20/04/2024 21:37Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ghé Sài Gòn

Tác giả: Minh Sơn Lê

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Minh Sơn Lê vào 22/06/2022 20:18

 

Tháng Mười trời đậu heo may
Ôi thôi! nhậu nhẹt vui say đầy đường
Đã lâu xa vắng phố phường
Hôm nay thăm lại… chán chường còn hơn!

Mẹt ơi, cái đất Sài Gòn
Giờ đông như kiến bu hòn kẹo thơm
Rần rần cái cuộc áo cơm
Xe thì nhúc nhích chẳng còn đường đi!

Vậy mà đòi sánh Paris
Làm “Tây mũi lõ” cười khi trong lòng
Xót xa “hòn ngọc Viễn Đông”
Đem đi đập bỏ cho lòng dân đau!

Lại còn bày đặt lao nhao
Xây nhà hát lớn sang cao hơn người
Múa Ba Lê, nhạc không lời
“Thất trình Giao hưởng” mấy người biết nghe?

Thời nay lủ khủ “Ông nghè” (*)
Nói ra mấy chữ đã nghe… hết hồn!
Nè, “pha xê bốc… chấm com”
“Cờ-Lờ-Mờ” chắc mãi còn dư âm…

Sài Gòn lâu quá “dìa” thăm
Mà nghe sao nó tím bầm ruột gan
Thôi “dìa” quê cũ nghèo nàn
Ôm lờ đánh giấc mơ màng vu vơ

Có buồn… mắc võng “mần thơ”
Cho người tình mộng đôi bờ xa xôi
Lắng hồn nghe vận nước trôi
Bên bờ non nước vọng lời tiền nhân

Tháng Mười mưa thấm lạnh thân
Gió mùa đông-bắc… vàng sân lá đầy
Ôm lờ nghe buốt bàn tay
Người xa xôi quá lòng này cô liêu…
14.10.18 (Bài số 17)

* Ông nghè là tên dân gian dành cho những người học hành đi thi đỗ đạt cao thời phong kiến, có học vị tiến sĩ và đậu qua kỳ thi hội. Ngày xưa, các kỳ thi được tổ chức theo thứ tự từ thấp đến cao là thi hương, thi hội, thi đình. Thí sinh đậu ở các kỳ thi sẽ được gọi bằng danh xưng như sau:
- Thi hương: ông đồ, ông tú, ông cống, ông cử.
- Thi hội: tiến sĩ tức thái học sinh (dân gian gọi là ông nghè). Người đậu cao nhất gọi là hội nguyên.
- Thi đình: lần lượt từ cao xuống thấp là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, tiến sĩ. Người đậu cao nhất gọi là đình nguyên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Minh Sơn Lê » Ghé Sài Gòn