25/04/2024 03:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tặng Thục tăng Lư Khâu sư huynh
贈蜀僧閭丘師兄

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 08/02/2015 11:19

 

Nguyên tác

大師銅梁秀,
籍籍名家孫。
嗚呼先博士,
炳靈精氣奔。
惟昔武皇后,
臨軒禦乾坤。
多士盡儒冠,
墨客藹雲屯。
當時上紫殿,
不獨卿相尊。
世傳閭丘筆,
峻極逾昆侖。
鳳藏丹霄暮,
龍去白水渾。
青熒雪嶺東,
碑碣舊制存。
斯文散都邑,
高價越璵璠。
晚看作者意,
妙絕與誰論。
吾祖詩冠古,
同年蒙主恩。
豫章夾日月,
歲久空深根。
小子思疏闊,
豈能達詞門。
窮愁一揮淚,
相遇即諸昆。
我住錦官城,
兄居祇樹園。
地近慰旅愁,
往來當丘樊。
天涯歇滯雨,
粳稻臥不翻。
漂然薄遊倦,
始與道侶敦。
景晏步修廊,
而無車馬喧。
夜闌接軟語,
落月如金盆。
漠漠世界黑,
驅車爭奪繁。
惟有摩尼珠,
可照濁水源。

Phiên âm

Đại sư Đồng Lương[1] tú,
Tịch tịch danh gia tôn.
Ô hô tiên bác sĩ[2],
Bính linh tinh khí bôn.
Duy tích Vũ hoàng hậu,
Lâm hiên ngự càn khôn.
Đa sĩ tận nho quán,
Mặc khách ái vân đồn.
Đương thì thướng tử điện,
Bất độc khanh tướng tôn.
Thế truyền "Lư Khâu bút[3]",
Tuấn cực du Côn Lôn.
Phượng tàng đan tiêu mộ,
Long khứ bạch thuỷ hồn.
Thanh huỳnh Tuyết Lĩnh[4] đông,
Bi kệ cựu chế tồn.
Tư văn tán đô ấp,
Cao giá việt dư phan.
Vãn khan tác giả ý,
Diệu tuyệt dữ thuỳ luân.
Ngô tổ[5] thi quán cổ,
Đồng niên mông chủ ân.
Dự chương[6] giáp nhật nguyệt,
Tuế cửu không thâm căn.
Tiểu tử tứ sơ khoát,
Khởi năng đạt từ môn.
Cùng sầu nhất huy lệ,
Tương ngộ tức chư côn.
Ngã trú Cẩm Quan thành,
Huynh cư Kỳ Thụ viên[7].
Địa cận uỷ lữ sầu,
Vãng lai đương khâu phàn.
Thiên nhai hiết trệ vũ,
Ngạnh đạo ngoạ bất phiên.
Phiêu nhiên bạc du quyện,
Thuỷ dữ đạo lữ đôn.
Cảnh yến bộ tu lang,
Nhi vô xa mã huyên.
Dạ lan tiếp nhuyễn ngữ,
Lạc nguyệt như kim bồn.
Mạc mạc thế giới hắc,
Khu xa tranh đoạt phồn.
Duy hữu ma ni châu[8],
Khả chiếu trọc thuỷ nguyên.

Dịch nghĩa

Vị sư là người xuất sắc vùng Đồng Lương,
Rõ ràng là gốc con nhà danh tiếng.
Than ôi vị bác sĩ thuở trước,
Cái khí thiêng liêng sáng rực sao mà mất đi.
Thuở xưa Vũ hoàng hậu,
Ra trước điện để nắm quyền hành.
Các người ra làm quan là những nhà nho,
Khách văn chương tụ tập như mây dồn.
Vào lúc đó bước lên điện tía,
Không phải chỉ có các vị khanh, tướng chức lớn thôi.
Người đời còn truyền tụng câu "bút Lương Khâu",
Vĩ đại hơn cả núi Côn Lôn.
Chim phượng ẩn sau làn ráng chiều đỏ rực,
Rồng bỏ đi khi dòng nước trong bị vẩn đục.
Sáng loáng nơi phía đông Tuyết Lĩnh,
Chứng tích cũ còn lại nơi bia đá kia.
Văn của ông truyền rộng cả thôn quê lẫn thành thị,
Giá trị còn hơn cả ngọc quý.
Sau này xét đến ý của tác giả,
Thấy thật là hay, biết bàn luận cùng ai.
Ông nội tôi về thơ cũng vượt đời trước,
Hưởng ơn vua cùng thời.
Cây dự chương gần sát với mặt trời mặt trăng,
Năm tháng không thể lay chuyển gốc rễ.
Phận con cháu như tôi đây, ý tứ còn non kém,
Làm sao mà có thể đạt đến cửa làng văn chương.
Rất buồn rầu gạt lệ rơi,
Nay được cùng gặp người cháu của ông.
Tôi ở Cẩm Quan thành,
Còn anh tu ở Kỳ Thụ viên.
Đất hai nơi gần nhau nên dễ chia sẻ nỗi buồn nơi đất khách,
Đi về chỉ cần leo qua ngọn đồi.
Nơi chân trời không có lấy một giọt nước mưa,
Cây lúa cứ gục không ngóc đầu được.
Mệt vì cứ đi lặt vặt,
Nên mới khởi đầu thân thiết với bạn cùng đạo.
Cảnh đẹp bước đi dưới hàng hiên được trang hoàng,
Mà không có cảnh xe ngựa ồn ào.
Đêm gần tàn nhận được những lời kinh êm dịu,
Trăng tà như cái chậu bằng vàng.
Cái thế giới đen tối tù mù này,
Có rất nhiều cảnh đua xe để tranh đoạt.
Chỉ có viên ngọc ma ni,
Mới có thể chiếu xuyên cái nguồn nước đục được.

