28/04/2024 06:47Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Luận thi kỳ 02
論詩其二

Tác giả: Nguyên Hiếu Vấn - 元好問

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 29/12/2007 20:31

 

Nguyên tác

曹劉坐嘯虎生風,
四海無人角兩雄。
可惜並州劉越石,
不教橫槊建安中。

Phiên âm

Tào Lưu[1] toạ khiếu hổ sinh phong[2],
Tứ hải vô nhân giác[3] lưỡng hùng.
Khả tích Tinh châu Lưu Việt Thạch[4],
Bất giao hoành sóc Kiến An[5] trung.

Dịch nghĩa

Tào Lưu ngồi đàm luận về anh hùng và thời cuộc,
Trong bốn bể không ai sánh được với hai anh hùng này.
Tiếc thay cho Lưu Việt Thạch ở Tinh Châu,
Không thể cầm ngang ngọn giáo trong thời Kiến An.

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Tào Lưu đàm luận hổ sinh phong,
Bốn bể anh hùng chẳng thể bằng.
Chỉ tiếc Tinh Châu Lưu Việt Thạch,
Kiến An một thuở thiếu tên ông.
[1] Đồng thời ám chỉ:
- Tào Tháo 曹操 và Lưu Bị 劉備: nhắc việc hai người từng uống rượu luận anh hùng, Tào Tháo nói: "nay trong thiên hạ, anh hùng chỉ có Lưu xứ quân và Tháo này thôi" (hồi 21 của Tam quốc diễn nghĩa).
- Tào Thực 曹植 và Lưu Trinh 劉楨 (?-217): là hai đại biểu văn học lớn đời Kiến An, Tào Thực đại diện cho Tam Tào (Tào Tháo, Tào Thực và Tào Phi), Lưu Trinh đại diện cho Kiến An thất tử (Khổng Dung 孔融, Trần Lâm 陳琳, Vương Sán 王粲, Từ Cán 徐幹, Nguyễn Vũ 阮瑀, Ứng Dương 應瑒 và Lưu Trinh 劉楨).
Câu thơ ý nói Tào Tháo và Lưu Bị là anh hùng trên chính trường, còn Tào Thực và Lưu Trinh là anh hùng trên văn trường.
[2] Bắt nguồn từ quẻ trong Kinh Dịch "vân tòng long, phong tòng hổ", ở đây chỉ việc thời thế xuất anh hùng.
[3] Ở đây nghĩa là sánh với, so với.
[4] Lưu Côn 劉琨 (276-318) tự Việt Thạch 越石. Ông là văn học gia, âm nhạc gia, quân sự gia người Nguỵ Xương, Trung Sơn (nay thuộc Vô Cấp, Hà Bắc) cuối đời Tam Quốc, Tây Tấn, Thập Lục Quốc. Ông từng làm Tinh châu thứ sử cho nhà Tấn. Lý Bạch: "Lưu Côn dữ Tổ Địch, Khởi vũ kê minh thần" 劉琨與祖逖,起舞雞鳴晨 (Lưu Côn và Tổ Địch, Khơi nguồn như gà gáy sáng). Lục Du: "Lưu Côn tử hậu vô kỳ sĩ, Độc thính hoang kê lệ mãn y" 劉琨死後無奇士,獨聽荒雞淚滿衣 (Lưu Côn chết đi không còn ai kỳ tài, Chỉ nghe thấy gà hoang gáy mà khóc ướt áo). Thơ văn của ông bi tráng, sung mãn, có nhiều đồng cảm với cảnh nhân dân ly loạn.
[] Tào Tháo trước trận đại chiến Xích Bích từng cầm ngang ngọn giáo đứng trước mũi thuyền ngâm thơ (bài Đoản ca hành), cho thấy khí phách của một bậc anh hùng, đời sau hay nhắc "hoành sóc phú thi" (cầm ngang giáo ngâm thơ). Ở đây tác giả dùng hai chữ "hoành sóc" ám chỉ việc "phú thi", đồng thời có ý nói Lưu Việt Thạch là một hào kiệt trên văn trường, giống như Tào Tháo là anh hùng trên chiến trường vậy.
[5] Kiến An là niên hiệu dưới đời Hán Hiến Đế, từ năm 196 đến 220, một giai đoạn văn học rất tiêu biểu và quan trọng với các đại diện là Tam Tào và Kiến An thất tử. Câu thơ ý nói Lưu Việt Thạch là một văn chương tài tử, nhưng tiếc là không sống vào đời Kiến An, nên không thể được xếp vào giai đoạn văn học này (Lưu Việt Thạch sống sau đời Kiến An).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyên Hiếu Vấn » Luận thi kỳ 02