29/03/2024 16:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi 10

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 29/06/2005 11:11

 

Lầm tưởng thư hương, mắc mưu bợm Sở,
Thương thay phận bạc trúng kế con buôn.
(Câu 991-1122)


Vực nàng vào chốn hiên tây
Cắt người coi sóc, rước thầy thuốc men
Nào hay chưa hết trần duyên[1]
Trong mê đường đã đứng bên một nàng
995. Rỉ rằng: Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao!
Số còn nặng nghiệp má đào
Người dầu muốn quyết, trời nào đã cho?
Hãy xin hết kiếp liễu bồ
1000. Sông Tiền Đường[2] sẽ hẹn hò về sau.
Thuốc thang suốt một ngày thâu
Giấc mê nghe đã giầu giầu vừa tan

Tú Bà chực sẵn bên màn
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần:
1005. Một người đễ có mấy thân!
Hoa xuân đương nhuỵ[3], ngày xuân còn dài
Cũng là lỡ một lầm hai
Đá vàng[4] sao nỡ ép nài mây mưa!
Lỡ chân trót đã vào đây
1010. Khoá buồng xuân[5] để đợi ngày đào non[6]
Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà
Làm chi tội báo[7] oan gia[8]
Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?
1015. Kề tai mấy nỗi nằn nì
Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi[9]
Vả trong thần mộng[10] mấy lời
Túc nhân[11] âu cũng có trời ở trong
Kiếp này nợ trả chưa xong
1020. Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau?
Lặng nghe thấm thía gót đầu
Thưa rằng: Ai có muốn đâu thế này
Được như lời thế là may
Hẳn rằng mai có như vầy được chăng?
1025. Sợ khi ong bướm đãi đằng[12]
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!
Mụ rằng: Con hãy thong dong[13]
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời
1030. Trên đầu có bóng mặt rời rạng soi.
Thấy lời quyết đoán hẳn hoi
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần

Trước lầu Ngưng Bích[14] khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
1035. Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng[15] dặm kia
Bẽ bàng[16] mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nủa cảnh, như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng[17]
1040. Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son[18] gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh[19] những ai đó giờ?
1045. Sân Lai[20] cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử[21] đã vừa người ôm
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh[22]
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

1055. Chung quanh những nước non người
Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.
Ngậm ngùi rủ bức rèm châu[23]
Cách tường nghe có tiếng đâu hoạ vần
Một chàng vừa trạc thanh xuân
1060. Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng
Nghĩ rằng cũng mạch[24] thư hương
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh
Bóng nga[25] thấp thoáng dưới mành
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai[26]
1065. Than ôi! Sắc nước hương trời!
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây!
Giá đành trông nguyệt trên mây[27]
Hoa sao, hoa khéo đoạ đày bấy hoa?
Nỗi gan riêng giận trời già
1070. Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng[28]?
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!
Song thu[29] đã khép cánh ngoài
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh
1075. Nghĩ người thôi lại nghĩ mình
Cám lòng chua xót, lạt tình chơ vơ
Những là lần lữa nắng mưa
Kiếp phong trần biết bao giờ là thôi?
Đánh liều nhắn một hai lời
1080. Nhờ tay tế độ[30] vớt người trầm luân[31]
Mảnh tiên[32] kể hết xa gần
Nỗi nhà báo đáp[33], nỗi thân lạc loài
Tan sương vừa rạng ngày mai
Tiện hồng[34] nàng mới nhắn lời gửi sang

1085. Trời tây lãng đãng bóng vàng
Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi
Mở xem một bức tiên mai[35]
Rành rành “tích việt[36]” có hai chữ đề
Lấy trong ý tứ mà suy:
1090. Ngày hai mươi mốt, tuất thì[37] phải chăng?
Chim hôm thoi thót[38] về rừng
Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành[39]
Tường đông lay động bóng cành
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào
1095. Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần[40]
Rằng: Tôi bèo bọt[41] chút thân
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh[42]
Dám nhờ cốt nhục tử sinh[43]
1100. Còn nhiều kết cỏ ngậm vành[44] về sau!
Lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu:
Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!
1105. Nàng rằng: Muôn sự ơn người
Thế nào xin quyết một bài cho xong.
Rằng: Ta có ngựa truy phong[45]
Có tên dưới trướng[46], vốn dòng kiện nhi[47]
Thừa cơ lẻn bước ra đi
1110. Ba mươi sáu chước[48], chước gì là hơn?
Dầu khi gió kép mưa đơn[49]
Có ta đây cũng chẳng can cớ gì!

