29/03/2024 13:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bát ai thi kỳ 1 - Tặng tư không Vương công Tư Lễ
八哀詩其一-贈司空王公思禮

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/02/2015 15:53

 

Nguyên tác

司空出東夷,
童稚刷勁翮。
追隨燕薊兒,
穎脫物不隔。
服事哥舒翰,
意無流沙磧。
未甚拔行間,
犬戎大充斥。
短小精悍姿,
屹然強寇敵。
貫穿百萬眾,
出入由咫尺。
馬鞍懸將首,
甲外控鳴鏑。
洗劍青海水,
刻銘天山石。
九曲非外蕃,
其王轉深壁。
飛兔不近駕,
鷙鳥資遠擊。
曉達兵家流,
飽聞春秋癖。
胸襟日沈靜,
肅肅自有適。
潼關初潰散,
萬乘猶辟易。
偏裨無所施,
元帥見手格。
太子入朔方,
至尊狩梁益。
胡馬纏伊洛,
中原氣甚逆。
肅宗登寶位,
塞望勢敦迫。
公時徒步至,
請罪將厚責。
際會清河公,
間道傳玉冊。
天王拜跪畢,
讜議果冰釋。
翠華卷飛雪,
熊虎亙阡陌。
屯兵鳳凰山,
帳殿涇渭闢。
金城賊咽喉,
詔鎮雄所搤。
禁暴靜無雙,
爽氣春淅瀝。
巷有從公歌,
野多青青麥。
及夫哭廟後,
復領太原役。
恐懼祿位高,
悵望王土窄。
不得見清時,
嗚呼就窀穸。
永系五湖舟,
悲甚田橫客。
千秋汾晉間,
事與雲水白。
昔觀文苑傳,
豈述廉藺蹟。
嗟嗟鄧大夫,
士卒終倒戟。

Phiên âm

Tư không xuất đông di[1],
Đồng trĩ xoát kính cách.
Truy tuỳ Yên, Kế[2] nhi,
Dĩnh thoát[3] vật bất cách.
Phục sự Kha Thư Hàn[4],
Ý vô lưu sa thích.
Vị thậm bạt hàng gian,
Khuyển Nhung đại sung xích.
Đoản tiểu tinh hãn tư,
Ngật nhiên cường khấu địch.
Quán xuyên bách vạn chúng,
Xuất nhập do chỉ xích.
Mã an huyền tướng thủ,
Giáp ngoại khống minh đích.
Tẩy kiếm Thanh Hải[5] thuỷ,
Khắc minh Thiên Sơn thạch[6].
Cửu khúc phi ngoại Phồn,
Kỳ vương chuyển thâm bích[7].
Phi thố[8] bất cận giá,
Chí điểu tư viễn kích.
Hiểu đạt binh gia lưu,
Bão văn Xuân Thu phích[9].
Hung khâm nhật trầm tĩnh,
Túc túc tự hữu thích.
Đồng Quan sơ hội tán,
Vạn thặng[10] do tích dịch.
Thiên bì vô sở thi,
Nguyên suý kiến thủ cách[11].
Thái tử nhập sóc phương[12],
Chí tôn thú[13] Lương[14], Ích[15].
Hồ[16] mã triền Y, Lạc[17],
Trung nguyên khí thậm nghịch.
Túc Tông[18] đăng bảo vị,
Tái vọng thế đôn bách.
Công thời đồ bộ chí,
Thỉnh tội tương hậu trách.
Tế hội Thanh Hà công[19],
Gián đạo truyền ngọc sách[20].
Thiên vương bái quỵ tất,
Đảng nghị[21] quả băng thích[22].
Thuý hoa quyển phi tuyết,
Hùng hổ cắng thiên mạch.
Đồn binh Phụng Hoàng sơn,
Trướng điện Kinh Vị tích.
Kim Thành[23] tặc yết hầu,
Chiếu trấn hùng sở ách.
Cấm bạo tĩnh vô song,
Sảng khí xuân tích lịch.
Hạng hữu “Tòng công ca[24]”,
Dã đa thanh thanh mạch.
