24/04/2024 07:37Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài 154 - Vi nhân tử

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Đường luật biến thể; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 16/07/2007 21:21

 

Trời phú tính ở mình ta,
Đạo cả cương thường[1] năm miễn ba.
Tôi hết ngay[2], chầu chực chúa,
Con hằng thảo[3], kính thờ cha.
Anh em mựa nữa[4] điều hơn thiệt,
Bầu bạn cho hay nết thực nhà.
Nghĩa vợ chồng xem rất trọng.
Ở đâu phong hoá[5] phép chưng nhà.
Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635).

Nghĩa của đề mục: Đạo làm người.

Bài này trùng nhiều với bài Vi nhân tử mục Nhân đạo môn trong Hồng Đức quốc âm thi tập.

[1] Cương là cái giường lưới tức cái dây chính của lưới, từ đó móc các sợi la, mắt lưới, nhà Nho dùng chữ “cương” để chỉ những quan hệ lớn nhất của xã hội phong kiến. Tam cương: vua (là giường của) tôi; cha (là giường của) con; chồng (là giường của) vợ. Ngũ thường: năm đức tính mà người ta hằng phải có: nhân (thương người), lễ (phép tắc trong sự ăn ở), nghĩa (lẽ phải), trí (sự sáng suốt), tín (giữ đúng lời nói).
[2] Dịch chữ “trung”.
[3] Dịch chữ “hiếu”.
[4] Tiếng cổ, nghĩa là chẳng nên.
[5] Nhà nho xưa coi tình nghĩa vợ chồng là mối đầu của phong hoá, là cơ sở của xã hội. Truyện Hoa Tiên nói về tình vợ chồng có câu “Khuê môn cho rệt mối đầu chỉnh phong”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Bài 154 - Vi nhân tử