Nghe lời, nàng đã sinh nghi
Song đà quá đỗi[50], quản gì được thân
1115. Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!
Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn
Đêm thu khắc lậu[51] canh tàn
1120. Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương
Lối mòn cỏ lợt mùi sương
Lòng quê[52] đi một bước đường một đau
[1] Nhân duyên cõi trần, cõi đời.
[2] Tên một con sông chảy qua gần Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
[3] Hoa xuân đương lên nhuỵ, tức mới nở. Ý nói Kiều còn trẻ trung.
[4] Đây chỉ lòng kiên trinh của phụ nữ.
[5] Khoá kín vẻ xuân trong buồng, như nói cấm cung.
[6] Đợi ngày lấy chồng.
[7] Như nói là ác báo.
[8] Kẻ oán thù, cừu thù.
[9] Lẽ phải, lẽ trái phân minh. Đại ý là Kiều nghe lời Tú Bà nói cũng có lý.
[10] Lời báo mộng của quỷ thần (tức Đạm Tiên).
[11] Nhân duyên có sẵn từ trước, như nói duyên số tiền định.
[12] Tiếng cổ, nghĩa là giãi bày. Ca dao: “Cá buồn cá lội tung tăng, Em buồn em biết dãi dằng cùng ai”. Ở đây đãi đằng có nghĩa là điều ra tiếng vào của những người khách chơi.
[13] Ở đây có nghĩa là khoan tâm, thư tâm.
[14] Tên cái lầu mà Tú Bà dành cho Kiều ở. Ngưng bích nghĩa là đọng (tụ) lại màu biếc.
[15] Đây chỉ những đám bụi bốc lên ở trên đường.
[16] Chán ngán, buồn tủi.
[17] Chén đồng tâm, tức chén rượu thề nguyền đồng tâm với nhau.
[18] Tấm lòng son, đây chỉ tấm lòng thuỷ chung.
[19] Quạt khi nồng, ấp khi lạnh, do chữ đông ôn hạ sảnh ở Kinh Lễ.
[20] Sân Lão Lai. Theo sách Cao Sĩ truyện: “Lão Lai Tử, người nước Sở, đời Xuân Thu, tuổi đã ngoài bảy mươi, mà còn cha mẹ già, ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, ra múa ở trước sân, rồi giả cách ngã, khóc, như trẻ con, để làm cho cha mẹ vui”. Đây nói bóng sân nhà cho mẹ, tức nhà mình.
[21] Gốc cây tử (loài cây thị). Đây dùng chỉ cha mẹ, “gốc tử đã vừa người ôm” nói bóng cha mẹ đã già rồi.
[22] Vực sâu, vũng biển.
[23] do chữ châu liêm, rèm kết bằng ngọc châu.
[24] Dòng dõi.
[25] Bóng người đẹp, chỉ Kiều.
[26] Vương vấn ra vẻ quyến luyến.
[27] Ý nói có một phẩm giá khác đời, như Hằng Nga trong cung nguyệt hay tiên nữ trên cung mây.
[28] Chữ lòng ở đầu câu là Sở Khanh tự nói lòng mình còn chữ lòng ở cuối câu là Sở Khanh hỏi lòng Kiều, hai chữ chỉ riêng hai người.
[29] Cửa sổ mùa thu (nói thời tiết khi ấy).
[30] Cứu vớt.
[31] Chìm đắm, đắm đuổi. Ý Kiều muốn nhờ Sở Khanh cứu mình thoát nạn thanh lâu như Phật cứu vớt chúng sinh khỏi bể trầm luân.
[32] Mảnh giấy hoa tiên, tức tờ thư.
[33] Nông nỗi phải báo đáp ơn nhà, bán mình chuộc cha.
[34] Thuận tiện cánh chim hồng, tức là nhân có người mà gửi thư. Chữ hồng đây dùng như chữ nhạn, chỉ tin tức thư từ.
[35] Do chữ mai tiên, tờ tiên có vẽ cành hoa mai.
