28/04/2024 00:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bệnh tháp tiêu hàn tạp vịnh
病榻消寒雜詠

Tác giả: Tiền Khiêm Ích - 錢謙益

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/03/2019 20:43

 

Nguyên tác

頌繫金陵憶判年,
乳山道士日周旋。
過從漫指龍門在,
束縛真愁虎穴連。
桃葉春流亡國恨,
槐花秋踏故宮煙。
于今敢下新亭淚,
且為交遊一惘然。

Phiên âm

Tụng hệ Kim Lăng ức phán niên,
Nhũ Sơn đạo sĩ[1] nhật chu toàn.
Quá tòng mạn chỉ Long Môn[2] tại,
Thúc phược chân sầu hổ huyệt[3] liên.
Đào Diệp[4] xuân lưu vong quốc hận[5],
Hoè hoa[6] thu đạp cố cung yên.
Vu kim cảm hạ Tân Đình[7] lệ,
Thả vị giao du nhất võng nhiên.

Dịch nghĩa

Bị giữ ở Kim Lăng nhớ đã nửa năm
May có Nhũ Sơn đạo sĩ chăm sóc cho
Người qua lại nơi này đều chỉ đây là Long Môn
Buồn lắm bị ràng buộc bên huyệt hổ
Bến Đào Diệp nước chảy để quên hận mất nước
Hoa hoè thu rụng, làn khói cố cung
Đến nay đành nhỏ lệ Tân Đình
Hãy vì tình bạn giao du với nhau cũng thấy ngẩn ngơ

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Giữ ở Kim Lăng nhớ nửa năm
Nhũ Sơn đạo sĩ gắng lo toan
Lại qua đều chỉ Long Môn đó
Trói buộc buồn sao huyệt hổ gần
Đào Diệp xuân trôi hờn mất nước
Hoè hoa thu rụng cố cung tàn
Tân Đình giọt lệ sa nay dám
Ngơ ngác nỗi lòng hiểu bạn thân
Năm Thuận Trị thứ 4, Hoàng Dục Kỳ khởi binh ở ngoài biển, gặp gió toàn bộ binh thuyền đều bị đắm, Dục Kỳ bị quân Thanh bắt. Tiền Khiêm Ích vì từng chiêu đãi Dục Kỳ ở nhà và hứa giúp tiền để chiêu binh, nên cũng bị bắt hạ vào ngục ở Nam Kinh, đến năm sau được tha. Tuy ở trong ngục nửa năm, ông cũng được khoan dung, không bị mang hình cụ. Trong khi đó, ái thiếp là Liễu Như thị liều chết theo đi bán hết gia sản nên cứu được.

[1] Tức Lâm Cổ Độ, tự Mậu Chi, người Phúc Thanh, Phúc Kiến. Minh mất ông lưu ngụ ở Nam Kinh.
[2] Điển từ Thế thuyết tân ngữ - Đức hạnh: Phong cách của Lý Nguyên Lễ chững chạc, nên ông tự cao, muốn đem danh giáo thị phi trong thiên hạ làm trách nhiệm của mình, hễ có người bước lên nhà mình đều cho là Đăng Long Môn. Sau này dùng để chỉ bậc cao danh, ở đây chỉ Lâm Cổ Độ.
[3] Chỉ nhà ngục. Điển từ Hán thư - Khốc lại truyện: Doãn Thương xây nhà ngục Trường An, đều đào sâu xuống đất mấy trượng, dùng tảng đá to đậy lên trên, gọi là hổ huyệt.
[4] Tức bến Đào Diệp ở Nam Kinh.
[5] Bài Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục có câu: “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu đình hoa” (Ca nữ không đau lòng mất nước, Cách sông còn hát Hậu đình hoa).
[6] Cuối năm Thiên Bảo nhà Đường, An Lộc Sơn đánh lấy Trường An, mở đại hội ở Ngưng Bích trì, các đệ tử ở Lê Viên đều khóc thút thít, Nhạc công Lôi Hải Thanh quăng nhạc cụ quay mặt về tây khóc lớn, bị An Lộc Sơn xé xác ở điện Thí Mã. Lúc bấy giờ Vương Duy bị nhốt ở chùa Bồ Đề, làm thơ có câu: “Vạn hộ thương tâm sinh dã yên, Bách quan hà nhật cánh triều thiên? Thu hoè diệp lạc không cung lý, Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền” (Tang tóc muôn dân lửa khói mờ, Quan triều chầu sáng đến bao giờ? Hoè thu trút lá trong cung vắng, Ngưng Bích trì nghe rộn trúc tơ). Câu này khi tác giả bị tù ở Nam Kinh, mượn thơ Vương Duy để gửi gắm nỗi đau mất nước.
[7] Nay thuộc tỉnh Giang Tô. Khi nhà Đông Tấn sắp mất nước, phải chạy xuống miền nam, các tỉnh ở trung nguyên lần lượt bị mất... Các bậc cựu thần và sĩ phu nhà Tấn họp nhau uống rượu ở Tân Đình. Chu Khải nói: “Phong cảnh vẫn thế, non sông không còn như xưa”, mọi người đều rơi lệ... Vương Đạo nói: “Chúng ta phải hết sức phò tá nhà vua lấy lại đất nước, việc gì phải bắt chước người tù nước Sở, nhìn nhau mà khóc, phỏng có ích gì?” Từ đấy, người ta thường dùng chữ “Tân Đình lệ” để chỉ hạt lệ yêu vua cũ, nước xưa, có chí khôi phục triều đại sắp hay đã đổ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tiền Khiêm Ích » Bệnh tháp tiêu hàn tạp vịnh