28/04/2024 06:23Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quỳnh Hải nguyên tiêu
瓊海元宵

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 12/07/2005 21:50

 

Nguyên tác

元夜空庭月滿天,
依依不改舊嬋娟。
一天春興誰家落,
萬里瓊州此夜圓。
鴻嶺無家兄弟散,
白頭多恨歲時遷。
窮途憐汝遙相見,
海角天涯三十年。

Phiên âm

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên[1].
Nhất thiên xuân hứng thuỳ gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.[2]
Hồng Lĩnh[3] vô gia[4] huynh đệ tán[5],
Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên[6].

Dịch nghĩa

Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời,
Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi.
Đầu bầu trời xuân hứng, chẳng biết rơi vào nhà nào,
Ở nơi Quỳnh Châu xa vạn dặm, đêm nay lại tròn.
Còn ta thì ở quê hương Hồng Lĩnh, chẳng còn nhà cửa, anh em cũng đều tan tác cả,
Đầu đã bạc, càng buồn vì ngày tháng trôi mau.
Ở nơi đường cùng, từ xa nhìn mà thấy thương cho ngươi,
Ở nơi chân trời góc bể khi tuổi đã ba mươi.

Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang

Nguyên tiêu sân vắng nguyệt đầy trời,
Vành vạnh như xưa ánh sáng ngời.
Xuân hứng một trời ai hưởng đó,
Quỳnh Châu muôn dặm khách đêm nay
Non Hồng ly tán không nhà cửa
Đầu bạc âu lo mãi tháng ngày.
Lỡ bước luống thương ai gặp gỡ,
Chân trời góc biển, tuổi ba mươi.
Quỳnh Hải tức Quỳnh Châu thuộc trấn Sơn Nam xưa, nay là huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ của Nguyễn Du. Năm 1786, sau khi Nguyễn Khản thất lộc, Nguyễn Du lánh nạn về Quỳnh Côi ở nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn ở xã Hải An (lúc này Lê Chiêu Thống chưa chạy sang Trung Quốc).

[1] Dáng đẹp đẽ dễ thương. Nói chung về người lẫn vật, nhưng tục quen dùng để nói riêng về phụ nữ. Ở đây chỉ mặt trăng.
[2] Hai câu này tác giả đang trách trăng vô tình, nhằm lúc mình đang lưu lạc thì lại tròn, tương tự như câu “Bất ưng hữu hận, hà sự trường hướng biệt thời viên” của Tô Đông Pha trong bài Thuỷ điệu ca đầu. Đêm nguyên tiêu và trăng tròn theo thông lệ là ngày tốt lành và anh em thường đoàn tụ, nhưng với Nguyễn Du lần này thì không. Chữ “lạc” ở câu 3 là rơi vào, nghĩa đen ý nói không biết đêm nay nhà nào may mắn được hưởng bầu xuân hứng kia, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là lưu lạc, để chỉ hoàn cảnh của tác giả. Chữ “viên” ở câu 4 nghĩa đen chỉ trăng tròn, nhưng cũng có nghĩa là đoàn viên để xoáy vào nỗi lòng của tác giả khi đang xa cách anh em.
[3] Núi ở Nghệ Tĩnh. Nguyễn Du chính quán Hà Tĩnh.
[4] Chỉ sự kiện tháng mười năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh, bị Tây Sơn phá huỷ hoàn toàn.
[5] Thân phụ Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ, làm quan, có 8 vợ và 21 con (12 con trai). Con cả là Nguyễn Khản làm tham tụng thời Chúa Trịnh, kế đến là Nguyễn Điều làm đốc trấn Sơn Tây. Người anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ làm quan cho Tây Sơn. Người anh khác mẹ là Nguyễn Quýnh âm mưu kết nghĩa chống lại nhà Tây Sơn, bị bắt không chịu phục, nên bị giết. Dinh cơ của họ Nguyễn cùng nhà cửa của đồng bào theo Nguyễn Quýnh đều bị phá huỷ. Anh em Nguyễn Du chạy lánh nạn mỗi người mỗi nơi, chỉ còn người em khác mẹ là Nguyễn Nhưng.
[6] Câu này có người cắt nghĩa là: “Ở nơi góc bể chân trời ba chục năm.” Giải nghĩa như thế e sai, vì Nguyễn Du lúc chạy đến Quỳnh Côi lánh nạn, tuổi mới trên đôi mươi (sinh năm 1765, đậu tam trường năm 1784, chạy giặc năm 1786). Và lênh đênh nơi quê vợ chỉ trên dưới mười năm. Như vậy phải giải nghĩa là “tuổi ba mươi” mới đúng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Quỳnh Hải nguyên tiêu