[36] “Tích việt” chữ Hán được viết là 昔越. Chữ 昔 được chiết tự là 卄一日 (chấp nhất nhật). Chữ 越 chiết tự là 走戉 (tẩu việt), trong đó chữ 戉 tự dạng gần với 戌 (Tuất). Do vậy “tích việt” ám chỉ là giờ Tuất ngày hai mươi mốt thì chạy trốn. Đó là Sở Khanh bí mật hẹn ngày giờ đi trốn mà Kiều đã lấy ý tứ suy đoán ra.
[37] Giờ Tuất, tức tám, chín giờ tối hiện nay.
[38] Chim từng con lần lượt bay về, con này rồi đến con khác.
[39] Ý nói buổi tối, vầng trăng chiếu vào hoa trà mi ngậm lấy nửa vành trăng.
[40] Ở đây có nghĩa là khẩn khoản.
[41] Như bèo hay bọt trôi nổi trên mặt nước, ngụ lý lưu lạc lẻ loi.
[42] Đây chỉ gái nhà chứa. Ý Kiều nói nàng như con chim lạc đàn, lại mang lấy cái nợ làm gái nhà chứa.
[43] Do chữ “Sinh tử nhục cốt”. Tả truyện: “Sở vị sinh tử cốt dã” (Thế gọi là làm sống lại người chết, làm mọc thịt nắn xương khô - làm cho người đã chết sống lại, xương đã khô mọc thịt ra). Do đó, người ta thường chỉ sự làm ơn rất sâu sắc, to lớn.
[44] Tả truyện: Nguỵ Thù nước Tấn, có tột người thiếp yêu, khi sắp chết còn dặn con là Nguỵ Khoả phải đem cả người thiếp chôn theo. Nguỵ Thù chết, Nguỵ Khoả cho người thiếp về không đem chôn theo. Sau Nguỵ Khoả làm tướng đi đánh giặc nước Tần, gặp tướng Tần là Đỗ Hồi, khoẻ mạnh có tiếng, đang lúc đánh nhau, tự nhiên Đỗ Hồi vấp phải đám cỏ mà ngã, bị Nguỵ Khoả bắt được. Đêm về, Nguỵ Khoả mộng thấy một ông già đến nói rằng: “Tôi là cha người thiếp, cảm ơn ông không chôn con gái tôi, nên tôi kết cỏ quấn chân Đỗ Hồi cho nó ngã vấp để báo ơn”.
Tục Tề hài ký: Dương Biểu đến chơi núi Hoa Âm cứu sống được một con chim. Đêm ấy có một đồng tử mặc áo vàng đến tặng bốn chiếc vòng và nói rằng: “Ta là sứ giả của Tây Vương mẫu may được chàng cứu mạng, xin cảm tạ đại ân”. Do đó, người ta thường nói “kết cỏ ngậm vành” để chỉ sự đền ơn trả nghĩa.
[45] Đuổi theo gió, nói con ngựa đi rất nhanh.
[46] Do chữ trướng hạ, nguyên chỉ quân sĩ thuộc quyền chỉ huy của một vị soái. Đây dùng để chỉ kẻ thủ hạ của Sở Khanh.
[47] Người trẻ tuổi mà có sức khoẻ. Sở Khanh khoe nhà y có ngựa tốt và thủ hạ khoẻ mạnh, là có ý bảo Kiều nếu chạy trốn thì sẽ sẵn phương tiện và người hộ vệ chắc chắn không phải lo ngại gì.
[48] “Tam thập lục” là một danh từ chỉ chung tất cả các chước. Câu này Sở Khanh bảo Kiều chỉ có một kế hay nhất là chạy trốn.
[49] Ý nói dù có những trở ngại bất trắc...
[50] Quá mức, quá đà, ý nói việc đã trót dở dang rồi.
[51] Đồng hồ nhỏ giọt. Thời xưa thường dùng “đồng hồ nước” để tính thời khắc. Đó là một cái đồng hồ bằng đồng, dưới có đục lỗ nhỏ, trong chứa nước, giữa đựng một cái tên có khắc độ; nước trong hồ do lỗ nhỏ giọt ra, thì những độ số ở cái tên cũng dần dần lộ ra, xem đó, biết được thời khắc của ngày đêm. Danh từ đồng hồ ngày nay còn quen gọi là gốc ở đó.
[52] Lòng nhớ quê hương.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Hồi 10