21/04/2024 02:28Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vô âm nữ

Tác giả: Hồ Xuân Hương - 胡春香

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 02/10/2005 13:25

 

Mười hai bà mụ ghét gì nhau,
Đem cái xuân tình cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt[1],
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu[2].
Nào ai biết được vông hay chóc[3],
Nọ kẻ chia ra cuống mấy đầu[4].
Thôi thế thời thôi thôi cũng rảnh,
Trăm năm càng khỏi tiếng làm dâu.
(Theo bản khắc 1914)

Khảo dị:

- Bản khắc 1922
Quan thị

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,
Đem cái xuân tình cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Đố ai đó biết vông hay chóc,
Nào kẻ nào hay cuống mấy đầu.
Thôi thế thời thôi thôi cũng được,
Ngàn năm càng khỏi tiếng nương dâu.
- Bản Xuân Hương thi sao
Vịnh nữ vô âm

Mười hai bà mụ ghét gì nhau,
Đem cái tình chung cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Nào ai biết được vông hay chóc,
Đố kẻ phân ra cuống với đầu.
Đã thế thì thôi thôi thì chớ,
Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu.
- Bản Tạp thảo tập
Vịnh nữ vô âm

Mười hai bà mụ ghét gì nhau,
Đem cái xuân tình cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Nào ai biết được vông hay chóc,
Mấy kẻ phân ra cuống mấy đầu.
Đã thế thời thôi thôi cũng chớ,
Trăm năm càng khỏi tiếng làm dâu.
- Bản Xuân Hương thi tập
Vịnh vô âm nữ

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,
Đem cái xuân tình cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Đố ai đã biết vông hay chóc,
Còn kẻ nào phân cuống mấy đầu.
Đã chẳng thời thôi thôi cũng chớ,
Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu.

[1] Theo ý ca dao cổ: “Con gái mười bảy mười ba, Đêm nằm với mẹ chuột tha mất l...”. Vì thế, đã “vô âm” thì thây cha con chuột, cho nó rúc rích chán thì thôi.
[2] Theo ý ca dao cổ: “Bà cốt đánh trống long bong, Nhảy lên nhảy xuống cái ong đốt l...”. Bây giờ đã “vô âm” thì mặc mẹ cái ong, sợ gì nó đốt.
[3] Cây chóc cùng họ với cây ráy, lá tựa lá khoai sọ nhưng nhỏ và dài. Tục ngữ xưa: “Ngồi lá vông, chổng mông lá chóc, nằm dọc lá tre, tè he lá khế”; đó là chỉ hình dáng âm vật theo các tư thế khác nhau qua lối ví von nghịch ngợm của dân gian.
[4] Tục ngữ dân gian thường dùng để mắng người thiếu hiểu biết: “Đầu l... trở xuống, cuống l... trở lên”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hồ Xuân Hương » Vô âm nữ