Bản dịch của Phạm Doanh

Tại Đồng Lương, sư người sáng chói,
Rõ ràng là dòng dõi nhà nòi.
Trước kia bác sĩ, than ôi,
Khí thiêng sáng rực sao rời đi ngay.
Xưa còn nhớ cái ngày Vũ hậu
Việc nước nghe triều tấu chăm lo
Các quan đều là nhà nho,
Khách văn cũng tới nhiều như mây dồn.
Thời đó người bước lên điện trướng,
Không chỉ riêng khanh tướng được tôn.
Bút Lư Khâu, đời vẫn đồn
Uy nghi vượt cả Côn Lôn đỉnh thần.
Phượng chiều núp sau màn ráng đỏ,
Dòng trong đục rồng bỏ đi luôn.
Phía đông Tuyết Lĩnh sáng rờn,
Chứng cớ xưa vẫn thấy còn trên bi.
Văn của ông truyền đi khắp chỗ,
Giá còn cao hơn cả ngọc vàng.
Nay ngẫm ý tỏ từng trang,
Thật là thâm thuý biết bàn cùng ai
Ông nội tôi thơ tài vượt trước,
Cũng cùng thời hưởng được ơn cao.
Dự chương gần sát trăng sao,
Năm tháng vẫn vững rễ sâu cây bền.
Tôi nay vốn tài hèn sức dở,
Làm sao mà tới cửa làng văn.
Buồn rầu tay gạt lệ tràn,
Bây giờ may gặp cháu con của người.
Tại Cẩm Quan thành, tôi tạm trú
Còn anh nơi Kỳ Thụ viên tu.
Đất gần chia nỗi ở xa
Thăm nhau cứ việc bước ra leo đồi.
Chân trời mưa không rơi một giọt,
Cây lúa non cứ nhụt cả đầu.
Chán cảnh rong chơi đâu đâu,
Nay cùng bạn đạo trao câu tâm đầu.
Hành lang, cảnh đẹp sao, đi dạo,
Lại không hề huyên náo ngựa xe.
Tảng sáng kinh tụng thoáng nghe,
Trăng tàn hiện dáng tròn xoe chậu vàng.
Thế giới này mang mang, đen tối,
Lại thêm xe rượt đuổi tranh đi.
Chỉ có ngọc sáng ma ni,
Mới soi thấy rõ chi li nước ròng.
(Năm 760)

Sư Lư Khâu là cháu nội của quan thái thường bác sĩ Lư Khâu Quân, người xứ Thục.

[1] Nay thuộc quyền quản hạt của thành phố Trùng Khánh, được thiết lập từ đời Đường, thành của huyện ở về phía đông của núi Đồng, nên mang tên này.
[2] Lư Khâu Quân.
[3] Thời Lục triều định rằng bài có vần thì gọi là văn, không vần gọi là bút.
[4] Núi ở gần Duy Châu, Tứ Xuyên. Đây chỉ quê hương Lư Khâu Quân.
[5] Chỉ Đỗ Thẩm Ngôn, ông nội của Đỗ Phủ.
[6] Cây long não, loài cây cao quý trong truyền thuyết thần thoại.
[7] Vườn mà thái tử Kỳ Đà 祇陀 (Jeta) đem cây tới trồng trên đất của Cô Độc (Anathapindika, một trưởng giả): "Kỳ Thụ cấp Cô Độc viên" 祇樹給孤獨園 (Jetavana Vihara), gọi tắt là Kỳ viên, tịnh xá đầu tiên mà Sudatta cúng dường Đức Phật. Sau này trở thành tên chung để chỉ chùa Phật.
[8] Còn gọi là ngọc như ý, phiếm chỉ ý thức giác ngộ của nhà Phật.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Tặng Thục tăng Lư Khâu sư huynh