28/04/2024 00:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tâm pháp
心法

Tác giả: Cứu Chỉ thiền sư - 究旨禪師

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Lý
Đăng bởi Vanachi vào 04/06/2006 06:21

 

Nguyên tác

覺了身心本凝寂,
神通變化現諸相。
有為無為從此出,
河沙世界不可量。
雖然遍滿虛空界,
一一觀來沒形狀。
千古萬古難比況,
界界處處常朗朗。

Phiên âm

Giác liễu thân tâm[1] bản ngưng tịch,
Thần thông biến hoá hiện chư tướng.
Hữu vi[2], vô vi tùng thử xuất,
Hà sa thế giới bất khả lường.
Tuy nhiên biến mãn hư không giới,
Nhất nhất quán lai một hình trạng.
Thiên cổ, vạn cổ nan tỷ huống,
Giới giới, xứ xứ thường lãng lãng.

Dịch nghĩa

Hiểu trong gan ruột là thân và tâm vốn lặng trong
Thần thông biến hoá ra mọi hiện tượng
Vô vi hay hữu vi cũng từ đó mà ra cả
Sinh ra hằng hà thế giới không thể đếm hết
Nó chứa đầy ở tất cả các chốn hư không
Thế mà ở mọi nơi đều không có hình trạng
Nghìn đời, vạn đời cũng không thể sánh với nó
Chốn chốn nơi nơi nó luôn luôn sáng tỏ

Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh

Hiểu thấu thân tâm vốn lặng trong,
Thần thông biến hoá hiện vô cùng.
Dù “vô” dù “hữu” từ đây cả,
Thế giới hà sa đếm khó xong!
Khắp cõi thái hư đều chật ắp,
Xem ra hình trạng thảy đều không.
Muôn đời vạn kiếp bì sao được,
Chốn chốn nơi nơi sáng lạ lùng.
Bài thơ kèm theo lời dẫn như sau: “Nhất thiết pháp môn, bản tòng nhữ tính; nhất thiết pháp tính, bản tòng nhữ tâm. Tâm pháp nhất như, bản vô nhị pháp. Khiên triền phiền não, nhất thiết giai không; tội phúc thị phi, nhất thiết giai huyễn. Vô sở phi quả phi nhân. Bất ư nghiệp trung phân biệt báo; bất ư báo trung phân biệt nghiệp. Nhược hữu phân biệt, bất đắc tự tại. Tuy kiến nhất thiết pháp nhi vô sở kiến, tuy tri nhất thiết pháp nhi vô sở tri. Tri nhất thiết pháp, nhân duyên vi bản; kiến nhất thiết pháp, chính chân vi tông. Tuy nhiễm thực tế giải liễu thế gian như biến hoá; minh đạt chúng sinh duy thị nhất pháp, vô hữu nhị pháp. Bất xả nghiệp cảnh, thiện xảo phương tiện, phương ư hữu vi giới thị hữu vi pháp, nhi vô phân biệt vô vi chi tướng. Cái dục tuyệt ngã vọng niệm, kế giác cố dã. Nãi thuyết kệ vân...” (Hết thảy mọi pháp môn bắt nguồn từ tính ngươi; hết thảy mọi pháp tính, bắt nguồn từ tâm ngươi. Tâm pháp là một, đâu phải là hai. Tội phúc thị phi, tất cả đều ảo; trói buộc phiền não, tất cả đều không. Chẳng cái gì không phải nhân; chẳng cái gì không phải quả. Chớ nên phân biệt nghiệp với báo; chớ nên phân biệt báo với nghiệp, ắt không tự tại. Dù thấy hết mọi pháp cũng là không thấy; dù biết hết mọi pháp cũng là không hay. Biết hết mọi pháp, nhân duyên là gốc; thấy hết mọi pháp, chính chân là nguồn. Dù đắm trong thực tế vẫn hiểu thế gian đều là biến hoá. Thấu rõ chúng sinh chỉ là một pháp, chứ không phải hai. Không bỏ nghiệp cảnh, đó là phương tiện thiện xảo. Như thế thì ở trong thế giới hữu vi mà chỉ rõ được pháp hữu vi và không phân biệt với tướng vô vi. Đó là vì muốn dứt bỏ mọi vọng niệm, mọi sự phân biệt mà thôi. Rồi đọc bài kệ rằng...)

[1] Thuật ngữ của triết học cổ cũng là thuật ngữ của Phật giáo Vương Thủ Nhân thi nhân và tư tưởng gia đời Minh nói về quan hệ giữa tâm và vật rằng “Chúa tể của thân là tâm, cái tâm phát ra là ý, bản thể của ý là tri, sở tại của tri là vật”.
[2] Thuật ngữ Phật giáo, dịch ý chữ Phạn “Samskita”, vốn nghĩa là “tạo tác” “có làm”, cũng gọi là Hữu vi pháp, trái với vô vi. Phiếm chỉ mọi hiện tượng trong mối liên hệ qua lại, sinh diệt biến hoá.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cứu Chỉ thiền sư » Tâm pháp