn hai mụ Thiện[8] hai bên,
Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo[9].
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu,
Đẵn cây tre cộc cắm nêu sân chùa.
[1] Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
[2] Một loại nhạc khí gồm hai phần, là hai thanh la cỡ nhỏ làm bằng đồng thau, có cao độ âm thanh cách nhau một quãng năm, một có thành thấp (gọi là tiu) một có thành cao (gọi là cảnh) treo trong khung tròn bằng gỗ có cán cầm. Người chơi một tay cầm cán, tay kia dùng que có mấu để gõ.
[3] Nhạc khí làm bằng hợp kim đồng thiếc pha chì, có nhiều kích thước khác nhau, hình dáng như chiếc cồng không có núm, mặt hơi phồng, xung quanh có thành, có dây quai để cầm. Người chơi một tay cầm dây quai, tay kia dùng dùi gỗ gõ vào thanh la, tạo ra âm thanh vang, trong trẻo.
[4] Nhạc khí làm bằng hợp kim đồng thiếc, gồm hai chiếc giống nhau, hình tròn như chiếc đĩa, có núm để cầm. Người chơi hai tay cầm hai núm, đập hai mặt vào nhau, tạo ra âm thanh to, vang, hơi chói. Não bạt còn có tên là chũm choẹ.
[5] Theo quan niệm của một số tông phái đạo Phật, Hộ Pháp (dịch từ tiếng Sanskrit धर्मपाल Dharmapāla) là những vị thần tự nguyện bảo vệ và duy trì Phật pháp, phù hộ che chở những người tu hành. Các chùa thường có tượng các vị hộ pháp dưới nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tượng Hộ Pháp Vi Đà, đặt đối diện với tượng Thích Ca. Một số chùa lại có tượng hai vị Hộ Pháp: một là Khuyến Thiện, một là Trừng Ác. Tượng Hộ Pháp thường mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay cầm binh khí.
[6] Thần rồng trong thần thoại Ấn Độ, tiếng Sanskrit là नागराज Nāgārāja (nghĩa là vua rồng). Trong thần thoại Phật giáo, Long Thần có chức năng hộ trì Phật pháp, bảo vệ chùa chiền và người tu hành. Vì thế, nhiều chùa chiền thường có tượng Long Thần.
[7] Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
[8] Cách gọi dân gian của các hình tượng Phật Bà, Bồ Tát Quan Thế Âm, như Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Toạ Sơn (Quan Âm Thị Kính).
[9] Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Ba mươi súc miệng ăn chay