Cập phu khốc miếu[25] hậu,
Phục lĩnh Thái Nguyên[26] dịch.
Khủng cụ lộc vị cao,
Trướng vọng vương thổ trách.
Bất đắc kiến thanh thời,
Ô hô tựu truân tịch[27].
Vĩnh hệ Ngũ Hồ chu,
Bi thậm Điền Hoành khách[28].
Thiên thu Phần Tấn gian,
Sự dữ vân thuỷ bạch.
Tích quan văn uyển truyện,
Khởi thuật Liêm, Lạn[29] tích.
Ta ta Đặng đại phu[30],
Sĩ tốt chung đảo kích[31].

Dịch nghĩa

Quan tư không xuất thân vùng phía đông chưa khai hoá,
Từ thuở nhỏ đã tỏ ra có bộ vó rồi.
Cùng với giới trẻ vùng Yên, Kế châu trau dồi,
Cái mũi nhọn đó không có vật nào ngăn cách nó được.
Làm việc dưới trướng Kha Thư Hàn,
Ý không phải là ở mãi vùng sa mạc.
Trong hàng quân chưa lâu,
Rợ Khuyển Nhung mở trận đánh phá lớn.
Tuy binh ít và kém, nhưng thái độ chiến đấu hăng,
Anh dũng chống cự lại bọn địch mạnh.
Cai quản hàng trăm vạn người,
Ra vào chỉ trong gang tấc.
Yên ngựa treo đầu tướng giặc,
Bên ngoài áo giáp của ông tên nhọn găm đầy.
Lấy nước hồ Thanh Hải để rửa gươm vấy máu,
Khắc ghi có đá núi Thiên Sơn.
Đầu sông Hoàng Hà nào phải vùng đất ngoài của dân Thổ Phồn đâu,
Mà sao vua của họ lại chuyển thành nơi phòng vệ kỹ thế.
Loại ngựa tốt không dùng để cưỡi đi loanh quanh,
Sức con chim ó quen theo thói đánh từ xa.
Hiểu rõ được thuật của nhà quân sự,
Lại thêm thường nghe đến lòng ham thích kinh Xuân Thu.
Hàng ngày trong lòng giữ được vẻ trầm tĩnh,
Cứ chăm chắm theo mục tiêu đã định.
Trận Đồng Quan mới ra quân đã tan vỡ,
Vua cũng lo trốn chạy.
Các tì tướng không biết xử sự ra sao,
Vị chỉ huy trưởng cứ múa may thế thôi.
Thái tử chạy về phía bắc,
Vua đi tuần du vùng Lương và Ích.
Ngựa giặc Hồ vây kín vùng hai sông Y và sông Lạc,
Không khí vùng trung nguyên là phản loạn.
Túc Tông bước lên ngôi báu.
Nhìn về biên giới tình thế càng thêm quẫn bách.
Ông Vương Tư Lễ đi bộ mà tới,
Vì bị trách thua trận Đồng Quan, nên giờ xin lấy công chuộc tội.
May có được Thanh Hà công,
Theo sắc vua vội về triều kiến.
Phủ phục quỳ lạy vua,
Lời nói chân thật khiến vấn đề được giải quyết.
Cờ vua cuốn bay trong tuyết,
Gấu với hổ lũ lượt khắp các nẻo đường.
Đóng quân nơi núi Phượng Hoàng,
Xây dựng cung điện tạm trong vùng hai sông Kinh và Vị.
Kim Thành là cổ họng của bọn giặc,
Chiếu vua đã nói rõ phải giữ vững điểm chốt này.
Chốn này nay được yên lành hơn bao giờ hết,
Không khí vui tươi, mùa xuân mưa rơi rả rích.
Trong ngõ vang bài ca “Theo ông”,
Ngoài đồng, lúa xanh xanh tươi tốt.
Vào cái lúc sau khi khóc tại miếu thờ,
Ông lại được bổ nhiệm về phục dịch ở Thái Nguyên.
