28/04/2024 03:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi 13

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 30/06/2005 11:13

 

Vệ Hoa Dương, trí lừa mụ Mã,
Thúc Kỳ Tâm, duyên kết nàng Kiều.
(Câu 1367-1466)


Cùng nhau căn dặn đến điều
Chỉ non, thề bể, nặng gieo đến lời
Nỉ non đêm ngắn tình dài
1370. Ngoài hiên thỏ đã non đoài[1] ngậm gương
Mượn điều trúc viện[2] thừa lương[3]
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi
Chiến hoà[4], sắp sẵn hai bài
Cậy người thầy thợ, mượn người dò la
1375. Bán tin đến mụ Tú Bà
Thua cơ[5], mụ cũng cầu hoà, dám sao
Rõ ràng của dẫn tay trao
Hoàn lương[6] một thiếp, thân vào cửa công
Công tư đôi lẽ đều xong
1380. Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai[7]
Một nhà sum hợp trúc mai[8]
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông
Hương[9] càng đượm, lửa[10] càng nồng
Càng xôi vẻ ngọc[11], càng lồng màu sen[12]

1385. Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô[13] cành biếc đã chen lá vàng
Giậu thu[14] vừa nảy giò sương[15]
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi
Phong lôi[16] nổi trận bời bời
1390. Nặng lòng e ấp[17], tính bài phân chia
Quyết ngay biện bạch[18] một bề
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh
Thấy lời nghiêm huấn[19] rành rành
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu
1395. Rằng: Con biết tội đã nhiều
Dẫu rằng sấm sét[20] búa rìu[21] cũng cam
Trót vì tay đã nhúng chàm[22]
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây!
Cùng nhau vả tiếng một ngày
1400. Ôm cầm ai nỡ đứt dây cho đành[23]?
Lượng trên quyết chẳng thương tình
Bạc đen[24] thôi có tiếc mình làm chi!

Thấy lời sắt đá tri tri
Sốt gan[25], ông mới cáo quỳ[26] cửa công
1405. Đất bằng nổi sóng[27] đùng đùng
Phủ đường[28] sai lá phiếu hồng[29] thôi tra[30]
Cùng nhau theo gót sai nha
Song song vào trước sân hoa[31] lạy quỳ
Trông lên mặt sắt[32] đen sì
1410. Lập nghiêm trước đã, ra uy nặng lời
Gã kia dại nết chơi bời
Mà con người thế là người đong đưa
Tuồng gì hoa thải, hương thừa
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen!
1415. Suy trong tình trạng bên nguyên[33]
Bề nào thì cũng chưa yên bề nào
Phép công chiếu án luận vào
Có hai đường ấy, tính sao mặc mình
Một là cứ phép gia hình[34]
1420. Một là lại cứ lầu xanh phó về!

Nàng rằng: Đã quyết một bề
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần[35]!
Đục trong[36] thân cũng là thân
Yếu thơ[37], vâng chịu trước sân lôi đình[38]
1425. Dạy rằng: Cứ phép gia hình!
Ba cây[39] chập lại một cành mẫu đơn[40]
Phận đành chi dám kêu oan
Đào hoen quyên má, liễu tan tác mày
Một sân lầm cát đã đầy
1430. Gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc sương
Nghĩ tình chàng Thúc mà thương
Nẻo xa trông thấy lòng càng xót xa
Khóc rằng: Oan khốc vì ta!
Có nghe lời trước, chớ đà luỵ sau
1435. Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu
Để ai trăng tủi, hoa sầu vì ai?
Phủ đường[41] nghe thoảng vào tai
Động lòng lại gạn đến lời riêng tây
Sụt sùi chàng mới thưa ngay
1440. Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân[42]:
Nàng đà tính trước xa gần
Từ xưa nàng đã biết thân có rày!
Tại tôi hứng lấy một tay
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi!

