24/04/2024 09:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đại An hải khẩu

Tác giả: Nguyễn Bảo - 阮保

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 01/04/2020 10:09

 

Phiên âm

Bột Hải[1] mang dương tuyết lãng đê
Hàn trào doanh súc lão thu[2]
Phỏng cầu tiên dược vô phương sĩ[3]
Xạ áp đào đầu hữu thuỷ tê[4]
Long trảo[5] uy linh không miếu mạo
Lạc điền[6] canh chủng biến xuân huề
Miến hoài Hưng Khánh[7] dương niên tiệp
Kình quán[8] tăng phong phất hải nghê[9]

Bản dịch của Bùi Duy Tân

Biển Bột mênh mông sóng tuyết vờn
Thuỷ triều lên xuống cuộn từng cơn
Tìm đâu phương sĩ mà xin thuốc
Cưỡi sóng thuỷ tê lướt dập dồn
Chiếc móng oai linh trơ miếu mạo
Lạc điền cày cấy bật chồi non
Ai hay Hưng Khánh xưa kỳ tích
Xác giặc chất chồng luỵ vợ con
Đại An còn có tên là Đại Nha, Đại Ác, là một cửa biển nay thuộc Nghĩa Hưng, Bắc Ninh.

[1] Tên biển thuộc Trung Quốc.
[2] Theo truyền thuyết: thu là một loại cá lớn, dài đến vài ngàn dặm, ở hang dưới đáy biển. Khi cá vào hang thì nước biển dâng lên, khi cá ra khỏi hang, nước triều rút xuống. Ý thơ nói cửa biển Đại An, nước triều lên xuống đầy vơi.
[3] Nghĩa như đạo sĩ, người tu luyện tiên thuật, có nhiều phép thuật, trừ tà chữa bệnh màu nhiệm. Cảnh đẹp Đại An như cõi thần tiên, thế mà đến cầu thuốc tiên lại không gặp phương sĩ.
[4] Tên một loại tê ngưu sản sinh ở miền biển. Theo truyền thuyết: thuỷ tê thường cưỡi sóng mà đi.
[5] Móng rồng. Tác giả nhìn vào miếu thờ Triệu Quang Phục, hồi tưởng đến “oai linh móng rồng” mà Chử Đồng Tử đã trao cho Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) để tăng thêm sức mạnh chống quân xâm lược phương Bắc. Sau khi thắng quân xâm lược, bị Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) phản trắc gây nội chiến, Triệu Quang Phục thua trận, chạy đến cửa Đại An và mất ở đấy, nhân dân có dựng miếu thờ.
[6] Ruộng Lạc. Sử cũ chép: “Ruộng Lạc theo nước triều lên xuống mà làm, dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là dân Lạc”. Ở đây chỉ loại ruộng mới lấn biển.
[7] Niên hiệu đời Trần Giản Định, đặt từ 1407 đến 1409, có trận thắng lớn quân Minh ở Bô Cô gần cửa biển Đại An.
[8] Kình là loài cá hung dữ, thường ví với quân giặc. Kình quán: gò đống chôn xác giặc Bắc.
[9] Là loại cá kình cái. Bọn giặc hung dữ (kình) bại trận chết đi chất thành gò đống làm cho gia đình vợ con chúng (hải nghê) đau khổ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bảo » Đại An hải khẩu