Vẫn thường lo sợ ở vào địa vị cao, bổng lộc nhiều,
Lo lắng coi sóc cái vùng đất hẹp này của nhà vua.
Ông đã không được thấy cái lúc thanh bình,
Ôi thôi rồi ông đi xuống dạ đài.
Con thuyền mãi mãi còn cột tại Ngũ Hồ,
Những người khách của Điền Hoành cảm thấy đau buồn lắm.
Ngàn năm nơi vùng Phần thuộc đất Tấn,
Sự việc cùng với mây nước trắng mãi.
Ngày trước tôi đọc nhởng truyện trong các tập văn,
Tôi thấy không cần kể tích Liêm Pha với Lạn Tương Như làm gì.
Thương thay cho quan đại phu họ Đặng,
Cuối cùng bị binh lính làm loạn giết chết.

Bản dịch của Phạm Doanh

Tư không gốc miền đông xa lắc,
Thuở thiếu thời đã đặc biệt rồi.
Trai Yên, Kế thường theo đòi,
Vật nào che nổi mũi dùi nhọn kia.
Theo Kha Thư ông ra làm việc,
Ý nào mong sa mạc vùi thân.
Chưa lâu ở trong hàng quân,
Rợ Khuyển, Nhung đã lấn tràn biên cương.
Tuy gian nan, kiên cường ý chí,
Rất hiên ngang bọn phỉ ngăn ngừa.
Giữa vạn người, quyết xông pha,
Đường tơ kẽ tóc vào ra như thường.
Đầu tướng giặc treo ngang yên ngựa,
Áo giáp ngoài tua tủa tên găm.
Nước Thanh Hải đem rửa gươm,
Ghi công có đá Thiên Sơn khắc bền.
Chín khúc, đất của Phiên đâu phải,
Mà vua chúng cứ tới đóng đồn.
Ngựa hay không cưỡi đường gần,
Đội lính dũng mãnh rất cần đánh xa.
Sớm am hiểu binh gia chiến lược,
Nghe nói thường ôm cục Xuân Thu.
Trong lòng ngày vẫn tỉnh khô,
Chăm chăm chờ đợi thời cơ chín mùi.
Chốn Đồng Quan cái hồi tan vỡ,
Xe nhà vua cũng đã bỏ đi.
Phụ tá không biết làm gì,
Tay không đánh giặc, chỉ huy lo lường.
Thái tử lên bắc phương cự địch,
Vua cha tuần thú Ích, Lương châu.
Bao vây Y, Lạc: ngựa Hồ,
Không khí tán loạn bụi mù trung nguyên.
Túc Tông vội leo lên ngôi báu,
Chốn biên thuỳ nhộn nhạo lâm nguy.
Ông liền cất bộ tới ngay,
Lập công chuộc lỗi nặng ngày thua xưa.
May gặp ngài Thanh Hà giúp đỡ,
Có chiếu vua gọi trở về triều.
Trước vua bái gục cả đầu,
Lời nói thành thật được tâu dãi bày.
Cờ hoa cuốn, tuyết bay phần phật,
Gấu với hổ kéo chật nẻo đường.
Đóng quân tại núi Phượng Hoàng,
Kinh, Vị dựng điện tạm trương bức màn.
Chặn Kim Thành nhằm ngăn họng giặc,
Giữ vững thành, theo sắc vua ra.
Bạo loạn vắng, khác xưa xa,
Bầu trời tươi mát chan hoà sắc xuân.
Các ngả đường theo chân ông tới,
Nơi ruộng đồng phơi phới lúa xanh.
Ôi thôi sau khi công thành,
Thái Nguyên chốn cũ lại dành riêng ai.
Những e sợ cao ngôi bổng lộc,
Đất vua những thao thức trông coi.
Lúc thanh bình, chẳng thấy rồi,
Than ôi thôi xuống dạ đài mới yên.
Nơi Ngũ Hồ, con thuyền cột mãi,
Khách Điền Hoành ôm mối sầu than.
Ngàn năm đất Tấn, sông Phần,
Nước mây trong trắng, việc còn ghi đây.
