27/03/2023 04:10Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Diệp Y Như vào 25/03/2010 00:10

Nguyên tác
巫峽迢迢舊楚宮,
至今雲雨暗丹楓。
微生盡戀人間樂,
只有襄王憶夢中。
Phiên âm
Vu giáp điều điều cựu Sở cung,
Chí kim vân vũ ám đan phong.
Vi sinh[1] tận luyến nhân gian lạc,
Chỉ hữu Tương Vương ức mộng[2] trung.Dịch nghĩa
Núi Vu Giáp xa xa, cung Sở ngày xưa,
Đến nay mây mưa còn ảm đạm cả hàng cây phong đỏ.
Người đời đều luyến đắm trong vui sướng nhân gian,
Chỉ có Tương Vương còn nhớ chuyện trong mộng.Bản dịch của Lê Quang Trường
Xa xa cung Sở dưới non Vu,
Phong đỏ mây mưa nhuốm mịt mù.
Lắm kẻ trần gian chìm khổ lạc,
Tương Vương riêng nhớ mộng mà thôi.
Khoảng giữa năm Đại Trung thứ 1-2 (847-848) đời Đường Tuyên Tông, tác giả đi qua vùng Giang Lăng nước Sở, bài thơ này được làm trong khoảng thời gian đó. Thơ tuy phúng thích Sở Tương Vương hoang dâm bỏ bê triều chính, nhưng thật ra ngầm khiển trách các vua Đường mê tín chuyện thần tiên, tham luyến nữ sắc. Trong những dòng thơ như ẩn chứa nỗi đau bất đắc chí của tác giả. Thế nên Phùng Hạo mới nói rằng: “(Thương Ẩn) tự đau nỗi mình bất đắc chí như tiếng vượn buồn kêu ai oán”. (Ngọc Khê Sinh thi tập tiên chú)
Nguồn: Lý Thương Ẩn - lan trong rừng vắng, Lê Quang Trường biên khảo, NXB Văn Nghệ, 2009
[1] Kiếp sống mọn, chỉ chúng sinh, muôn dân.
[2] Vua Tương Vương nhớ chuyện trong mộng. Bài tựa Thần nữ phú của Tống Ngọc viết: Sở Tương Vương đi chơi ở đầm Vân Mộng cùng với Tống Ngọc, vua sai Tống Ngọc làm bài phú về Cao Đường, đêm ấy vua ngủ, mộng thấy Thần nữ...