1445. Nghe lời nói cũng thương lời
Dẹp uy mới dạy mở bài giải vi[43]
Rằng: Như hẳn có thế thì
Trăng hoa, song cũng thị phi biết điều!
Sinh rằng: Chút phận bọt bèo
1450. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.
Cười rằng: Đã thế thì nên!
Mộc già[44] hãy thử một thiên trình nghề.
Nàng vâng cất bút tay đề
Tiên hoa trình trước án phê xem tường
1455. Khen rằng: Giá đáng Thịnh Đường[45]
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!
Thật là tài tử giai nhân
Châu Trần[46] còn có Châu Trần nào hơn?
Thôi đừng rước dữ cưu hờn[47]
1460. Làm chi lỡ nhịp cho đờn ngang cung?
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý, song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!
1465. Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao.
[1] Núi ở phía tây.
[2] Viện trúc, nơi nghỉ mát có trồng trúc xung quanh.
[3] Hóng mát, nghỉ mát, Thúc Sinh mượn cớ là đưa Kiều đi hóng mát.
[4] Ở đây, chiến là dịa chuyện kiện cáo, hoà là lựa cách điều đình. Theo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, Thúc Sinh đưa Kiều về ở nhà Hoa Dương, một tay hào phú xứ ấy, rồi một mặt cậy Hoa Dương rêu rao về tội mua con gái nhà lương thiện về làm gái điếm, một mặt mượn Bộ Tần đến điều đình việc chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh.
[5] Thua mưu, thua mẹo của Thúc Sinh.
[6] Gái đĩ bỏ nghề cũ trở về đời lương thiện.
[7] Bụi bậm chỉ cảnh lầu xanh.
[8] Chỉ sự giao kết thân mật của vợ chồng.
[9, 10] Hương, lửa: chỉ tình duyên vợ chồng.
[11, 12] Ngọc, sen: hai câu tỏ ý “sum họp” mai trúc đã về một nhà.
[13] Sân có trồng cây ngô đồng. Ngô đồng là một loài cây cao, cành lá xanh biếc, nên thường gọi là bích ngô chen lá vàng giữa chòm lá xanh biếc, tức trời đã sang thu.
[14] Giậu hoa mùa thu.
[15] Giò hoa chịu được sương, ý chỉ hoa cúc.
[16] Gió, sấm, nói cơn giận nổi lên dữ dội như gió, như sấm.
[17] Thúc ông trong lòng lấy làm e sợ về việc để cho con gái lầu xanh như thế, vì không những làm xấu thanh danh nhà mình, mà đối với Hoạn Thư cũng sẽ có chuyện lôi thôi.
[18] Ở đây nghĩa là phán bảo minh mạch, rành rọt.
[19] Lời dạy của bố.
[20] Do chữ lôi đình, chỉ sự ra uy, như quát mắng đánh đập.
[21] Do chữ phủ việt, chỉ dự gia hình. Ý cả câu: dẫu đánh mắng hay giết chết cũng xin chịu.
[22] Cái tay đã nhúng vào chàm, thì dù rút ra cũng bị nhuốm chàm xanh rồi.
[23] Đã lấy nhau thành vợ chồng thì nỡ nào lại lìa bỏ, cũng như nỡ ôm đàn cầm mà gẩy thì nỡ nào lại đứt dây cho được.
[24] Chưa thực rõ nghĩa. Có người giải bạc đen là sống chết cũng liều.
[25] Nóng gan, như nói nóng tiết.
[26] Cáo là thưa trình, quỳ là quỳ gối, tức quỳ gối mà đề đơn thưa trình. Lệ xưa, ai vào quan thưa trình việc gì, phải quỳ gối trước công đường đầu đội lá đơn.
[27] Do chữ “bình địa ba đào”.
[28, 41] Dinh quan phủ, ở đây chỉ quan phủ.
[29] Tờ trát của quan.
[30] Đòi lên xét hỏi.
[31] Sân phủ đường (chữ hoa ở đây chỉ đặt cho đẹp lời).
[32] Do chữ thiết diện: mặt đen và cứng rắn như sắt, thường mượn để chỉ một vị quan cương trực, nghiêm nghị.
[33] Bên người nguyên cáo, tức Thúc ông (Thúc Sinh và Kiều là bị cáo).
[34] Gia hình có nghĩa là bắt phải chịu tội, hình phạt, ở đây là phạt trượng tức dùng trường (gậy) mà đánh.
[35] Ý Kiều nói đã quyết tình hoàn lương rồi, không muốn lại lần nữa mắc vào cảnh lầu xanh, như con nhện lại vướng víu vào lưới tơ thêm một lần nữa.
[36] Ý nói dù đục hay trong, dù dở hay hay.
[37] Yếu ớt, thơ dại.
[38] Sấm sét, chỉ hình phạt.
[39] Do chữ tam mộc là thứ hình cụ thể bằng gỗ thời xưa, tức già, nữu giới (cái gông cổ, cái kẹp tay và cái cùm chân). Ở đây, chữ bạ cây, chỉ các hình phạt dồn vào cái thân yếu ớt của Kiều.
[40] Cành hoa đẹp ví nói Kiều.
[42] Cầu làm thân, nói việc định lấy nhau.
[43] Cởi, gỡ vòng vây ra, đây ý nói gỡ cho ra lối thoát để giải quyết việc rắc rối này.
[44] Cái gông. Đầu đề bài thơ là vịnh cái gông.
[45] Ý nói tương đương với thơ Thịnh Đường, là giai đoạn phồn thịnh nhất thơ của triều đại nhà Đường, Trung Quốc.
[46] Ở châu Từ, về huyện Phong, xưa kia có họ Châu và họ Trần, đời đời làm thông gia với nhau, về sau người ta dùng hai chữ Châu Trần để nói sự lấy nhau đẹp đôi xứng lứa.
[47] Mua rước lây điều dữ và cưu mang lây sự hờn giận.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Hồi 13