27/04/2024 11:43Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mạt Lăng khẩu hào
秣陵口號

Tác giả: Ngô Vĩ Nghiệp - 吳偉業

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Minh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 15/03/2019 01:20

 

Nguyên tác

車馬垂楊十字街,
河橋燈火舊秦淮。
放衙非復通侯第,
廢圃誰知博士齋。
易餅市傍王殿瓦,
換魚江上孝陵柴。
無端射取原頭鹿,
收得長生苑內牌。

Phiên âm

Xa mã thuỳ dương thập tự nhai,
Hà Kiều[1] đăng hoả cựu Tần Hoài.
Phóng nha[2] phi phục thông hầu[3] đệ,
Phế phố thuỳ tri bác sĩ trai[4].
Dịch bính thị bàng vương điện ngoã,
Hoán ngư giang thượng Hiếu Lăng[5] sài.
Vô đoan xạ thủ nguyên đầu lộc[6],
Thu đắc Trường Sinh uyển[7] nội bài[8].

Dịch nghĩa

Đường chữ thập liễu rủ xe ngựa qua lại
Đèn lửa Hà Kiều Tần Hoài xưa
Phóng nha trước đây là phủ thông hầu
Vườn hoang không ai nhận ra nhà bác sĩ
Đổi bánh chợ bằng ngói điện vua
Đổi cá sông bằng củi ở Hiếu Lăng
Không đâu bắn chết hươu bãi
Thu được biển trong uyển Trường Sinh

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Đường chữ thập liễu buông xe ngựa
Vẫn Tần Hoài đèn lửa Hà Kiều
Phóng nha thay phủ thông hầu
Vườn hoang, bác sĩ trước lầu ai hay
Đem ngói điện gán ngay bánh chợ
Củi Hiếu Lăng đổi cá trên sông
Bắn chết hươu bãi không dưng
Biển đeo bạc trắng uyển Trường Sinh thu
Mạt Lăng tức Nam Kinh ngày nay, còn gọi là Kim Lăng. Minh đặt Ứng Thiên phủ làm kinh đô, nên gọi là Nam Kinh. Khẩu hào là theo miệng ngâm mà thành thơ.

[1] Trấn Hà Kiều ở ngoài cửa nam thành, có cầu bắc qua sông Tần Hoài, tức cầu Chu Tước thời cổ.
[2] Theo chế độ của quan phủ thời cổ, sáng chiều nha môn hai lần vào phủ tham kiến, buổi miễn tham kiến gọi là phóng nha.
[3] Tác giả tự chú: “Trung Sơn tứ trạch, cải tác công thự” (Nhà ban cho Trung Sơn đổi thành công thự). Trung Sơn chỉ Trung Sơn vương Từ Đạt. Thông hầu là là tên tước vị thời cổ. Thời Tần, công thần khác họ được phong hầu, gọi là triệt hầu. Sang Hán vì tránh tên Vũ Đế Lưu Triệt, nên đổi là thông hầu.
[4] Chỉ Quốc Tử Giám. Năm Sùng Trinh thứ 9, tác giả từng làm tư nghiệp Quốc Tử Giám ở Nam Kinh.
[5] Lăng mộ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương ở phía nam chân núi Tử Kim, Nam Kinh.
[6] Trước đây Hiếu Lăng có nuôi hươu.
[7] Người xưa thấy hươu sống lâu, nên gọi Lộc Uyển ở Hiếu Lăng là Trường Sinh uyển.
[8] Là cái biển. Tương truyền trong Hiếu Lăng có nuôi mấy nghìn con hươu, cổ hươu có đeo một cái biển bằng bạc, ai giết trộm thì bị tội chết. Nay thì người ta tuỳ ý đến bắn chết hươu, lấy biển bạc.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Vĩ Nghiệp » Mạt Lăng khẩu hào