Xưa vườn văn mê say đọc kỹ,
Chuyện Liêm, Lạn há kể vào đâu.
Thương cho quan Đặng đại phu,
Chung cuộc binh lính quay đầu dáo đâm.
(Năm 766)

Vương Tư Lễ 王思禮 (?-761) là một tướng lĩnh đời Đường, người gốc Cao Ly, nhập cư Doanh Châu (nay là Triêu Dương, Liêu Ninh), cha ông từng giữ chức tướng của Sóc Phương quân. Ông và Kha Thư Hàn 哥舒翰 là bộ tướng của Vương Trung Tự 王忠嗣 tại Hà Tây, có công nên thăng làm Tả vệ tướng quân Quan Tây binh mã sứ. Năm Thiên Bảo thứ 23 (754) đời vua Huyền Tông thêm chức thái thú quận Kim Thành. Ông từng bí mật đề nghị cùng Kha Thư Hàn kiến nghị, dâng biểu xin giết Dương Quốc Trung 楊國忠. Khi loạn An-Sử xảy ra, ông đang giữ chức phó sứ Đồng Quan, Kha Thư Hàn giữ chức An Tây tiết độ sứ. Trận Đồng Quan thảm bại cho quân nhà Đường, Kha Thư Hàn bị giặc bắt, Vương Tư Lễ bị thương ngã ngựa may có viên tướng dưới quyền là Trương Quang Thịnh 張光晟 giúp đỡ nên thoát chết. Hoảng loạn trở về từ Đồng Quan, vua cử ông làm Hà Tây, Lũng Hữu tiết độ sứ. Tháng tư, Vương Tư Lễ dẹp Dương Mân 楊旻, một tướng của Sử Tư Minh tại phía đông Lộ Thành. Sau khi thu phục được Trường An, ông được cử làm Binh bộ thượng thư, phong Hoắc quốc công kiêm Lộ Châu và Thấm Châu tiết độ sứ. Năm Càn Nguyên thứ 2 (759), hẹn cùng với Quách Tử Nghi và chín tiết độ khác bao vây An Khánh Thự ở Tương Châu. Mà cuối cùng chỉ có quân của Vương Tư Lễ với quân cúa Lý Quang Bật 安慶緒 là đầy đủ. Thượng Nguyên năm đầu (760) ông thăng tư không. Năm sau mệnh chung, truy tặng thái uý, ban tên thuỵ là Vũ Liệt 武烈.

[1] Chỉ Cao Ly, phiên thuộc của nhà Đường.
[2] Nay là vùng phía bắc tỉnh Hà Bắc.
[3] Cũng có khi viết là “thoát dĩnh” 脫穎, ló mũi nhọn, như dùi chứa trong túi, mũi nhọn tất lòi ra. Chữ mượn của Tư Mã Thiên 司馬遷 trong Sử ký 史記, Bình Nguyên quân Ngu khanh truyện 平原君虞卿傳: “Mao Toại viết: Thần nãi kim nhật thỉnh xử nang trung nhĩ. Sử Toại tảo đắc xử nang trung, nãi dĩnh thoát nhi xuất, phi đặc kỳ mạt kiến nhi dĩ” 毛遂曰:臣乃今日請處囊中耳。使遂蚤得處囊中,乃穎 脫而出,非特其末見而已 (Mao Toại nói: Thần chờ đến ngày nay xin được bỏ vào trong túi. Nếu sớm bỏ Toại này vào trong túi, bèn nhú đầu nhọn mà ra, khác hẳn thấy cái chuôi như thế). Sau này cụm từ dùng chỉ người tài gặp cơ hội tất sẽ phát huy bản lĩnh.
[4] Kha Thư Hàn (?-757) là thủ lĩnh của đoàn đột kỵ của quân đội nhà Đường (Tây Đột Quyết biệt bộ). Ông là con của thủ lĩnh bộ lạc Kha Thư, thường được xưng là Kha Thư đạo nguyên 哥舒道元, gốc dân tộc Thổ Phồn. Các dân tộc ít người thường lấy tên bộ lạc mình làm họ. Mới đầu giữ chức nha tướng cho Vương Trung Tự 王忠嗣, sau giữ tiết độ sứ. Lập được nhiều công ở vùng Hà Tây (nay là Vũ Uy, Cam Túc), nên được phong là Bình tây quận vương 平西郡王. Năm Thiên Bảo, giữ chức Lũng Hữu tiết độ sứ. Khi An lộc Sơn nổi loạn, Đường Huyền Tông cử thay Cao Tiên Chi trấn thủ Đồng Quan (Thiểm Tây). Do sức ép của Dương Quốc Trung buộc ông phải khai chiến với tướng Thôi Càn Hựu (phe An Lộc Sơn) thay vì cố thủ, đưa đến kết quả là toàn quân bị hại. Ông bị bắt và dụ đầu hàng, nhưng ông từ chối. Sau bị An Khánh Thự (con An Lộc Sơn) giết.
[5] Cũng gọi là Tiên Hải 仙海, tên hồ thuộc tỉnh Thanh Hải.
[6] Dùng đá núi Thiên Sơn để ghi công. Thiên Sơn thuộc trung bộ Tân Cương. Điển rút từ Phạm Diệp 范曄 trong Hậu Hán thư 後漢書, Đậu Dung truyện 竇融傳 và Đậu Hiến truyện 竇憲傳: “Hoà đế Vĩnh Nguyên nguyên niên, Đậu Hiến xuất kích Hung Nô đăng Yên Nhiên sơn, khắc thạch lặc công nhi hoàn” 和帝永元元年,竇憲出擊匈奴登燕然山,刻石勒功而還 (Vào năm Vĩnh Nguyên năm đầu đời vua Hoà Đế, Đậu Hiến đi đánh Hung Nô, lên núi Yên Nhiên, khắc đá ghi công rồi về).
[7] Do chữ “cao bích thâm luỹ” 高壁深壘, chỉ sự phòng vệ kiên cố.
[8] Theo Lã thị Xuân Thu 吕氏春秋 “Phi thố, yêu niểu, cổ chi tuấn mã dã 飛 兔、要褭,古之駿馬也 (Vì khi cưỡi, nó như con thỏ bay).
[9] Mê đọc kinh Xuân Thu, là một trong năm kinh mà nhà nho trân trọng, do Khổng Tử san định, căn cứ vào sử nước Lỗ, ghi lại những diễn biến quan trọng tại các nước chư hầu, tuyên dương tư tưởng vương đạo. Chữ mượn từ Tấn thư, Đỗ Dự truyện 杜預傳: Vua Vũ Đế hỏi Đỗ Dự mê cái gì, Dự đáp mê Tả truyện (“Thần hữu Tả truyện phích” 臣有左傳癖, Tả truyện là gọi tắt của Xuân Thu tả truyện, sách chép truyện thời Xuân Thu do Tả Khâu Minh viết).
[10] Theo chế độ nhà Chu, đất đai của thiên tử rộng ngàn dặm vuông, binh xa vạn cỗ. Do dó người đời sau gọi thiên tử là vạn thặng.
[11] Do chữ “đồ thủ cách kích” 徒手格擊, tay không đánh giặc.
[12] Lý Hanh chạy lên Thiểm Tây, điều hành công việc tìm viện binh chống đỡ.
[13] Nói giảm việc Đường Minh Hoàng chạy vào đất Thục, có Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi theo hầu.
[14] Lương Châu, một trong chín châu thời xưa, nằm trong dải Thiểm Tây và Tứ Xuyên.
[15] Ích Châu, nay là tỉnh Tứ Xuyên.
[16] Chỉ An Lộc Sơn, vì có gốc người Hồ.
[17] Hai sông gọi chung một tên. Kinh thư, thiên Vũ Cống 禹貢: “Y Lạc Triền giản, ký nhập vu hà” 伊洛瀍澗,既入于河 (Các suối Y, Lạc, Triền, rồi nhập vào sông). Sông Triền phát nguyên từ núi Nhiệm Gia, huyện Mạnh Tân, Hà Nam, chảy về đông qua huyện Lạc Dương rồi đổ vào sông Lạc. Sông Y phát nguyên từ huyện Lô Thị, Hà Nam, chảy về đông qua huyện Yển Sư rồi đổ vào sông Lạc.
[18] Lý Hanh 李亨 (711-762), con thứ ba của Đường Huyền Tông, năm 756 lên ngôi ở Linh Vũ huyện Mi, Thiểm Tây (nay là Linh Vũ, tỉnh Ninh Hạ), niên hiệu Chí Đức.
[19] Chỉ Phòng Quán 房琯 (696-763) tự Thứ Luật 次律, người Yển Sư, Hà Nam.
[20] Kha Thư Hàn thua trận Đồng Quan, bị giặc bắt, Tư Lễ chạy về nơi Túc Tông đóng quân, vua ra lệnh chém đầu. Thanh Hà công Phòng Quán lúc đó ở Thục theo sắc nhà vua mà đến. Ông có xin nhà vua chấp nhận giải pháp “khả thu hậu hiệu” 可收後效 (chờ thành tích sau này). Vua chấp thuận.
[21] Do chữ “chân ngôn đảng nghị” 直言讜議, thành thật bàn bạc.
[22] Do chữ “đống giải băng thích” 凍解冰釋 (giá tan băng nát) nói về việc giải quyết bất đồng do hiểu lầm, đả thông tư tưởng.
[23] Năm Cảnh Long thứ 4 (710) tiễn đưa công chúa Kim Thành 金城公主 (698-739), là con nuôi của Trung Tông, tới huyện Thuỷ Bình (nay là Hưng Bình, Thiểm Tây) sang Thổ Phồn, đổi tên huyện này thành Kim Thành. Nguyên do là năm 707, vua Thổ Phồn cầu hôn, Trung Tông thuận gả cho Xích Đới Châu Đan 尺帶珠丹 (698-755) là tán phổ (cách gọi vua xứ Tạng) của Thổ Phồn để mong hoà hiếu. Lúc này Vương Tư Lễ đang giữ chức quan nội tiết độ sứ, trấn đóng nơi đây.
[24] Bài ca ngợi Lỗ hầu. Kinh thi, phần Lỗ tụng, bài Phán thuỷ 泮水: “Vô tiểu vô đại, tùng công vu mại” 無小無大,從公于邁 (Chẳng già, không trẻ, đều về bên ông).
[25] Túc Tông lấy lại được kinh đô, tới khóc trước linh vị các vua đời trước.
[26] Thuộc tỉnh Sơn Tây.
[27] Đêm dài, chỉ việc chôn cất, phần mộ. Chữ từ Tả truyện: “Duy thị xuân thu truân tịch chi sự, sở dĩ tùng tiên quân vu nhĩ miếu giả, thỉnh vi linh nhược lệ” 唯是春秋窀穸之事,所以 從先君于禰廟者,請爲鴒若厲. Đỗ Dự 杜預 đời Tấn chú: truân là dầy, tịch là đêm, đêm dầy tức là đêm dài, xuân thu là nói về tế lễ, trường dạ nói về chôn cất.
[28] Các tân khách của Điền Hoành. Điền Hoành (? - 202 tr.CN) người huyện Địch (nay là huyện Cao Thanh, Sơn Đông), sống vào lúc nhà Tần suy. Trong thời gian này có Trần Thiệp 陳涉 nổi lên, thiên hạ đại loạn. Trong huyện Địch có dòng dõi vua nước Tề là Điền Đam 田儋, và anh em Điền Vinh 田榮, Điền Hoành 田橫 tự xưng vương chống lại Tần. Điền Đam bị tướng nhà Tần là Chương Hàm giết chết, người em họ là Điền Vinh 田榮 lên thay. Hạng Vũ 項羽 đánh dẹp, giết chết Vinh. Điền Hoành thu phục đất đã mất, lập con Điền Vinh là Điền Quảng 田廣 lên làm vua, tự mình làm tướng. Trong cuộc Sở Hán tranh hùng, Hán vương Lưu Bang phái sứ giả là Ly Thực Kỳ 酈食其 sang Tề để lập thế liên kết, cuối cùng thuyết phục được Điền Quảng với Điền Hoành. Vì thế Hoành bãi binh không phòng bị, mở tiệc ăn mừng. Đúng lúc này tướng của Lưu Bang là Hàn Tín muốn lập công, sẵn có Ly Thực Kỳ tại Tề chưa về, kéo binh sang phía đông, tiến vào nước Tề. Điền Hoành, Điền Quảng giận dữ, cho là Lưu Bang phản bội, bèn giết Ly Thực Kỳ và kháng cự quân Hàn Tín. Quân Tề thua to, Hàn Tín đánh tan quân Tề ở Lịch Hạ, hãm đô thành Lâm Truy. Sau đó Hàn Tín xin Lưu Bang cho mình làm vương nước Tề. Điền Quảng trong khi trốn chạy, bị giết, Điền Hoành với đám tàn quân nhất định kháng chiến, tự xưng vương. Quãng năm sau Lưu Bang diệt được Hạng Vũ, tự xưng là hoàng đế. Thấy lâm nguy, sau cùng với bộ hạ chừng năm trăm người kéo ra biển, sống trên đảo, định kế lâu dài. Lưu Bang muốn thu phục, hứa tha tội cho Hoành với lời răn đe Ly Thương (em Ly Thực Kỳ) hiện đang làm quan to trong triều. Ở vào thế kẹt, Hoành cùng với hai tuỳ tòng đi về kinh đô nhà Hán là Lạc Dương. Khi tới Thi Hương, cách Lạc Dương chừng 30 dặm, Điền Hoành nghĩ rằng Lưu Bang chỉ muốn thấy mặt mình mà thôi, nên đã bàn định cùng hai tân khách đi theo mình, Hoành tự cắt đầu mình để hai tân khách mang về cho Lưu Bang. Lưu Bang khâm phục Điền Hoành và phong chức đô uý cho hai viên tân khách cùng là làm lễ tống táng Điền Hoành. Sau khi mai táng xong, hai vị tân khách này cũng tự sát. Lưu Bang lại sai người ra đảo để chiêu hồi đám tân khách còn lại. Đám người này nghe tin Điền Hoành và hai vị tân khách đã tự sát, bọn họ cũng tự sát sau đó. Khi sứ giả cúa Lưu Bang tới đảo mới rõ sự việc. Chữ “Điền Hoành khách” chỉ những người theo phò Điền Hoành chạy ra hải đảo này.
[29] Liêm Pha 廉頗 và Lạn Tương Như 藺相如, cùng là danh tướng nước Triệu, cùng chống Tần. Do việc sảy ra tại triều đình nước Tần mà Lạn Tương Như được vua Triệu quý hơn Liêm Pha. Liêm Pha ghen tị, quyết làm nhục Lạn Tương Như trước đám đông. Nhưng Lạn Tương Như một mực né tránh. Điều này khiến các tân khách của Lạn Tương Như bất mãn, đòi bỏ ra đi. Tương Như giải thích hành vi của mình nhằm bảo vệ mối đoàn kết nội bộ nước Triệu qua hai người để chống lại Tần. Chuyện đến tai Liêm Pha, khiến ông này hiểu lẽ và tới xin lỗi Lạn Tương Như vì hành vi thất thố của mình. Ở đây ý nói chỉ cần một đời Vương tư Lễ là đủ rồi.
[30] Đặng Cảnh Sơn 鄧景山 (?-762), đại thần đời Đường, người Phúc Kiến, hậu duệ của Đặng Du 鄧攸, người bỏ con cứu cháu (tích Bá Đạo vô nhi 伯道無兒). Năm Bảo Ứng đầu (762), khi Đặng Cảnh Sơn đang là quan doãn của Thái Nguyên thì bị quân Hà Đông nổi loạn giết.
[31] Quay cán dáo, chỉ làm phản.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Bát ai thi kỳ 1 - Tặng tư không Vương công Tư Lễ